Hà Giang đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp

P.V Thứ tư, ngày 02/08/2017 09:03 AM (GMT+7)
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch được đánh giá mang lại hiệu quả đa chiều. Đối với một tỉnh nghèo như Hà Giang, đây là hướng đi vừa giúp phát triển kinh tế, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống ở nông thôn.
Bình luận 0

Hiệu quả từ du lịch cộng đồng

Nhắc đến vùng đất phía Tây tỉnh Hà Giang, nhiều du khách sẽ nghĩ ngay đến vùng danh thắng Quốc gia với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Tại xã Bản Luốc (huyện Hoàng Su Phì); anh Đặng Hồng Cánh cho biết, từ khi được hỗ trợ đầu tư phát triển làm du lịch cộng đồng, thu nhập của gia đình tăng thêm khoảng 70 triệu đồng/năm.

img

Cánh đồng tam giác mạch là một điểm nhấn khi đến với Hà Giang. Ảnh: Internet

Đây là dự án phát triển kinh tế nông thôn thuộc thuộc Helvetas Việt Nam hỗ trợ để sửa chữa nhà cửa; mua chăn, gối, đệm… để phục vụ khách du lịch. Theo lời anh Cánh, xã Bản Luốc còn lưu giữ vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng. Nếu đến đây vào mùa lúa chín du khách sẽ được thấy những áng vàng rực rỡ trải dài trên các sườn đồi. Còn nếu đến mùa nước đổ, du khách được trầm trồ trước sự xen lẫn của màu xanh non lá lúa lẫn màu nước lóng lánh của hàng trăm ruộng bậc thang trải dài miên man từ đỉnh xuống chân núi.

Sau khi ngắm nhìn thỏa thích những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn sắc trắng xen lẫn với hồng tím, điệp; du khách lại trở về hòa mình cùng nhịp sống trong những ngôi nhà truyền thống của dân tộc Dao, Tày hay những món ăn truyền thống như xôi ngũ sắc làm từ gạo nếp hương.

img

img

Du lịch nông nghiệp gắn liền với những trải nghiệm thú vị với cuộc sống đời thường của địa phương. Ảnh: Internet

Tại nhiều địa phương khác, hình thức du lịch cộng đồng cũng được nhiều hộ gia đình tích cực hưởng ứng khi thu nhập được cải thiện đáng kể. Anh Nguyễn Văn Nam tự hào khoe thôn Thanh Sơn (xã Vị Thủy, huyện Vị Xuyên) của mình là thôn đầu tiên trong số 11 thôn của cả huyện, thành phố được tỉnh công nhận Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới.

“Từ lợi ích của du lịch, các các nghề truyền thống như thêu dệt thổ cẩm, rèn, đúc, đan lát được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, mỗi hộ gia đình lại là một điểm nhà nghỉ với bản sắc riêng biệt, tạo cảm hứng mới lạ cho du khách”, anh Nam kể. Tuy nhiên, cũng theo anh Nam, hoạt động du lịch vẫn chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh, chưa kéo dài được thời gian lưu trú của du khách.

Bảo tồn các giá trị văn hóa

Chị Đặng Thanh Thủy, một khách du lịch đến từ TP.HCM lại kể rằng ấn tượng của mình về Hà Giang không những đến từ những khung cảnh bao la, hùng vĩ mà đôi khi chỉ là những thứ vô cùng đơn giản như ngôi nhà tường trình, chiếc nón lá người Tày cho đến hương vị của quả cam, lá trà shan tuyết…

img

Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Làm du lịch không phải chỉ nghĩ đến những điều to tác, mà đôi khi cái hồn hay từng câu chuyện gắn liền với cỏ cây, ruộng vườn, con người nơi đây cũng đủ hấp dẫn du khách”, chị Thủy nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, thời gian qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng nhưng chủ yếu là phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa hấp dẫn. Xây dựng mô hình nông nghiệp du lịch vẫn là cách làm phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn đồng thời là cách làm hay để gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống.

Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương đánh giá việc lựa chọn nông nghiệp làm hướng đi chính trong xây dựng sản phẩm cho du lịch, gắn liền xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch mà không phá vỡ văn hóa truyền thống đang là hướng đi hiệu quả.

Việc khai thác những giá trị văn hoá nông nghiệp của các dân tộc sẽ giúp cho chất lượng của hoạt động du lịch được nâng cao. Ngược lại du lịch nông nghiệp là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới vừa nhanh vừa bền vững.

“Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế vừa giúp mở rộng đầu ra của sản phẩm vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của cộng đồng, những giá trị về thương hiệu hàng hóa nông nghiệp đặc thù”, ông Cường nói.

Theo ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy, Hà Giang có xuất phát điểm thấp, một thời gian dài vẫn còn loay hoay với bài toán cây trồng vật nuôi. Đánh giá lại, du lịch sinh thái gắn liền trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn là một hướng đi bền vững của tỉnh trong thời gian tới.

“Chúng tôi đang tích cực học tập cũng như đẩy mạnh liên kết với các tỉnh thành và các doanh nghiệp trong cả nước để tiến tới xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia ngay tại Hà Giang”, ông Vinh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem