Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Kiên quyết nói không với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài (Bài 2)

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 25/04/2024 07:13 AM (GMT+7)
Dự kiến, tới đây Đoàn Thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam để thanh tra lần thứ 5. Đây là thời điểm quyết định gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU trong năm 2024. Bình Định là tỉnh có đội tàu lớn và xuất khẩu hàng cá ngừ đại dương nên được EC rất quan tâm và có khả năng sẽ trở lại tỉnh này.
Bình luận 0

Cùng với cả nước, Bình Định đã thực hiện ráo riết nhiều biện pháp mạnh tay và có hiệu quả, với kỳ vọng gỡ được "thẻ vàng".

Nói không với tàu cá đánh bắt vi phạm

Tàu cá BĐ 99269TS của ngư dân Đỗ Huynh (43 tuổi, trú phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) làm chủ, hành nghề lưới vây. Trung bình mỗi tháng, tàu cá này đều có một chuyến biển đánh bắt thuỷ sản ở ngư trường Trường Sa.

Để tàu hoạt động ổn định và thực hiện đúng các quy định, trước khi xuất bến, ngư dân Huynh cùng các thuyền viên kiểm tra kỹ càng các thiết bị, nhất là thiết bị giám sát hành trình.

Theo ngư dân Đỗ Huynh, anh em thuyền viên trên tàu luôn nhắc nhau phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Khi ngư dân cùng nhau đồng lòng sẽ tháo gỡ được "thẻ vàng" IUU về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

"Luật của Nhà nước đưa ra như thế nào thì ngư dân chúng tôi đều tuân thủ. Chúng tôi đi đánh bắt ngoài khơi, trên tàu trang bị đầy đủ máy giám sát hành trình, máy dò cá, máy báo tàu. Máy giám sát hành trình chúng tôi bật 24/24 và thường xuyên kiểm tra để máy không bao giờ tắt trong suốt hành trình", ngư dân Huynh nói.

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Kiên quyết nói không với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài (Bài 2)- Ảnh 1.

Ngư dân Bình Định khai thác cá ngừ đại dương từ ngư trường mang về bờ. Ảnh: DT.

Nhằm góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC), nhiều năm qua, tỉnh Bình Định tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Trước đây, điểm nóng về vi phạm IUU ở Bình Định là huyện Phù Cát - địa phương có số tàu đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất của tỉnh. Số tàu cá vi phạm chiếm phần lớn là tàu có chiều dài dưới 15m, không bị ràng buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hoạt động ngoài vòng kiểm soát của ngành chức năng, nhiều năm liền không trở về địa phương. Năm 2024, chính quyền huyện Phù Cát triển khai các giải pháp chấn chỉnh và xử lý triệt để các vi phạm nói trên.

"UBND huyện Phù Cát thành lập tổ công tác do lãnh đạo huyện làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ công tác này là tiến hành phân loại các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU. Khi đã nhận diện được những tàu cá này, đến mùa trăng, khi các tàu hoàn thành xong chuyến đánh bắt về bờ bán sản phẩm, tổ công tác sẽ đến từng gia đình để tuyên tuyền, vận động chủ tàu ký cam kết không vi phạm IUU trong quá trình đánh bắt", ông Phạm Dũng Luận - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay.

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Kiên quyết nói không với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài (Bài 2)- Ảnh 2.

Bình Định là tỉnh có đội tàu lớn chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: DT.

Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá khai thác, tỉnh Bình Định có 3 lực lượng tham gia, gồm: Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá và bộ đội biên phòng.

Cả ba đơn vị nói trên phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; theo dõi số lượng tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản xa bờ chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc chưa bật thiết bị khi ra khơi.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Bình Định - phụ trách cảng cá Quy Nhơn, tại các cảng cá, cùng với việc theo dõi, giám sát tàu cá ra vào cảng, việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cũng được thực hiện nghiêm.

Khi tàu cập cảng, ngư dân phải trình nhật ký khai thác có ghi sản lượng thủy sản khai thác theo từng loại sản phẩm. Sau đó, ban quản lý cảng cá sẽ cử người xuống tàu giám sát trực tiếp trong quá trình ngư dân đưa sản phẩm lên bờ tiêu thụ.

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Kiên quyết nói không với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài (Bài 2)- Ảnh 3.

Ngư dân Bình Định nói không với việc đánh bắt vi phạm IUU. Ảnh: DT.

"Thủy sản đánh bắt phải được khai thác trên vùng biển hợp pháp, đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng mới được xác nhận, đó là những quy định bắt buộc trong chống khai thác IUU", ông Dũng cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành chức năng Bình Định trong thời gian này là kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, ra vào cảng, đặc biệt xử lý dứt điểm tàu vi phạm IUU.

Trong đó, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên thiếu giấy phép khai thác thủy sản hoặc tàu ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng. Kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Quyết liệt, mạnh tay với vi phạm IUU

Theo Sở NNPTNT Bình Định, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh này còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức những chuyến công tác vào tận miền Nam, nơi có nhiều tàu cá của ngư dân địa phương "tá túc" hoạt động, nhiều năm không về địa phương.

Đặc biệt là những tàu có chiều dài dưới 15m có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; sau đó trực tiếp yêu cầu các chủ tàu ký cam kết, để trong năm 2024 địa phương này không còn tàu cá vi phạm IUU.

Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 5, đây là thời điểm vàng để ngành thủy sản gỡ "thẻ vàng" IUU. Cùng lúc, ngư dân Bình Đình cũng đang nô nức ra khơi đánh bắt vì thời tiết ủng hộ.

Do đó, tỉnh Bình Định đang rốt ráo triển khai 1 cách đồng bộ quyết liệt, mạnh tay các giải pháp khắc phục những khiếm khuyết theo khuyến cáo của EC. Nhất là xử lý triệt để đối với những tàu cá không tuân thủ các quy định của EC trong quá trình đánh bắt.

Với phương châm tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", UBND TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã đặt ra quyết tâm "180 ngày chống khai thác IUU trên toàn thành", cứ hết thời gian 180 ngày thì ban hành kế hoạch cho 180 ngày tiếp theo.

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Kiên quyết nói không với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài (Bài 2)- Ảnh 4.

Bộ NN&PTNT làm việc với UBND tỉnh Bình Định về công tác gỡ thẻ vàng IUU hồi tháng 4. Ảnh: DT.

Lực lượng chức năng của địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt đến ngư dân có tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường, hoạt động ở các tỉnh phía nam, ngoài tỉnh.

Đội ngũ làm công tác vận động ở các xã, phường tích cực tiếp cận người nhà, tranh thủ các mối quan hệ thân thiết với ngư dân để chuyển thông điệp "nói không với vi phạm vùng biển nước ngoài".

Ông Phan Tấn Vũ - Chủ tịch UBND phường Đống Đa (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho hay: "Chúng tôi thường xuyên, liên tục gặp gỡ để tuyên truyền, vận động ngư dân hiểu và tuân thủ những quy định vì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Từ đó, đa số ngư dân đã chuyển biến nhận thức rất nhiều, đều xác định phải tuân thủ quy định về chống khai thác IUU".

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, tính đến ngày 31/3, toàn tỉnh Bình Định có 5.311 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên được đăng ký.

Trong đó có 5.003 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản, chiếm 94,20%, tăng thêm 3,91% so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng thêm 10,20% so với thời điểm đầu năm 2023.

Hiện nay, 100% tàu cá của tỉnh Bình Định có chiều dài từ 15 m trở lên tham gia hoạt động khai thác hải sản với số lượng 3.215 tàu cá được trang bị thiết bị theo quy định, còn lại 25 tàu cá không hoạt động (do bị hư hỏng, nằm bờ) nên chưa lắp giám sát hành trình.

UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo kiểm tra, xác định nguyên nhân, vị trí, địa điểm neo đậu của từng tàu cá không hoạt động, yêu cầu các chủ tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi tham gia khai thác thủy sản.

Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định nhìn nhận, hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế trong công tác chống khai thác IUU.

Tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn, mặc dù UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo rất quyết liệt, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, xử lý.

Nhưng vì lợi ích kinh tế mà chủ tàu, thuyền trưởng đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Theo ông Phúc, một vấn đề "đau đầu" hiện nay đó là việc quản lý số lượng tàu thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh. Qua rà soát, hiện có 455 tàu cá của tỉnh Bình Định thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hàng năm không về địa phương.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cũng cho rằng, tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn. Cụ thể, ngày 14/3 có một tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị Malaysia bắt giữ.

Bên cạnh đó, địa phương cũng còn một số tồn tại như công tác quản lý tàu cá hoạt động vùng lộng ngoài tỉnh (tàu cá dưới 15m) còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân các tàu này không quy định phải trang bị GSHT nên không thể giám sát được hành trình. Ngoài ra, chưa giải quyết dứt điểm việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá.

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Kiên quyết nói không với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài (Bài 2)- Ảnh 5.

