dd/mm/yyyy

Hà Nội: Chuỗi cung ứng thực phẩm “ăn nên làm ra” mùa dịch

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT và TP.Hà Nội đặt mục tiêu nâng số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được truy xuất nguồn gốc tăng 10%/năm, 7 chuỗi được nâng cấp theo chuẩn mực quốc tế và số chuỗi giá trị ngành hàng được nhân rộng 200%/năm.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị góp ý dự thảo chương trình phối hợp về "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025", được Bộ NNPTNT và UBND TP.Hà Nội tổ chức vừa qua.

786 chuỗi liên kết giữa Hà Nội và 21 tỉnh

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, từ năm 2015, Bộ NNPTNT đã hỗ trợ Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố phía Bắc thực hiện chương trình phối hợp giao thương, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội. 

Đặc biệt, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, TP.Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với 45 tỉnh, thành phố (1.130 cơ sở) của cả nước để cung cấp cho Hà Nội trung bình mỗi tháng trên 92.000 tấn rau, củ, trái cây, trên 13.000 tấn thịt gia súc gia cầm; trên 31 triệu quả trứng; trên 11 tấn thủy sản và gần 233 tấn gạo, nông sản thực phẩm khác.

Chuỗi cung ứng thực phẩm “ăn nên làm ra” mùa dịch - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến (trái) kiểm tra thực tế chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn của HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: Minh Ngọc

Sau 5 năm thực hiện, chương trình phối hợp giao thương đã thiết lập được 786 chuỗi liên kết giữa Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố, chiếm 48% số chuỗi của cả nước. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, HTX, nông hộ hưởng ứng tham gia.

"Từ sự phối hợp này đã góp phần đảm bảo nhu cầu thực phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội, đóng góp vào thành quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố" - ông Quyền cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, hàng năm lượng lương thực thực phẩm Hà Nội sản xuất chỉ đủ đáp ứng 35% nhu cầu của người dân Thủ đô và phải liên kết với các địa phương để sản xuất, cung ứng. 

Chính bởi vậy, để đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, thúc đẩy giao thương thực phẩm nông lâm thủy sản giữa TP.Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thì trong giai đoạn 2021-2025 sẽ nâng số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất nguồn gốc tăng 10%/năm. 

Các mục tiêu khác là 7 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn được thí điểm nâng cấp lên chuỗi giá trị ngành hàng bền vững theo chuẩn mực quốc tế; số chuỗi ngành hàng được nhân rộng 200%/năm.

Cần phối hợp chặt chẽ hơn

Đóng góp vào dự thảo chương trình, đại diện các tỉnh, thành phố cho rằng Hà Nội cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, cụ thể hơn về nhu cầu cũng như đầu ra sản phẩm. Ông Lê Tân Phong - Phó Giám Sở NNPTNT Lào Cai cho biết, tỉnh có 80 chuỗi nông sản của 6 chuỗi ngành hàng; 92 sản phẩm OCOP; 63 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Mỗi năm Lào Cai cung cấp trên 100.000 tấn nông sản phục vụ thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác.

Theo ông Phong, từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2050, Lào Cai sẽ đẩy mạnh phát triển chế biển các sản phẩm nông sản để cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố như: chè, dứa, chuối và cây dược liệu.

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Hiện nay, Đồng Tháp đã có nhiều sản phẩm chất lượng như: gạo, các loại cây có múi, các sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, Đồng Tháp xác định đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.

"Cần có buổi làm việc giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội để nắm bắt cụ thể được thị trường, nhu cầu của từng loại sản phẩm nông sản, thực phẩm" - đại diện Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong thời gian tới Hà Nội phấn đấu xây dựng các vùng trồng được cấp mã số, tất cả các sản phẩm đều được xây dựng thương hiệu. Thời gian qua, TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tuy nhiên đối với các chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đều dễ tiêu thụ, thậm chí thiếu hụt, không đủ để bán.

Bà Lan cho hay, Sở Công Thương Hà Nội sẵn sàng kết nối giao thương với các địa phương. Qua đó nắm bắt được nhu cầu và chất lượng sản phẩm của các tỉnh. Mong muốn kết nối cụ thể từ vùng trồng đến các hệ thống phân phối, qua đó gửi đơn đặt hàng tới các địa phương, từng doanh nghiệp, từng mặt hàng, đảm bảo từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững. 

Khi tham gia chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp cần đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Từ đó nâng cao chất lượng các chuỗi, đa dạng hóa kênh kết nối. 

Minh Ngọc