Hà Nội kêu gọi người dân cùng giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm

Trần Quang Thứ sáu, ngày 22/11/2019 06:43 AM (GMT+7)
Chính quyền Hà Nội mong người dân cùng chung tay góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Cụ thể, bên cạnh việc mua hàng chất lượng, đảm bảo ATVSTP, người dân nên tích cực tham gia giám sát và phát hiện, tố cáo kịp thời các đơn vi phạm để các cơ quan chức năng xử lý.
Bình luận 0

img

Để hiểu rõ hơn về công tác bảo đảm ATVSTP  ở Hà Nội dịp cuối năm 2019, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Văn Tường (ảnh) - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội.

Hiện nay công tác bảo đảm ATVSTP đang được thành phố triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Hà Nội là 1 trong 9 tỉnh thực hiện thí điểm thanh tra ATVSTP. Theo đó, Hà Nội đã chỉ đạo rất sát các đơn vị quản lý trong hệ thống bảo đảm ATVSTP. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các đoàn  thanh tra liên ngành để đi kiểm tra công tác thực hiện của các địa phương, các cơ sở sản xuất.

Cùng với đó, công việc lấy mẫu giám sát, kiểm tra và hậu kiểm các sản phẩm nông nghiệp mà các đơn vị tự công bố cũng được thành phố tăng cường rất quyết liệt. Đặc biệt, Hà Nội có 5 xe kiểm nghiệm nhanh, các xe này sẽ cơ động hàng ngày để giám sát ATVSTP và các nguy cơ mất ATVSTP, nhất là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát, phân loại các cơ sở sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp.

img

Người dân tới mua hàng tại các gian bày bán sản phẩm, thực phẩm an toàn trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy (Hà Nội).  Ảnh: Trần Quang

Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến không đạt chuẩn, không đạt loại sẽ có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục theo đúng quy định. Vấn đề này cũng được các cơ quan của thành phố phối hợp rất chặt chẽ, giúp việc bảo đảm ATVSTP tại các địa phương trên địa bàn thành phố được tăng cường và hiệu quả nhất.

Trong thời gian vừa qua các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đã ra quân xử lý rất quyết liệt, nhất là đối với vụ việc bơm tạp chất vào tôm được các cơ quan làm rất triệt để, đủ sức răn đe, làm gương cho các đơn vị, cá nhân khác.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan của thành phố đã triển khai thực hiện rất bài bản và nhân văn. Cụ thể, các cơ quan này khi kiểm tra các cá nhân, đơn vị sản xuất nếu phát hiện vi phạm thì sẽ đánh giá, tìm ra nguyên nhân, có  hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị này sửa sai và khắc phục để thực hiện theo đúng quy định.

Cụ thể, công việc thanh tra, kiểm tra liên ngành được triển khai và các vụ việc vi phạm về ATVSTP được xử lý như thế nào trong thời gian vừa qua?

Theo thống kê, tại Hà Nội hiện có gần 70.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.000ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát...

- Trong 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Ngoài ra, Công an thành phố đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Thành phố cũng tăng cường công tác xét nghiệm, kiểm tra thực phẩm an toàn, chất lượng. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, tuyến thành phố lấy 3.829 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 93,7%)...

Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, điều kiện bảo đảm ATVSTP của các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô đã được các ngành, các quận, huyện, thị xã quản lý tương đối tốt.

Điểm mới trong công tác đảm bảo ATVSTP thời gian tới là gì?

- Đến thời điểm này thành phố có 135 chuỗi ATTP. Cái mới là chúng tôi đã ban hành các hướng dẫn để quản lý ATTP theo chuỗi. Tất cả các chuỗi đó phải hoạt động theo các quy định cụ thể. Cùng với đó, các chuỗi hoạt động theo chuỗi giá trị thì hiện nay chúng tôi cũng tư vấn, kiểm soát và đưa thông tin lên các trang thông tin tới đây, sẽ đưa vào các chợ thương mại điện tử đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Bên cạnh việc kiểm soát, Hà Nội đã làm gì để cung cấp thêm nhiều thực phẩm an toàn cho người dân?

- Bên cạnh xây dựng các địa điểm, cửa hàng và món ăn nổi bật, đặc trưng, thời gian tới, thành phố sẽ triển khai mạnh hơn việc xây dựng các chuỗi sản xuất kinh doanh phân phối thực phẩm. Từ 800 cửa hàng rau, củ, quả tại 12 quận hiện nay, thành phố sẽ nhân rộng, lập các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến...

Trong đó, quy định rõ tiêu chí các cửa hàng này như xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, có phương tiện bảo quản, niêm yết giá công khai, người bán cần được trang bị về kiến thức ATVSTP, đăng ký kiểm tra và chứng nhận về ATVSTP...

Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng, khuyến khích các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa một cách liên hoàn, đồng bộ từ nơi chăn nuôi, trồng trọt tới phân phối kinh doanh và chế biến để đưa thực phẩm vào lưu thông có kiểm soát. Thành phố mong muốn người dân đóng vai trò giám sát các hoạt động về sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, có ý thức trong sử dụng và mua bán thực phẩm an toàn, phát hiện, lên án những hành vi vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Tăng cường quản lý nhà nước

Để tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm những tháng cuối năm 2019, theo ông Tạ Văn Trường, thành phố sẽ nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả chỉ  đạo, điều hành công tác an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm. Mặt khác, Hà Nội cũng tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Gạo hữu cơ Đồng Phú hướng tới xuất khẩu

Niềm vui lớn đến với nông dân xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) từ năm 2019, khi Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam (Công ty Green Path) cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa hữu cơ của địa phương. Hiệu quả của cái “bắt tay” bền chặt này đã mở ra hướng đi mới trong việc cung ứng cho thị trường sản phẩm gạo an toàn, chất lượng và hướng tới xuất khẩu bền vững.
Sản phẩm lúa hữu cơ Đồng Phú đã được cấp chứng nhận PAMCI theo mùa vụ và chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041-1:2017). Đây cũng là sản phẩm của chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản tiêu biểu của Hà Nội theo hình thức liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà kinh doanh) và đang được thành phố hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, trong quá trình sản xuất, nông dân Đồng Phú tuân thủ việc ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử, đảm bảo minh bạch mọi công đoạn từ việc gắn camera trên đồng ruộng đến chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, phối hợp cùng doanh nghiệp dán tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm rộng rãi nên người tiêu dùng có thể kiểm tra xác thực mọi thông tin về sản phẩm.

Ngọc Ánh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem