Giếng khơi Làng Ngái, ngày xưa ơi...

Thứ hai, ngày 22/04/2013 14:15 PM (GMT+7)
Dân Việt - Giếng khơi ở làng đều có miệng giếng hình tròn, đường kính chủ yếu 2-3 mét, độ sâu khoảng chục mét. Giếng được xây hoặc xếp bằng đá ong từ đáy, có thành giếng bên trên mặt đất để tiện cho việc kéo nước.
Bình luận 0

Cũng như nhiều vùng quê, trước khi giếng khoan chiếm vị trí “thống soái” thì nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho dân Làng Ngái (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội) là từ giếng đào. Dân ở đây thường gọi “giếng khơi” để phân biệt với “giếng đất” miệng rộng như cái ao có ở vài làng khác.

Dọc hai bên đường cái chính lát gạch nghiêng và ở vị trí đầu mỗi xóm hay cụm xóm, người Làng Ngái xưa đã đào hàng chục giếng khơi để phục vụ cúng lễ và sinh hoạt. Dân trong xóm hàng ngày phải dùng gầu kéo nước lên rồi gánh nước về nhà sử dụng.

Giếng khơi ở làng đều có miệng giếng hình tròn, đường kính chủ yếu 2-3 mét, độ sâu khoảng chục mét. Giếng được xây hoặc xếp bằng đá ong từ đáy, có thành giếng bên trên mặt đất để tiện cho việc kéo nước. Trong khuôn viên mỗi giếng đều có miếu nhỏ thờ thần. Vị trí đào giếng được chọn rất kỹ, ở nơi đất lành và có mạch nước tốt.

 img

Xưa kia cứ mỗi năm lại tát và dọn giếng một lần vào tháng Chạp để đón Tết nguyên đán. Ngày tát giếng do trưởng xóm quyết định. Trước ngày tát giếng, dân làng phải gánh trữ nước dùng khoảng 2-3 ngày và làm lễ xin phép Thần linh ở miếu giếng.

Tát giếng bằng gầu kéo tay, gầu đan bằng tre hoặc về sau gò bằng tôn. Từng tốp nam thanh nữ tú đứng quanh miệng giếng, tay kéo nước miệng hò hát, nói cười vui vẻ. Khi tát cạn, trưởng xóm chọn những chàng trai khỏe mạnh và nhất thiết đảm bảo… “giai tân” để xuống dọn đáy.

Giếng dọn xong, người ta vẩy ít vôi đã tôi và mật mía xuống đáy và quanh thành giếng, chờ cho nước mạch dâng lên đến mức bình thường “ngâm giếng” vài ngày, sau tát cạn lần nữa mới đưa giếng vào sử dụng.

Các giếng ở làng đều mang theo tên riêng của xóm, như Giếng Chùa, Giếng Đồng Ngò, Giếng Dược, Giếng Thanh Tĩnh... Tất cả các giếng ở Làng Ngái đều cho nước trong vắt bốn mùa và đặc biệt có vị hơi mặn. Người ta cho rằng, chính vị mặn này đã tạo cho dân Kẻ Ngái có giọng nói “nằng nặng” khác thường (?)

Theo dân làng, “tốt nước” nhất vẫn là Giếng Chùa (thôn Thượng), được chọn làm nơi lấy nước về làm tương cho cả làng. Thời chống Mỹ, gần giếng có trại an dưỡng thương binh, và chính thứ nước giàu lượng muối khoáng ở giếng đã góp phần làm các chiến sĩ mau khỏe để trở về đội ngũ. Đây cũng là giếng nước đã đi vào ca dao Xứ Đoài:

"Giếng xóm Chùa vừa trong vừa mát

Đường làng Hương gạch lát dễ đi

Em ơi về với anh đi…"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem