dd/mm/yyyy

Gian nan trong xây dựng nông thôn mới ở xã vùng biên

Nằm ngay cửa ngõ phía Tây Bắc của huyện Xín Mần (Hà Giang), diện mạo xã Nàn Ma đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống nhân dân ngày được nâng lên. Tuy nhiên, để về đích xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều gian nan đối với cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc nơi đây.

Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Xã Nàn Ma cách thị trấn khoảng 8km nên có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đời sống của người dân chưa phát triển mạnh, trong đó việc thiếu nước sinh hoạt luôn là nỗi lo luôn thường trực của bà con nhân dân xã Nàn Ma.

Ông Sùng Seo Mìn, thôn Nàn Ma cho biết: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra nhiều năm qua, khắc nghiệt nhất vẫn là từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm. Vào thời điểm này, người dân phải đi lấy nước tại các khe suối, mạch nước ngầm cách xa cả mấy km

Gian nan trong xây dựng nông thôn mới ở xã vùng biên - Ảnh 1.

Thiếu nước sinh hoạt, nỗi lo của người dân Nàn Ma.

"Mong muốn lớn nhất của bà con chúng tôi là có nguồn nước hoặc xây dựng một hồ chưa nước đủ để cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cuộc sống cho người dân" – ông Mìn mong muốn.

Dẫn chúng tôi đến khu vực mạch nước nguồn mà người dân thường lấy nước sinh hoạt mỗi khi khô hạn. Ông Mìn cho biết thêm: mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà con trong thôn cũng đã cố gắng đóng góp công, góp của xây dựng được bể nước bằng xi – măng có dung tích hơn 4m3 để tích lũy nước mạch nguồn trong núi chảy ra, phòng khi cấp bách.

Theo người dân ở đây, bể nước này là nguồn nước dự trữ và cung cấp cho gần 30 hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, đến mùa cao điểm vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân ở đây. Những lúc đấy, người dân lại phải đi lấy tại mạch nguồn cách xa 5 – 6km.

Đến nay, toàn thôn Nàn Ma mới chỉ có khoảng 2/3 gia đình có bồn và bể chưa nước dùng lấy nước mưa, dự trữ nước sinh hoạt.

Anh Vàng Văn Dân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Không chỉ riêng thôn trung tâm xã mà còn có 3 thôn Lùng Sán, La Chí Chải, Cốc Pú trên địa bàn cũng thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân chính là do thiếu các mạch nước nguồn và các vật dụng tích trữ nước tự nhiên.

Việc thiếu nước sinh hoạt đã làm cho cuộc sống nhân dân gặp khó khăn trong đời sống và sản xuất. Để giải quyết vấn đề này nhiều lần cấp ủy, chính quyền xã cũng đã kiến nghị với các cấp, chính quyền, ngành chức năng nhằm hỗ trợ nhân dân nhưng vẫn chưa tìm được phương án khắc phục tình trạng trên.

Cần có chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ

Xã Nàn Ma là xã vùng 3, toàn xã có 676 hộ với 3.665 khẩu, gần 70% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm gần 70%, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp.

Theo thống kê của xã, từ đầu năm đến nay có gần 60 hộ dân khó khăn về nhà ở đăng ký xin được hỗ trợ xóa nhà tạm. Các hộ dân này đều đang sinh sống trong những ngôi nhà tạm, nhà trình tường thiếu an toàn.

Ông Thào Seo Cháng (thôn Nàn Ma) là lao động chính trong nhà nhưng 5 năm trước sau một vụ tai nạn lao động khi đang trên đường đi làm nương về, ông đã bị tàn tật ở chân, không đi làm được nữa, chủ yếu quanh quẩn trong nhà. Gia đình ông có 7 khẩu, 3 thế hệ sinh sống, cuộc sống chủ yếu dựa vào mảnh rộng để trồng lúa, trồng ngô nên ngày càng eo hẹp, vất vả.

Gian nan trong xây dựng nông thôn mới ở xã vùng biên - Ảnh 2.

Nhiều hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm.

Cùng hoàn cảnh với ông Cháng, gia đình ông Lù Seo Hầu (thôn La Chí Chải) có 4 khẩu, đang sinh sống trong ngôi nhà lụp xụp được làm từ lâu. Trên mái lợp bằng pro xi – măng đã bị thủng lỗ chỗ. Nhìn quanh ngôi nhà không có vật dụng gì đáng giá.

Ông Hầu chia sẻ: Làm việc ruộng đồng quanh năm cũng không đủ ăn, chỉ trông chờ vào những hạt ngô, hạt thóc. Giờ dịch bệnh Covid-19 thế này cuộc sống của gia đình lại càng vất vả hơn. Được mùa thì đủ lương thực, nhưng mất mùa thì khó khăn tăng lên gấp bội.

Đó là một trong nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn xã. Vì vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua Đảng ủy, UBND xã đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư con giống, khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm cải thiện đời sống của người dân.

Đến nay, tổng đàn gia súc trong toàn xã đã lên đến 4.462 con, trong đó đàn trâu 525 con, đàn bò 532 con... Năm 2021, tận dụng tiềm năng sẵn có, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp tại 21 hộ dân. 

Bên cạnh đó, bằng những nguồn lực, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo khó khăn, xã cũng đã triển khai và hoàn thành 32 ngôi nhà.

Những vấn đề khó khăn mới được giải quyết một phần nào vì vậy việc huy động các nguồn lực trong nhân dân để thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí về đường giao thông và thu nhập.

Đến nay, xã mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới, một số tuyến đường từ trung tâm xã vào các thôn: La Chí Chải, Nàn Lũng, Nàn Lý, Lùng Vai chưa được đầu tư, gây cản trở đến sinh hoạt và phát triển kinh tế của nhân dân.

"Do đó, có thể nói, để hoàn thành về đích xây dựng NTM tại xã Nàn Ma nói riêng và các xã vùng cao biên giới nói chung rất mong nhận được nhưng chính sách hỗ trợ đặc thù từ tỉnh tới trung ương nhiều hơn nữa" - ông Vàng Văn Dân, Bí thư Đảng ủy xã đề nghị.


Văn Long