Giáo dục nghề nghiệp ngành đặc thù: Tuyển sinh khó, đào tạo cũng khó

M.Nguyệt Thứ ba, ngày 22/12/2020 05:56 AM (GMT+7)
Xã hội đã có những nhìn nhận tích cực hơn với giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ học sinh học nghề cũng không ngừng tăng lên. Thế nhưng việc tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp tại một số ngành đặc thù vẫn khó khăn đủ đường.
Bình luận 0

Vừa dạy, vừa dỗ

Từ nhiều năm nay hoạt động tuyển sinh và đào tạo của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tuyển sinh liên tục giảm, nhất là ở các khoa biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc. Vàng Thị Sy - người dân tộc Mông ở Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, là sinh viên năm thứ nhất, cho biết rất thích ca hát và cảm nhận được mình có khả năng để theo đuổi nghề cũng như đam mê. Em được các anh chị đã từng học ở trường giới thiệu để về đây học tập.

Năm học đầu tiên, em và các bạn được học nhạc lý cơ bản, sau đó được phân ra các chuyên ngành. Về chuyên môn, em được các thầy cô giảng dạy kỹ thuật thanh nhạc, cách lấy hơi, tạo phong cách biểu diễn, biểu cảm khuôn mặt, giọng hát… Đây là những kỹ năng biểu diễn rất quan trọng, vì vậy em luôn cố gắng tiếp thu và chăm chỉ rèn luyện theo hướng dẫn của thầy, cô giáo. Em được Nhà nước hỗ trợ giảm học phí và hưởng các chính sách khác như chế độ sinh hoạt, ký túc xá…

Giáo dục nghề nghiệp ngành đặc thù: Tuyển sinh khó, đào tạo cũng khó  - Ảnh 1.

Giờ học sáo trúc tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc. Ảnh: T.T.N

TS Bùi Văn Hộ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc cho hay, đa phần học sinh của trường là con em người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn vì thế nên trường làm thủ tục để hỗ trợ học phí, hỗ trợ ký túc xá cho các em. Các em đi học đều được hỗ trợ tiền ăn học theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, nhà trường áp dụng tối đa chính sách học bổng, chế độ ăn, ở miễn phí..., tạo động lực để các em yên tâm học tập tốt".

Được hỗ trợ nhiều, quyết tâm cao nhưng khó khăn vẫn không phải là không có với Sy: "Ngày đầu xuống trường lạ trường, lạ lớp, học nghệ thuật lại vất vả thường xuyên luyện tập khiến em không thể làm quen. Thêm vào đó lại nhớ nhà nên chỉ muốn bỏ về".

Tại lớp học sáo trúc, học sinh Tráng A Linh (dân tộc Mông, ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) chia sẻ: "Em vừa học năm cuối THCS thì được các thầy từ Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc về tận bản để giới thiệu về ngành học, em rất thích và đã đăng ký về trường để học. Em được bố mẹ động viên theo học, nhưng phải đi học xa nên cũng rất nhớ nhà, vì thế em và các bạn hay chuyện trò, tập luyện thổi sáo, thể dục... Các thầy cô luôn động viên chúng em nỗ lực. Em ước mơ được học tiếp lên cao đẳng, được đi biểu diễn các tiết mục về sáo. Nếu về nhà, em sẽ dạy cho các em nhỏ kiến thức âm nhạc".

Thầy Nguyễn Văn Hạnh - giáo viên giảng dạy thanh nhạc cho biết: Các em học sinh đa số đến từ vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi Tây Bắc nên có nhiều khó khăn, xa nhà, chưa quen với môi trường mới… công tác đào tạo có nhiều khó khăn, các thầy phải vất vả hơn, do các em ở thôn bản, nên rất ít được tiếp cận với các môn học nghệ thuật. "Không chỉ dạy kiến thức, các thầy cô trong trường còn phải chăm sóc, dỗ dành các em vì đa phần các em đều còn bé (12-15 tuổi), lại lần đầu xa gia đình nên nếu không tạo ra được không khí tình cảm, ấm áp thì các em sẽ nghỉ học hết" - thầy Hạnh nói.

Vượt cả trăm cây số đi tuyển sinh

Đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng, công tác tuyển sinh rất khó khăn do đặc thù về kinh tế - xã hội của vùng. Sự chênh lệch cung cầu về nhân lực trong lĩnh vực này, đặc biệt tại các vùng miền núi, đồng bào dân tộc cũng là một nguyên nhân đáng kể, khi học xong, về địa phương các em khó tìm kiếm việc làm, nên nhiều phụ huynh không muốn cho con đi học ngành văn hóa nghệ thuật.

TS Bùi Văn Hộ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc cho biết, dù đã rất cố gắng nhưng sau 3 đợt tuyển sinh trong năm 2020, cũng chỉ có 380 học sinh đăng ký dự thi. Do tính chất là các ngành đặc thù nên trường cũng phải tổ chức sơ tuyển. Không phải tất cả học sinh đăng ký đều trúng tuyển.

"Năm nay, nhà trường đặt mục tiêu trọng điểm là đào tạo nhạc cụ truyền thống và hội họa. Tuy nhiên, ngành nghề này ít học sinh muốn theo học, cộng thêm vào đó chế độ đãi ngộ, tìm việc làm của lao động này thường khó khăn" - Hiệu trưởng Bùi Văn Hộ nói.

Về công tác tuyển sinh, nhà trường đã thành lập Ban tuyển sinh lưu động, đi đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi các tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu… phát tờ rơi, làm công tác tuyên truyền, tuyển sinh. "Có đợt, thầy cô giáo phải dành cả vài tuần đi vào những vùng sâu, vùng xa để tuyển sinh. Thậm chí có lần còn phải trả tiền cho cộng tác viên thực hiện tuyển sinh. Chúng tôi không chỉ thuyết phục các em đi học mà còn phải cam kết trong việc tạo công ăn việc làm sau này cho các em để phụ huynh tin tưởng" - ông Hộ chia sẻ thêm về khó khăn của trường.

Bên cạnh tăng cường chất lượng chuyên môn, nhà trường đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Trường cũng thiết lập mối quan hệ với các tổ chức văn hóa nghệ thuật, đoàn, hội, doanh nghiệp... để bố trí việc làm cho học sinh, liên kết đào tạo và đào tạo theo địa chỉ nguồn nhân lực có trình độ văn hóa nghệ thuật. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem