Hà Giang: Nuôi thứ lợn "xấu tướng" nhưng "khỏe như vâm", lớn con nào lái bắt đi hết sạch

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 16/07/2021 13:40 PM (GMT+7)
“Thấy đông người dòm, ngó, cả đàn lợn bỗng dưng co rúm lại. Chúng có lông, da thô, tai nhỏ cúp và chòm lông trắng ở trán dài tạo thành một xoáy ngược lên đỉnh đầu. Chủ nhân của chúng bảo, đây là giống lợn đặc sản, chỉ duy nhất ở 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang".
Bình luận 0

Giống lợn đặc sản chỉ có ở 4 huyện núi đá tỉnh Hà Giang

Trang trại nằm ngay bên cạnh dòng sông Nho Quế nổi tiếng của tỉnh Hà Giang. Bên trong, hàng trăm chú lợn có lông, da thô, tai nhỏ cúp và chòm lông trắng ở trán đang xì sục ăn. Thấy chúng tôi dòm, ngó cả đàn lợn chạy nhốn nháo, co rúm lại.

Mô hình chăn nuôi lợn Lũng Pù của HTX Tuấn Dũng, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Clip: Minh Ngọc.

Theo chia sẻ của ông Thèn Văn Hải - Giám đốc HTX Tuấn Dũng, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), thì đây là giống lợn đen bản địa chỉ được nuôi ở 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang. 

"Tên của chúng được đặt dựa theo địa danh Lũng Pù. Giống lợn đen Lũng Pù được thuần hóa từ lâu đời rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân vùng cao của tỉnh Hà GiangChúng là giống lợn quý của người H'Mông, tầm vóc to lớn. Chỉ bằng phương pháp nuôi kham khổ nấu bột ngô cộng lá, rau rừng băm nhỏ, nuôi 10 - 12 tháng đạt trọng lượng 80 - 90kg/con" - ông Thèn Văn Hải - Giám đốc HTX Tuấn Dũng chia sẻ.

Hà Giang: Nuôi giống lợn đen đặc sản,  - Ảnh 1.

Giống lợn đen Lũng Pù được thuần hóa từ lâu đời rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân vùng cao của tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Ngọc.

Theo ông Hải, đây là giống lợn chiếm tỷ lệ cao nhất và có chất lượng tốt nhất so với các giống lợn địa phương khác của Hà Giang. Chúng có ngoại hình lông đen, dày và ngắn, da thô, tai nhỏ cúp, mõm dài trung bình. Lợn Lũng Pù có hai kiểu dáng ngoại hình, một loại 4 chân trắng và có đốm trắng ở trán và mõm, một loại đen tuyền.

Đặc điểm của những con lợn ở Lũng Pù thường trong một lứa có nhiều lợn đen hơn lợn khoang. Dù đen nhưng chúng có đốm 4 chân, xoáy trên đầu màu trắng. Lông đen, dày và ngắn, da thô, tai nhỏ cúp, mõm dài trung bình. Trung bình có 10 vú và bình quân đẻ 1,5 đến 1,6 lứa/năm. 

Hà Giang: Nuôi giống lợn đen đặc sản,  - Ảnh 2.

Đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN thăm mô hình nuôi lợn Lũng Pù tại HTX Tuấn Dũng, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Ngọc.

Đến nay, sau hơn 2 năm chăn nuôi lợn đen Lũng Pù, HTX Tuấn Dũng đã thuần hóa và nuôi thành công giống lợn bản địa này. Hiện, tổng đàn lợn nái đen Lũng Pù đã lên đến trên 100 con và 300 con lợn đen thương phẩm.

"Lợn Lũng Pù được thuần hóa và phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương. Đây là giống vật nuôi quý, có khả năng thích nghi, kháng bệnh cao, có giá trị kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần giống lợn lai, phù hợp với thị hiếu và chất lượng thịt thơm ngon" - ông Hải nói.

Trung bình mỗi năm đơn vị bán ra thị trường hàng nghìn con lợn đen Lũng Pù thương phẩm và lợn Lũng Pù giống chất lượng cao. Tổng doanh thu hàng năm của HTX Tuấn Dũng đạt trên 7,6 tỷ đồng.

Hà Giang: Nuôi giống lợn đen đặc sản,  - Ảnh 3.

Lợn Lũng Pù có đặc điểm lông đen, dày và ngắn, da thô, tai nhỏ cúp, mõm dài trung bình. Ảnh: Minh Ngọc.

Thoát nghèo nhờ nuôi lợn đặc sản - lợn Lũng Pù Hà Giang

Gia đình anh Vừ Mí Và trước kia chỉ lên nương trồng ngô, trồng sắn, nuôi 1 hay 2 con lợn, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều lúc thiếu ăn. Anh trăn trở phải làm gì để thay đổi cuộc sống của gia đình mình. Cơ duyên đến, khi đầu năm 2019, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc định hướng tham gia mô hình chăn nuôi lợn sinh sản, giống bản địa theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao. Nắm lấy cơ hội này, anh đã mua con giống, cải tạo lại chuồng trại để nuôi lợn.

Hà Giang: Nuôi giống lợn đen đặc sản,  - Ảnh 4.

Hà Giang: Nuôi giống lợn đen đặc sản,  - Ảnh 5.

Gia đình anh Vừ Mí Và xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc đã có thu nhập 50 triệu đồng/năm nhờ nuôi giống lợn đặc sản - lợn Lũng Pù. Ảnh: Minh Ngọc.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Vừ Mí Và phấn khởi kể: “Từ khi nuôi lợn Lũng Pù, gia đình tôi xuất bán được rất nhiều lứa lợn giống. Mỗi con lợn nái bình quân 2 lứa/năm, mỗi lứa 6 - 8 con, giá mỗi con lợn giống khoảng từ 1,8 triệu đến 2 triệu đồng. Gia đình tận dụng các sản phẩm nông nghiệp như ngô, rau rừng, cám gạo, khoai làm thức ăn cho lợn. Trừ chi phí, gia đình tôi còn thu được khoảng 50 triệu đồng/năm”.

Hà Giang: Nuôi giống lợn đen đặc sản,  - Ảnh 6.

Mỗi con lợn nái Lũng Pù bình quân 2 lứa/năm, mỗi lứa 6 - 8 con. Ảnh: Minh Ngọc.

Hà Giang: Nuôi giống lợn đen đặc sản,  - Ảnh 7.

Chỉ bằng phương pháp nuôi kham khổ nấu bột ngô cộng lá, rau rừng băm nhỏ, nuôi 10 - 12 tháng, lợn Lũng Pù sẽ đạt trọng lượng 80 - 90kg/con. Ảnh: Minh Ngọc.

Anh Vừ Mí Và cũng cho biết thêm, giống lợn Lũng Pù rất thích nghi với điều kiện khí hậu và địa hình của địa phương. Tuy nhiên, người nuôi phải thường xuyên nắm bắt thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, thời tiết, theo dõi dịch bệnh cho đàn lợn nái để tránh những tổn thất không đáng có. “Từ khi tham gia mô hình, được cán bộ tập huấn, tôi đã biết xây chuồng kiên cố, giảm thiểu lợn bị mắc bệnh và bị chết”, anh Và chia sẻ.

Bà Vương Ngọc Hà, Bí thư huyện ủy Mèo Vạc cho biết, hiện nay, Mèo Vạc đang đề ra các giải pháp phát triển đàn lợn Lũng Pù, với nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt; các giải pháp về tiêu thụ, chế biến sản phẩm, phòng chống dịch bệnh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn lợn toàn huyện phấn đấu đạt 54.426 con, số lượng thịt lợn xuất chuồng 39.754 con, sản lượng thịt đạt 1.800 tấn.

Hiện nay, toàn huyện Mèo Vạc có 33.188 con lợn Lũng Pù với 11.334 hộ chăn nuôi. Đến nay, đã có 1 sản phẩm (sản phẩm "thịt lợn đen Lũng Pù Mèo Vạc" đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem