Giải cứu cá tra bằng chất lượng

Thuận Hải (thực hiện) Chủ nhật, ngày 04/09/2016 07:00 AM (GMT+7)
Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, cá tra Việt Nam phải được “trả lại danh phận” bằng việc xây dựng dòng sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng xác định, có thương hiệu với giá bán phù hợp hơn.
Bình luận 0

Có ý kiến cho rằng, cá tra Việt Nam hiện chỉ là sản phẩm dành cho người nghèo, người thu nhập thấp. Theo bà thì có phải vậy?

- Đúng là tại các thị trường lớn hiện nay như Mỹ, Nhật, châu Âu… cá tra Việt Nam là sản phẩm dành cho phân khúc thị trường người lao động có thu nhập thấp, công nhân, người nghèo, người nhập cư… Điều này đã khiến cái nhìn của người tiêu dùng trên thị trường thế giới về cá tra không được tốt.

img

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (áo trắng) đang giới thiệu chương trình truy xuất nguồn gốc thủy sản
xuất khẩu. Ảnh: T.H

Cũng cần quan tâm 
thị trường nội địa

Theo bà Minh, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cũng nên quan tâm tới người tiêu dùng nội địa. Vì nếu trong nước mà con cá tra cứ bán lề đường, chợ chiều heo hút thì không thể xây dựng được hình ảnh cá tra chất lượng cao trên thị trường thế giới.

Nguyên nhân của vấn đề này này là việc cạnh tranh giảm giá không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, với mục tiêu “bán hàng bằng mọi giá”, dẫn tới việc giá xuất khẩu giảm liên tục. Doanh nghiệp nhiều khi ngồi với nhau thì rất hòa thuận, nhưng sau đó trong mỗi đơn hàng đều cố gắng tìm cách “lại quả”, giảm giá để giành hợp đồng… Điều này khiến sự cạnh tranh trong ngành không lành mạnh, sản phẩm có giá thấp nên bị đánh đồng là dành cho người thu nhập thấp.

Có thời điểm fillet (fi-lê) cá tra Việt Nam có giá bán đến 3 USD/kg, là mức giá rất tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Thế nhưng, hiện nay, giá cá tra Việt Nam đã giảm rất thấp, có thời điểm chỉ hơn 2 USD/kg. Mà giá thấp thì người tiêu dùng sẽ nghi ngờ về chất lượng, giá trị sản phẩm.

So với các sản phẩm cá thịt trắng khác, cá tra Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh nào, thưa bà?

-Cá tra là cá thịt trắng có thể sản xuất quy mô lớn với kích cỡ đồng đều, dễ dàng đưa vào chế biến trong các dây chuyền công nghệ hiện đại. Theo tôi được biết, nhu cầu thị trường cho sản phẩm fillet cá tra hiện rất lớn. Các nhà sản xuất, chế biến thực phẩm ở các nước thiếu cá nguyên liệu thịt trắng. Trong khi đó, tại ĐBSCL, nguồn nguyên liệu cá tra cũng rất dồi dào, đáp ứng được những đơn hàng lớn. Một ưu điểm nữa của cá tra thịt trắng là loại cá này ít mùi tanh, phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Vì giới trẻ châu Âu thì không thích những loại cá có mùi tanh.

Với thực trạng hiện nay, theo bà, có cách nào lấy lại danh dự cho cá tra Việt Nam?

- Phải thay đổi! Thay đổi từ tư duy, từ cái nhìn của nhà nước về thương mại, thị trường… Sản xuất ra một sản phẩm đã khó, bán được một sản phẩm càng khó hơn nên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, chuyện doanh nghiệp mạnh ai nấy sống như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

Theo tôi, việc xây dựng lại hình ảnh cá tra Việt Nam phải do Bộ NNPTNT giao cho Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cụ thể là Câu lạc bộ Cá tra của Hiệp hội này, thực hiện. Nếu các đơn vị này không làm thì không ai làm thay được. Bộ Công Thương cũng phải chung tay hỗ trợ việc xây dựng lại hình ảnh cá tra.

Thực tế việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho một sản phẩm không đơn giản. Không thể đổ trách nhiệm này cho nông dân vì họ không có động lực thị trường, họ không bán sản phẩm ra thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam thì tiềm lực không lớn, nếu chỉ một vài doanh nghiệp đơn lẻ thực hiện việc truyền thông quảng cáo thì cũng sẽ “không tới đâu”. Do đó, phải có chiến lược và sự hợp sức của cả cộng đồng!

Cụ thể, việc xây dựng hình ảnh cá tra thực hiện như thế nào?

- Phải xây dựng một dòng sản phẩm chính fillet cá tra Việt Nam, dựa trên nền tảng một hệ tiêu chuẩn đồng nhất, xác định. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nào đạt các tiêu chuẩn chung trên thì được mang thương hiệu này. Tôi đề xuất chọn sản phẩm fillet vì đây là sản phẩm chiếm tới 90% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Nhu cầu thị trường đối với fillet cá tra cho chế biến thực phẩm hiện cũng rất lớn. Tuy nhiên, nếu mình chỉ trông chờ các nhà sản xuất lại sản phẩm cá tra thì mình sẽ bị phụ thuộc và khó bán được giá cao do mình chỉ bán cá nguyên liệu. Ngược lại, nếu mình làm truyền thông tốt, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng thì lúc này, giá có thể sẽ tốt hơn. Khi nhu cầu tăng lên thì giá bán sẽ được cải thiện.

Đương nhiên, khi làm được thương hiệu, thay vì là sản phẩm chỉ dành cho phân khúc khách hàng rất bình dân như hiện nay thì ta sẽ nâng “hạng” cho cá tra. Từ đó, giúp cá tra không còn mang nhiều “tai tiếng” như hiện nay nữa! Bên cạnh việc xây dựng một dòng sản phẩm chính, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ cùng tham gia xây dựng Quỹ Phát triển thị trường cho cá tra. Nguồn quỹ này sẽ dùng để cùng nhau tiếp thị, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm...

Xin cảm ơn bà! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem