Giãn thời hạn giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn: Chuyện chẳng đừng

18/08/2020 14:06 GMT+7
Lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn nhằm hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng đã được áp dụng từ những năm trước. Nhưng do đại dịch Covid-19 bùng phát, động thái giãn lộ trình áp dụng của nhà quản lý mới đây được đánh giá là chuyện chẳng đừng.

Những con số biết nói

Tại Vietcombank, tỷ trọng tín dụng trung - dài hạn/tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 6 tuy vẫn duy trì ở mức 47,7% như cuối năm 2019, nhưng số dư tuyệt đối dư nợ trung - dài hạn đã tăng thêm 17.548 tỷ đồng lên 367.899 tỷ đồng.

Không chỉ Vietcombank, nhiều ngân hàng niêm yết khác cũng trong tình trạng tương tự. Ðơn cử, VPBank có dư nợ trung - dài hạn là 176.197 tỷ đồng (tăng 8.248 tỷ đồng) và tỷ trọng là 65,2% (tăng 0,1%); MB có dư nợ là 131.020 tỷ đồng (tăng 2.287 tỷ đồng) và tỷ trọng là 50% (tăng 1%); VIB có dư nợ là  93.727 tỷ đồng (tăng 4.588 tỷ đồng) và tỷ trọng là 68% (giảm 1%); HDBank có dư nợ là  71.953 tỷ đồng (tăng 4.891 tỷ đồng) và tỷ trọng là 45% (giảm 1%);

Thậm chí tại không ít ngân hàng, tín dụng trung - dài hạn tăng nhanh cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng. Chẳng hạn, SHB có dư nợ trung - dài hạn là 181.365 tỷ đồng (tăng 21.639 tỷ đồng) và tỷ trọng là 63,1% (tăng 2,9%); LienVietPostbank có dư nợ là 110.162 (tăng 12.788 tỷ đồng) và tỷ trọng là 72% (tăng 2,7%).

Giãn thời hạn giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn: Chuyện chẳng đừng - Ảnh 1.

Lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn nhằm hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng đã được áp dụng từ những năm trước.

Chia sẻ với PV, lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng.

“Các ngân hàng đều đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN nên nhiều khoản vay của khách hàng được cơ cấu, gia hạn nợ. Khi một khoản vay ngắn hạn được gia hạn dẫn đến tổng thời gian trả nợ trên 12 tháng thì sẽ được phân loại thành khoản vay trung hạn”, bà Trịnh Thị Thanh, Quyền Giám đốc Khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB thông tin.

Còn theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 22/6/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng. Ðó là chưa kể trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng vẫn đang nỗ lực tiếp vốn cho doanh nghiệp, bao gồm cả cho vay trung - dài hạn.

“Nợ cũ chưa thu hồi được, trong khi nợ mới tăng đã đẩy dư nợ trung - dài hạn tăng cao”, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nói.

Giãn lộ trình thêm 1 năm

Theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 1/10/2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm về mức 37%, thay vì mức 40% như hiện tại.

Có lẽ do lo ngại dư nợ tín dụng trung - dài hạn đang có xu hướng tăng nhanh trong những tháng đầu năm sẽ ảnh hưởng tới khả năng tuân thủ của các ngân hàng, NHNN đã đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22, trong đó có việc xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn với 2 phương án: Hoặc là 6 tháng, hoặc là 12 tháng.

Theo NHNN, việc giãn thời gian áp dụng là nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.

Thực tế, việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn có thể đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngân hàng do chi phí trả lãi cho các khoản vốn này là thấp.

Nhưng nếu các ngân hàng sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn sẽ tác động tiêu cực lên hoạt động tín dụng, gây mất cân bằng cơ cấu nguồn vốn, tăng nợ xấu…

Do đó, với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn đã được nghiên cứu và giảm dần trong những năm qua.

Theo giới chuyên gia, động thái trên của NHNN là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, bởi nếu cơ quan quản lý không giãn lộ trình áp dụng có thể làm gia tăng áp lực huy động vốn của các ngân hàng, từ đó tạo sức ép tăng lãi suất huy động, kéo theo đó là lãi suất cho vay.

Trong một báo cáo vừa phát hành mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2020 khi tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng hồi phục và lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung - dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2020 có thể đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm như hiện nay.

Thực tế cũng cho thấy, trước khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn được giảm về 40% từ đầu năm 2019, giai đoạn cuối tháng năm 2018 đã diễn cuộc đua huy động vốn trung - dài hạn, đẩy mặt bằng lãi suất tăng cao, thậm chí nhiều ngân hàng còn phát hành giấy tờ có giá với lãi suất cao ngất ngưởng.

Bởi vậy, không ít chuyên gia lo ngại tình trạng trên sẽ lại tái diễn nếu tiếp tục siết thêm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn trong bối cảnh dư nợ trung - dài hạn có xu hướng tăng nhanh trong những tháng đầu năm.

“Việc NHNN xem xét giãn lộ trình để không ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cũng như tạo điều kiện cho các ngân hàng tích cực hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch là hoàn toàn hợp lý”,

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Ðược biết, chiều ngày 14/8, Thông tư 08/2020/TT-NHNN đã được Phó Thống đốc NHNN Ðoàn Thái Sơn ký duyệt, trong đó có nội dung đáng chú ý là giãn lộ trình áp dụng thêm 12 tháng.

Lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22:

- Phương án 1 - lùi thời hạn áp dụng thêm 6 tháng: Từ 1/1/2020 đến 31/3/2021 thì tỷ lệ là 40%; từ 1/4/2021 đến 31/3/2022 giảm về 37%; từ 1/4/2022 đến 31/3/2023 giảm tiếp về 34% và giảm xuống mức 30% kể từ 1/4/2023.

- Phương án 2 - lùi thời hạn áp dụng thêm 1 năm: Từ 1/1/2020 đến 30/9/2021 thì tỷ lệ là 40%; từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 giảm về 37%; từ 1/10/2022 đến 30/9/2023 giảm tiếp về 34% và giảm xuống mức 30% kể từ 1/10/2023.

Nhuệ Mẫn/ĐTCK
Cùng chuyên mục