Bình Định là một trong những tỉnh có đội tàu đánh bắt rất lớn ở ngư trường Việt Nam. Ảnh: DT.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh Bình Định thường xuyên cử đoàn công tác liên ngành vào làm việc với các tỉnh phía nam nhằm tăng cường phối hợp, tuyên truyền trực tiếp đến người dân có tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía nam hằng năm không đưa tàu về địa phương, tổ chức ký cam kết không vi phạm khai thác IUU.

Qua thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn với nhiều hình thức khác nhau nên nhận thức của ngư dân từng bước được nâng lên. Đến nay, hầu hết ngư dân Bình Định cơ bản tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn luật cũng như triển khai các giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.

"Chống khai thác IUU chính là cơ hội để chúng ta thay đổi"

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, đặc điểm của Bình Định là một trong những tỉnh có đội tàu rất lớn và có hàng cá ngừ, cá kiếm xuất khẩu rất nhiều. Nên đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) rất quan tâm đến Bình Định.

Vì vậy, EC rất có khả năng trở lại Bình Định. "Đợt vừa rồi EC cũng có kiểm tra tại Bình Định nhưng việc chuẩn bị khá tốt nên chưa phát hiện ra vi phạm gì", ông Hùng nói.

Tại cuộc họp với UBND tỉnh Bình Định tháng 4 mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói rằng, những việc làm chống khai thác IUU, là làm luôn cho vấn để ngành thủy sản, không chỉ riêng IUU.

"Bản thân chúng ta vượt qua được IUU là đã sắp xếp được ngành thủy sản và hướng đến tương lai. IUU chỉ là một giải pháp ngắn hạn mà chúng ta phải hướng tới để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kinh tế biển, vì Việt Nam chứ không phải vì IUU, vì EC", Bộ trưởng Hoan cho hay.

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Kiên quyết nói không với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài (Bài 2)- Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: DT.

Bộ trưởng NNPTNT cũng đánh giá, bản chất 3 hành vi IUU là khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định đã nằm trong Luật Thủy sản năm 2017.

"Việc EC ách cũng là để chúng ta thấy rằng mình phải vận động vì mình chứ không phải vì họ", ông Hoan nói và cho biết thêm, việc áp đặt IUU là để quản lý triệt để, tạo sự công bằng giữa các quốc gia, doanh nghiệp khi đưa thủy sản vào thị trường châu Âu.

Vẫn theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong cuộc gặp với lãnh đạo cơ quan áp đặt "thẻ vàng" IUU, người này nói với ông rằng, việc chấp hành tốt IUU trước hết là điều cực tốt cho Việt Nam, là đảm bảo được nguồn lợi thủy sản, môi trường biển, đa dạng sinh học, đó cũng để tránh sự bất công giữa người chấp hành tốt và người vi phạm.

Hành trình gỡ thẻ vàng IUU: Kiên quyết nói không với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài (Bài 2)- Ảnh 7.

Cá ngừ được kiểm tra trước khi thương lái vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: DT.

"Chống khai thác IUU chính là cơ hội để chúng ta thay đổi. Nếu không có IUU thì những con tàu lay lắt ngoài biển không thể nào là ngành kinh tế biển, nghề cá không tiến tới hiện đại và cũng không thể nào thực hiện được mục tiêu Việt Nam là quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Hành động có trách nhiệm với biển, với quê hương, đất nước

Trò chuyện cùng ngư dân Bình Định, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cảm ơn tâm huyết bám biển của ngư dân Bình Định và chia sẻ những khó khăn hiện tại của bà con.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhắc đến câu "con sâu làm rầu nồi canh" và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh suy nghĩ "con sâu" đang ở đâu, làm sao phát hiện ra nó để nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU của Bình Định thành hiện thực.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hành động của kẻ xấu không nguy hiểm bằng sự im lặng của người tốt. Người tốt ở trong xóm, trong làng, trong gia đình, dòng họ của "con sâu" đó. Tôi tin tưởng, tàu thuyền của ngư dân Bình Định dù có đi đâu, đậu ở cảng nào thì gia đình, dòng họ của họ cũng vẫn ở đây.

"Vậy nên, tôi mong, mọi người hãy lên tiếng, tích cực tuyên truyền chủ trương hoặc có thể thông tin đến cơ quan chức năng thực trạng của "con sâu". Đừng nghĩ như vậy là chuyện không nên mà hãy xem là hành động có trách nhiệm với biển, với quê hương, đất nước. Nhất định phải đi tìm "con sâu", nhất định rằng "nói phải củ cải cũng nghe". Còn nếu đối tượng đó nói mãi không nghe thì cũng cần lọc lựa để có giải pháp xử lý phù hợp, chứ không thể để "làm rầu nồi canh" mãi được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem