Hà Nội: Có sẵn 836.000 tấn gạo, 271.278 tấn thịt, 1 triệu quả trứng, siêu thị hết lại đầy, sao phải đổ xô tích trữ?

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 19/07/2021 06:31 AM (GMT+7)
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vì vậy, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.
Bình luận 0

Hà Nội tăng lượng hàng hóa thiết yếu, không lo thiếu

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội đã bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân, vì vậy, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.

Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần so với bình thường với 836.000 tấn gạo; 167.346 tấn thịt lợn; 48.150 tấn thịt trâu, bò; 55.782 tấn thịt gia cầm; trên 1 triệu quả trứng gia cầm…

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, ngành nông nghiệp thanh phố cũng đã quy hoạch 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 48 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm, 15 vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm, 39 vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm, 60 vùng chăn nuôi gia cầm tập trung, 48 khu chăn nuôi tập trung và 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Năng lực sản xuất của người dân Thủ đô gần như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 10,5 triệu dân Thủ đô hàng tháng. 

Ví dụ, nhu cầu sử dụng gạo 94.500 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn); thịt lợn hơi 18.900 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn; thịt gia cầm 6.300 tấn (khả năng tự cung ứng 12.700 tấn); thủy hải sản tươi, đông lạnh 5.250 tấn (khả năng tự cung ứng 9.080 tấn); trứng gia cầm 126 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả,...

Ngoài nguồn nông sản tại chỗ, thành phố cũng tăng cường hợp tác, kết nối với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Hà Nội: Có sẵn 836.000 tấn gạo, 200.000 tấn thịt, 1 triệu quả trứng, siêu thị hết lại đầy sao phải đổ xô tích trữ? - Ảnh 1.

Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm cho dân trong mọi hoàn cảnh. Trong ảnh: Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một số điểm bán hàng chiều 18/7. Ảnh: moit.gov.vn

Để đảm bảo đủ nhu cầu của dân, trong cuộc làm việc với Sở Công Thương Hà Nội mới đây, đại diện các hệ thống siêu thị cho biết, đã chủ động, sẵn sàng các phương án dự trữ hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng từ 30% đến 50%, đồng thời cam kết không tăng giá bán thời điểm này.

Đơn cử, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có 80 điểm bán và 2 kho hàng, hiện, toàn bộ kho hàng của hệ thống siêu thị Hapro, Fuji Mart… đã được chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cả hàng tươi và hàng đông lạnh. 

Với hệ thống 800 điểm bán hàng và 51 siêu thị lớn tại Hà Nội, hệ thống Vinmart đang trữ kho tại chỗ bảo đảm phục vụ người dân, không để xảy ra tình trạng trống kệ. 

Hà Nội dự trữ hàng hoá tăng gấp 5 lần, người dân không nên tích trữ

Theo báo cáo của các doanh nghiệp tại cuộc làm việc với Sở Công Thương Hà Nội, hiện tại doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30%-50% lượng hàng hóa thiết yếu, đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí  đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm.

Doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng  phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng có nhu cầu tăng cao.

Hà Nội: Có sẵn 836.000 tấn gạo, 200.000 tấn thịt, 1 triệu quả trứng, siêu thị hết lại đầy sao phải đổ xô tích trữ? - Ảnh 2.

Hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội vẫn dồi dào. Ảnh: moit.gov.vn.

Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 (phương án dự trữ hàng cao nhất) của Sở Công Thương Hà Nội trong thời gian 03 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu), và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị các hệ thống phân phối quan tâm bố trí nhân lực sắp xếp hàng hóa trên các giá kệ phục vụ nhu cầu của nhân dân, không được thiếu hàng cục bộ, kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt.

Bộ Công Thương khuyến cáo người dân yên tâm không tích trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đông người đến các hệ thống phân phối nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Bộ Công Thương đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường, phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hà Nội, chỉ đạo Sở Công Thương cũng như các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

Sở Công Thương Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp cho các hệ thống phân phối các doanh nghiệp có nguồn cung thiết yếu của các tỉnh, thành phố và Hà Nội để các doanh nghiệp chủ động kết nối nguồn cung, tăng lượng hàng phục vụ nhân dân. 

Đồng thời, sẵn sàng huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện, cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán, đề nghị Tổng công ty vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới các điểm bán trên toàn thành phố.

Hiện, Sở Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện nhất, giảm chi phí về logictic.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123. siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

 Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid - 19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem