Giữa lo ngại về đập Tam Hiệp, nhìn lại vụ vỡ đập thủy điện kinh hoàng nhất của Trung Quốc

Thứ ba, ngày 21/07/2020 19:00 PM (GMT+7)
Đêm 8/8/1975, giữa mưa gió bão bùng, dòng người hối hả chồng các bao cát lên đỉnh đập Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc trong nỗ lực cứu con đập khi mực nước của các con sông trong vùng đang dâng cao chóng mặt. Đó là cuộc chạy đua với nước lũ mà họ sắp thua cuộc.
Bình luận 0
Giữa lo ngại về đập Tam Hiệp, nhìn lại vụ vỡ đập thủy điện kinh hoàng nhất của Trung Quốc  - Ảnh 1.

Mặc dù là thảm họa khiến hàng nghìn người chết nhưng mức độ thiệt hại của vụ vỡ đập Bản Kiều chỉ được tiết lộ sau khi nó xảy ra hàng thập kỷ. Do đó, ngày nay, rất ít người trong và ngoài Trung Quốc biết đến thảm họa này. Ảnh Internationalrivers.

Theo International Rivers, năm 1975, một cơn bão lớn đã đổ bộ vào tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gây ra thảm họa vỡ đập Bản Kiều khiến hơn 170.000 người thiệt mạng. Trong bối cảnh tình hình mưa lũ dai dẳng, diễn biến phức tạp, đã làm ngập lụt 27 trong số 31 tỉnh thành ở Trung Quốc hiện nay, ảnh hưởng đến 37 triệu người, trong đó hơn 140 người đã chết hoặc mất tích một số người lo ngại thảm họa vỡ đập Bản Kiều mấy chục năm trước có thể lặp lại ở đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất hành tinh trên sông Dương Tử.

Đập Bản Kiều thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc được xây dựng trên sông Nhữ, một nhánh của sông Hoàng Hà vào đầu những năm 1950 với mục đích để chống lũ lụt và sản xuất điện. Năm 1975, cơn bão Nina đã tàn phá khu vực này với những trận mưa lớn nhất trong lịch sử tính đến thời điểm đó. Lượng mưa trong cả năm đã đổ xuống chỉ trong 24 giờ đe dọa gây vỡ đập Bản Kiều.

Đêm 8/8/1975, giữa mưa gió bão bùng, người người hối hả chồng các bao cát lên đỉnh đập Bản Kiều, trong nỗ lực cứu con đập khi mực nước của các con sông trong vùng đang dâng cao chóng mặt, gây sức ép lên các hồ chứa nước và biến thành lũ lớn. Họ đang chạy đua với nước và chạy đua với thời gian mà không hề biết rằng họ sắp thất bại.

Khoảng 1h sáng, bầu trời quang đãng, những ngôi sao ló ra sau những đám mây bão. Có một sự tĩnh tại kỳ lạ khi ai đó hét lên: "Mực nước đang giảm! Lũ đang rút". Chẳng thể ngờ, chỉ vài giây sau, mọi người đều nghe thấy âm thanh khủng khiếp như "trời sập, đất nứt". Đập Bản Kiều vỡ, nước ở hồ chứa Bản Kiều tương đương với 280.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic tràn qua chỗ vỡ đã tạo thành một cơn đại hồng thủy nhấn chìm toàn bộ các làng mạc, thị trấn ở hạ lưu. Đặc biệt, một ngôi làng - làng Daowencheng - ở ngay bên dưới con đập đã bị xóa sổ hoàn toàn, giết chết gần 9.600 cư dân.

Vỡ đập Bản Kiều gây ra một cơn sóng khổng lồ trải rộng gần 10km, cao từ 3-7,5m lao đi với vận tốc khoảng 48km/h, cuốn phăng thêm 60 con đập khác dọc đường đi. Mặc dù số người chết được chính quyền công bố chính thức tổng cộng khoảng 86.000 người, nhưng nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, số người chết thực tế phải lên tới 170.000-240.000 người. Ngoài ra, gần 6 triệu tòa nhà đã bị phá hủy, khiến 11 triệu người mất nhà cửa hoặc phải di dời.

Giữa lo ngại về đập Tam Hiệp, nhìn lại vụ vỡ đập thủy điện kinh hoàng nhất của Trung Quốc  - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt Bắc Kinh – Quảng Châu bị phá hoại.

Theo Today In Conservation, khoảng hơn 25.000 người chết ngay tại thời điểm đập Bản Kiều vỡ do đại hồng thủy, nhiều người trong số đó đang ngủ. Tuy nhiên, có hàng trăm nghìn người khác đã thiệt mạng vì nạn đói và bệnh tật do ô nhiễm nước sau thảm họa này. 

Trong bộ phim tài liệu năm 2010 của đài truyền hình Trung Quốc CCTV, một nhân chứng sống sót trong thảm kịch vỡ đập Bản Kiều đã chia sẻ lại ký ức khủng khiếp khi đó.

"Tôi không biết mình đang ở đâu - chỉ trôi nổi trong nước, những tiếng la hét và tiếng khóc văng vẳng bên tai. Đột nhiên, tất cả những âm thanh đó ngắt lặng, tôi chìm trong sự im lặng chết chóc", nhân chứng cho biết.

Tuy nhiên, người ta nói, thời khắc vỡ đập, nỗi kinh hoàng chỉ mới bắt đầu. Do các công trình thoát nước kém, nước lũ không có nơi nào để thoát đi. Những con đường đều đã bị "đại hồng thủy" cuốn trôi nên lực lượng cứu hộ không có cách nào để tiếp cận vùng thảm họa. Những người sống sót bị bỏ lại chơi vơi trên những mái nhà hoặc chen chúc nhau trên những mảnh đất cao chật chội.

Nhiều người phải ăn lá cây hoặc ăn thịt gia súc đã chết trôi nổi trên biển lũ. Từ đó, bệnh dịch lây lan nhanh chóng và giết chết nhiều người hơn. 

Trên thực tế, thảm họa vỡ đập Bản Kiều đã được xem là bài học sâu sắc để Trung Quốc tiếp thu kinh nghiệm khi bắt tay vào xây dựng đập Tam Hiệp – con đập lớn nhất thế giới ở tỉnh Hồ Bắc, chắn ngang sông Dương Tử. Bởi thảm họa năm 1975 được cho là không chỉ bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan (mưa bão kỷ lục) mà còn đến từ nguyên nhân chủ quan bao gồm sai sót trong thiết kế, thi công con đập, gỉ cửa van đường tràn xả lũ, khiến đập Bản Kiều không có khả năng mở khẩn cấp...

Minh Nhật (Tổng hợp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem