Giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục, ngành nào sẽ hưởng lợi?

Quang Dân Thứ hai, ngày 30/11/2020 14:33 PM (GMT+7)
Theo Tổng cục Thống kê, thời gian qua, các Bộ ngành và địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020.
Bình luận 0

Đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tính đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11/2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 11 nghìn tỷ đồng, tăng 51,3%; vốn địa phương quản lý 43,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34%.

Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,43 tỷ USD, bằng 83,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục, ngành nào sẽ hưởng lợi? - Ảnh 1.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục

Theo đó, vốn đăng ký mới đạt 13,6 tỷ USD với 2.313 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận cấp phép đầu tư (giảm 14,8% so với cùng kỳ).

Có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,3 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ).

Cùng với đó, có 5.812 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 1,2% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp 6,5 tỷ USD (giảm 41,8% so với cùng kỳ). Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (từ 35,4% trong 11 tháng năm 2019 xuống 24,7% trong 11 tháng năm 2020).

Ngành nào sẽ hưởng lợi? 

Nhiều chuyên gia nhận định, việc đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn cuối năm nay, ngoài tác dụng kích cầu nền kinh tế vốn đang gặp rất nhiều khó khăn, còn có tác động tích cực đến các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng.

Đối với các doanh nghiệp xây dựng, họ có thể tham gia dự án với vai trò thầu phụ. Các công ty kinh doanh vật liệu xây dựng (sắt, thép, đá...) cũng được hưởng lợi đáng kể. Các công ty xây dựng hạ tầng cũng là nhóm sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Phần vốn nhà nước giải ngân nhanh hơn giúp dòng tiền lưu động cho xây dựng tốt hơn và giảm nợ vay ngắn hạn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ tăng được giá trị hợp đồng kí mới trong 6 tháng cuối năm nhờ các dự án đầu tư công, từ đó giá trị hợp đồng chuyển sang năm 2021 sẽ tăng đáng kể. Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng sẽ giải quyết được "nút thắt" về chi phí vận chuyển, qua đó giúp thu hút tốt hơn dòng vốn FDI và làn sóng dịch chuyển công xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục, ngành nào sẽ hưởng lợi? - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng được hưởng lợi

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, ngành vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Ngành này được chia thành hai nhóm, gồm nhóm sắt thép và nhựa xây dựng và nhóm xi măng và đá xây dựng. Nhóm đầu có quy mô sản xuất lớn với quy trình sản xuất phức tạp. Nhóm còn lại sử dụng tài nguyên trực tiếp và quy trình sản xuất ít phức tạp hơn.

Trao đổi với truyền thông, đại diện Tập đoàn Hòa Phát thì cho rằng, nếu ngân sách đầu tư công được giải ngân nhiều vào các công trình hạ tầng, cầu cống, đường xá thì sản xuất thép của họ sẽ được hưởng lợi.

Trong nửa đầu năm 2020, thép xây dựng Hòa Phát được cung cấp vào nhiều dự án đầu tư công như đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, các bệnh viện công (tại Cần Thơ, Tiền Giang, Nghệ An, TP.HCM), hàng loạt công trình nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió khu vực phía Nam. Đây là tiền đề để tập đoàn này tự tin đạt kế hoạch 86.000 tỷ đồng doanh thu và 9.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay.

Tương tự, Chứng khoán BSC cho rằng, bất động sản khu công nghiệp là ngành hưởng lợi rõ nét từ xu hướng dịch chuyển này. Trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát, việc đẩy mạnh đầu tư công, khơi thông pháp lí cũng sẽ giúp triển vọng các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2021 lạc quan hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem