Gỡ khó dạy nghề cho lao động nông thôn Thanh Hóa

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 29/09/2020 06:06 AM (GMT+7)
Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa dù được quan tâm hơn song vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi tạo việc làm cho lao động sau học nghề chưa có gì khởi sắc. Thanh Hóa đang tìm hướng đi đột phá để nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn.
Bình luận 0

Học xong lại làm nghề cũ

Chị Bùi Thị Liên (37 tuổi) từng là học viên lớp trồng rau an toàn tại xã Thạch Sơn (Thạch Thành, Thanh Hóa). Sau 3 tháng học nghề, chị Liên đã cập nhật được nhiều kiến thức kỹ năng trồng trọt cho hiệu quả cao hơn trước. Chị Liên cũng cho biết thêm, trong lúc học nghề cũng được thầy cô đưa đi thăm một số mô hình để học hỏi cách ứng dụng. Nhưng thực tế việc ứng dụng để thay đổi quy trình canh tác, cũng như trồng giống cây mới là rất khó. Lý do là bởi bà con hạn chế về vốn, không tìm được đầu ra cho sản phẩm nên rất khó thay đổi giống cây trồng.

"Mình làm nông nghiệp, nên cũng muốn học thêm để cập nhật thêm ít kỹ thuật mới. Có mấy người cũng tư vấn hay đi học nghề may, hoặc thêu ren... nhưng học ra sợ không có việc làm. Trên địa bàn huyện các công ty may cũng ít" - chị Liên nói.

Gỡ khó dạy nghề cho lao động nông thôn Thanh Hóa - Ảnh 1.

Một lớp dạy nghề trồng rau cho nông dân ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Ảnh: P.V

Sau học nghề, chị Liên về tiếp tục trồng dưa lê, dưa hấu. Hiện gia đình chị có 10.000m2 (20 sào) đất màu để trồng dưa. Sản phẩm thu hoạch có lúc bán được giá cao ổn định, có lúc rớt giá.

"Mong ước của bà con nông dân chúng tôi là ngoài việc dạy nghề, tăng cường chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trồng trọt mới thì được trung tâm hướng dẫn, hỗ trợ vay vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm"- chị Liên nói.

Ông Vũ Văn Chiến - giảng viên bộ môn khoa học cây trồng (Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thanh Hóa) cho biết, mỗi năm trung tâm cũng tổ chức và phối hợp giảng dạy nghề nông nghiệp cho bà con nông dân ở nhiều huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

"Tuy nhiên thực tế, từ việc thay đổi tư duy canh tác tới việc mạnh dạn thay đổi mô hình sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn rất khó. Nguyên nhân là bởi những khó khăn về vốn, về quy mô sản xuất, về kỹ thuật, cả đầu ra... Chính bởi vậy, đa phần các học viên học xong đều làm nghề cũ, chỉ cải thiện được chút thu nhập so với trước" - ông Chiến chia sẻ.

Tìm hướng đi cho dạy nghề nông nghiệp

Bà Bùi Thị Ngọc - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua trung tâm đã tiến hành khảo sát để đưa ra các ngành nghề đào tạo phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng và gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc nhu cầu sử dụng lao động của thị trường. Tuy nhiên, hoạt động dạy nghề trên địa bàn lại đang tồn tại nhiều khó khăn.

"Khó khăn lớn nhất chính là việc giải quyết việc làm cho lao động. Một số lao động học nghề phi nông nghiệp thì được giới thiệu việc làm trong các doanh nghiệp, nhưng một số lao động học nghề nông nghiệp thì chủ yếu chỉ làm các công việc cũ" - bà Ngọc nói.

Bà Ngọc giải thích thêm, trung tâm cũng đã tính tới việc đưa một số ngành học mới để dạy nhưng do thời lượng học quá ngắn, học xong nông dân lại thiếu tiền vay vốn, không dám mạnh dạn đầu tư nên rất khó. Hiện nay, trung tâm cũng kết nối với quỹ hỗ trợ nông dân giới thiệu cho nông dân vay vốn sau học nghề. Tuy nhiên, số tiền vay tối đa chỉ được từ 30-50 triệu đồng. Một số mô hình sản xuất mới, quy mô lớn như các mô hình chăn nuôi thủy sản được vay tối đa 100 triệu đồng - đây là số tiền không lớn để nông dân khởi nghiệp.

"Nên kéo dài thời gian giảng dạy với một số ngành, nghề nông nghiệp mới. Đồng thời các địa phương cũng nên làm mạnh khâu quy hoạch, dồn điền đổi thửa để có thể hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn. Điều đó cũng thúc đẩy việc kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm hướng tới sản xuất hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp"- bà Ngọc kiến nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem