dd/mm/yyyy

Hà Giang: Nông dân nơi này khá giả nhờ trồng đào bán Tết, trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP

Trong những năm qua, với việc được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều hộ nông dân ở huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã có thu nhập khá. Có vốn trong tay nhiều hộ mạnh dạn đầu tư trồng cam VietGAP, trồng đào cảnh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

"Nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn"

Tự tin làm ăn lớn

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN, ông Hoàng Văn Ăn (thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang) cho biết, gia đình ông sau khi vay vốn Quỹ HTND các năm 2016 và 2017 với tổng số tiền 100 triệu đồng, ông đã cải tạo vườn tược, mở rộng diện tích trồng đào cảnh. Hiện nay, vườn đào cảnh của ông Ăn đang sở hữu đã lên tới 500 gốc.

"Từ khi được vay vốn Quỹ HTND, gia đình tôi đã sử dụng nguồn vốn vay này rất hiệu quả. Tôi mở rộng diện tích, mua thêm máy móc, giống và phân bón để trồng đào cảnh. Không chỉ gia đình tôi, mà rất nhiều nông dân khác trong thôn từ khi được vay vốn đều sử dụng rất hiệu quả, mở ra cơ hội đầu tư sản xuất" - ông Ăn chia sẻ.

Cũng theo ông Ăn, thu nhập hàng năm từ trồng đào đã mang lại cho gia đình ông cuộc sống khấm khá hơn trước kia. Nếu thuận lợi, mỗi năm gia đình ông cũng thu 100 triệu đồng.

Có vốn trong tay, nông dân tự  tin làm ăn lớn - Ảnh 1.

Với việc vay vốn 100 triệu đồng từ Quỹ HTND, gia đình ông Hoàng Văn Ăn (xã Tân Quang, Bắc Quang) đã đầu tư trồng đào cảnh. Hiện, mỗi năm ông Ăn có nguồn thu trên 100 triệu đồng.

"Thời gian tới, Hội ND huyện Bắc Quang tiếp tục rà soát gia đình hội viên cần vay vốn; tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đóng góp xây dựng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân".

Bà Nguyễn Thị Kim Chung - Phó Chủ tịch Hội ND huyện huyện Bắc Quang

Tương tự, gia đình anh Mạc Văn Toản, thành viên HTX cam VietGAP thôn Vĩnh Chúa, xã Vĩnh Phúc cũng vay vốn từ Quỹ HTND 50 triệu đồng năm 2019 để đầu tư trồng trồng cam VietGAP.

Ban đầu diện tích trồng cam của anh Toản chỉ là 1ha, nhưng sau khi được vay vốn anh đã mạnh dạn mua thêm cây giống, tăng diện tích trồng cam lên 2ha.

Tuy nhiên, theo anh Toản, giá cảm năm nay thấp hơn so với các năm trước, do từ đầu năm xuất hiện mưa nhiều cũng như dịch Covid-19 đã tác động đến thị trường tiêu thụ. Nhưng theo anh Toản, nếu chất lượng cam được đảm bảo, thị trường ổn định, với diện tích 2ha cam có thể mang lại cho anh nguồn thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm.

Hiện nay, anh Toản cùng các thành viên trong HTX cam VietGAP thôn Vĩnh Chúa chủ yếu trồng 2 giống cam Vinh và cam V2. Hai giống cam này mang lại giá trị kinh tế cao nên được đa phần người dân ở xã Vinh Phúc trồng.

"Khi có vốn trong tay, chúng tôi đầu tư máy móc, phân bón để chăm sóc cam. Hiện, HTX cam VietGAP thôn Vĩnh Chúa cũng đang tìm hướng để liên kết với các doanh nghiệp thu mua cam, tìm đầu ra ổn định" - anh Toản nói.

Đa dạng các mô hình

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, bà Nguyễn Thị Kim Chung - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Bắc Quang cho biết, trong những năm qua Hội ND huyện đã xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng, phát triển các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp.

Theo bà Chung, từ đầu năm đến nay đã có 1.647 hộ gia đình đăng ký danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2020. Trong đó, cấp Trung ương 39 hộ, cấp tỉnh 229 hộ, cấp huyện 410 hộ, cấp xã 969 hộ. Hội ND huyện duy trì tốt các mô hình câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại xã Việt Hồng và thị trấn Việt Quang.

Cùng với đó, nhiều gương nông dân, mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, như: Hộ ông Sùng Diu Sì (xã Vĩnh Phúc) với mô hình trồng cam, nhãn; hộ ông Phan Thế Độ (thị trấn Vĩnh Tuy) sản xuất chè shan tuyết chất lượng cao với thương hiệu "Chè Công phu Độ Khoa"; hộ ông Lã Văn Bắc (xã Vĩnh Hảo); hộ ông La Anh Tuấn (xã Đồng Yên), Hoàng Trung Thuyết (xã Vĩnh Phúc) với mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo báo cáo 9 tháng đầu năm của Hội ND huyện Bắc Quang, tổng nguồn quỹ hiện có 10,6 tỷ đồng/23 dự án với 236 hộ vay. Trong đó, nguồn Trung ương là 5,6 tỷ đồng; nguồn tỉnh là 4,3 tỷ đồng và của huyện là 600 triệu đồng. Trong 9 tháng thu hồi và tái đầu tư được 3 dự án tại xã Tân Thành, Đồng Yên, Việt Quang, giải ngân mới được 2 dự án tại xã Hữu Sản, Đồng Tâm...

Nhiều HTX được thành lập mới và hoạt động có hiệu quả như: HTX Cam VietGAP thôn Vĩnh Chúa (xã Vĩnh Phúc) với 19 thành viên, vốn đóng góp 190 triệu đồng. Hội ND huyện quản lý tốt 4 HTX nông dân, HTX Cam sành thôn Vĩnh Thành (xã Vĩnh Phúc) có 15 thành, vốn điều lệ 18 triệu đồng; HTX Mía đường thôn Minh Thắng (xã Quang Minh) có 15 thành viên, vốn điều lệ 300 triệu; HTX cá chiên lồng tổ dân phố Tân Long Vĩnh Tuy có 15 thành viên, vốn điều lệ 450 triệu; HTX nông dân sản xuất kinh doanh dịch vụ Thanh Thản thôn Minh Tâm (xã Quang Minh) có 7 thành viên vốn điều lệ 35 triệu đồng.

Cũng theo bà Chung, thực hiện Đề án 24 -ĐA/HNDTW của Trung ương Hội NDVN về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp. Hiện Hội ND huyện Bắc Quang duy trì tốt 1 mô hình tại thôn Vĩnh Ban xã Vĩnh Phúc. Ngoài ra, chi hội hoạt động tốt và có 32 thành viên, chi hội xây dựng quỹ được 20,8 triệu đồng, số tiền quỹ đã giúp đỡ 2 hộ gia đình khó khăn về vốn đầu tư chăm sóc diện tích Cam. 

"Chuyên mục có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản"


Minh Ngọc