Giữa đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng 18%

Trần Quang Thứ sáu, ngày 15/10/2021 11:40 AM (GMT+7)
Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận 0
Giữa đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng 18%  - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm lần thứ 41 ngày Lương thực thế giới và kỷ niệm lần thứ 76 ngày thành lập Tổ chức FAO. Ảnh: Trần Quang

Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và xuất khẩu

Ngày 15/10, Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 41 ngày Lương thực thế giới và kỷ niệm lần thứ 76 ngày thành lập Tổ chức FAO.

Ngày Lương thực Thế giới năm nay có chủ đề “Hành động hôm nay - Tương lai ngày mai" cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống. 

Đây là cơ hội  để cộng đồng quốc tế chia sẻ rộng rãi về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng; đồng thời, vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. 

Riêng 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc  đã khẳng định rằng Việt Nam đặc biệt coi trọng và cam kết thực hiện việc chuyển đổi và phát triển Hệ thống Lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong bối cảnh "bình thường mới".

"Không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cũng đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả, năng suất, an toàn thực phẩm. Đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản. 

Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững - một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Với những định hướng nêu trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng với FAO và các đối tác quốc tế triển khai các mục tiêu của Ngày Lương thực thế giới năm nay, qua đó góp phần đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Giữa đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng 18%  - Ảnh 2.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Trần Quang

Hợp tác để "không có người Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau"

Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm vừa diễn ra ngày 23/9 đã nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của việc chuyển đổi nông nghiệp và Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, nhằm giải quyết hài hoà các thách thức đối với an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và hỗ trợ gần 3 tỷ người trên thế giới thoát khỏi đói nghèo. 

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho hay: Dù công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trên toàn cầu đã đạt nhiều thành quả song vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: tác động khó lường của biến đổi khí hậu, sự khan hiếm của các tài nguyên, nguồn lực dành cho sản xuất nông nghiệp. 

Theo ông Rémi Nono Womdim, đại dịch Covid-19 cũng làm bộc lộ thêm những bất cập trong sản xuất nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu, đặt ra nhiều thách thức mới về phát triển bền vững.

 Số người nghèo đói trên thế giới năm 2020 đã tăng lên 9,9% với khoảng từ 720 đến 811 triệu người bị đói; 2 trong số 3 trẻ em trên thế giới không được ăn uống đầy đủ, không đảm bảo dinh dưỡng tối thiểu ở giai đoạn đầu đời. 

Vào đầu năm nay, Việt Nam đã đặt ra một trương trình nghị sự quan trọng về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây được coi là ba nhiệm vụ then chốt để cải cách nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030 và xa hơn. 

"Để hỗ trợ chương trình này, trong vòng 5 năm tới hợp tác của chúng ta sẽ tập trung vào các định hướng chiến lược và ba trụ cột chính là "Thúc đẩy các nguyên tắc và thực hành một sức khỏe" ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và chuyển đổi bền vững lương thực thực phẩm", ông Rémi Nono Womdim nói.

Theo Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, các chủ đề về dinh dưỡng, quản trị, bình đẳng giới sẽ là chương tiếp theo trong quan hệ hợp tác giữa FAO và Việt Nam. 

"Chúng tôi tin tưởng rằng, hành động tập thể của chúng ta ngày hôm nay sẽ định hướng cho tương lai và chúng ta hãy phối hợp với nhau để bảo đảm rằng "không có người Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau" trong tương lai cũng như không có suy dinh dưỡng và đói nghèo", ông Rémi Nono Womdim nhấn mạnh. 

Giữa đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng 18%  - Ảnh 4.

Ông Antonio Alessandro, Đại sứ Italia tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trần Quang

Tại buổi lễ, ông Antonio Alessandro, Đại sứ Italia tại Việt Nam đã đưa ra thông điệp quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Italia và Việt Nam đó là "Không có một giải pháp nào phù hợp với tất cả các vấn đề". Chúng ta đã có ngành lương thực, thực phẩm nhưng không có ngành nào lớn. Mỗi quốc gia đều có văn hóa truyền thống, tính đa dạng riêng nên đều có truyền thống về sản xuất lương thực thực phẩm riêng và điều này cần được tôn trọng"

"Dù trong bối cảnh đại dịch nhưng lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng. Italia rất hân hạnh là đối tác tin cậy của Việt Nam, FAO, IFAD (Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp) trong việc thúc đẩy và hỗ trợ hệ thống hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, đầy đủ cho tất cả mọi người. Đặc biệt, tháng 6/2021, Bộ Lương thực và phát triển của Italia cũng đã phê duyệt chiến lược lương thực thục phẩm này",Đại sứ Italia tại Việt Nam chia sẻ.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem