Giá thức ăn chăn nuôi tăng “chóng mặt”... người nuôi lo khó cầm cự

Nha Mẫn Chủ nhật, ngày 11/04/2021 12:07 PM (GMT+7)
Với mức giá thức ăn chăn nuôi khoảng gần 400.000 đồng/bao 25kg như hiện nay, người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm,… đang đối mặt với thua lỗ.
Bình luận 0

Giá thức ăn chăn nuôi tăng đột biến

Thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm đồng loạt tăng mạnh khiến người chăn nuôi lao đao, lo lắng. 

Giá thức ăn chăn nuôi tăng “chóng mặt”, người chăn nuôi lo…. khó cầm cự - Ảnh 1.

Theo người chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh ảnh hưởng đến giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi lo lắng

Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân Việt, giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng khoảng 5 tháng qua và tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán.

Cụ thể, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng từ 3-5 giá, có loại tăng 6-7 giá so với năm trước. 

Giá thức ăn chăn nuôi tăng “chóng mặt”, người chăn nuôi lo…. khó cầm cự - Ảnh 2.

Người chăn nuôi gà tại Đồng Nai đang lo phải chịu lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi tăng 5-6 lần trong 5 tháng qua.

Ông Nguyễn Văn Vinh, người nuôi heo tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) chia sẻ, đợt này ông mua thức ăn chăn nuôi giá cao nhưng giá heo trong tháng 4 đang thấp, do đó lứa heo vừa xuất chuồng ông chỉ lãi nhẹ. Nếu giá thức ăn vẫn không giảm hoặc tăng nữa, ông lo các lứa tới sẽ hết lời, thậm chí lỗ.

Trước đây giá thức ăn chăn nuôi khoảng 230.000  – 280.000 đồng/bao loại 25 - 30kg (tuỳ loại), giá bán heo hơi khoảng 65.000 đồng/kg là người nuôi đã có lãi. 

Thời điểm hiện tại giá thức ăn tăng cao, lên gần 400.000 đồng/bao 25kg - 30kg, đẩy giá thành sản xuất lên hơn 70.000 đồng/kg. 

"Với giá bán 75.000 đồng/kg, sau khi trừ hết các chi phí như tiền cám, thuốc thú y, thuê nhân công,… người chăn nuôi như chúng tôi coi như làm công không, thậm chí có người bị lỗ", ông Vinh nói.

Bởi trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi chưa có vaccine phòng chống nên rủi ro cho người nuôi heo là rất lớn. 

Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị chậm lại, giá bán gia súc, gia cầm, thuỷ cầm có nhiều biến động, lên xuống thất thường. 

Nếu giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao như hiện nay, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đang lo khó cầm cự. Ông Vinh hi vọng thời gian tới Nhà nước có phương án điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi phù hợp để người chăn nuôi được hưởng lợi.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng “chóng mặt”, người chăn nuôi lo…. khó cầm cự - Ảnh 3.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai giá thức ăn chăn nuôi cao đang ảnh hưởng nặng đến người chăn nuôi

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, người chăn nuôi sợ phải "treo chuồng"

Bà Mai Thị Miền, một nông dân nuôi cá bè tại huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá cá thời gian qua lại giảm mạnh.

Giá cám cho cá hiện đang lên đến 395.000 đồng/bao 25kg, tăng hơn 70.000 đồng/bao so với trước Tết. 

"Đây là mức tăng đột biến so với 3 năm qua. Trung bình giá cá bán ra khoảng 29.000 – 39.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi giá thức ăn tăng cao đã đẩy giá thành lên khoảng 40.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ nặng. 

Áp lực thua lỗ càng đè nặng lên người chăn nuôi, nhiều người đã ngưng nuôi vì không thể gồng nổi mức lỗ. 

Nếu theo đà này, gia đình tôi e cũng không cầm cự được lâu nữa, nợ nần chồng chất, có nguy cơ tiếp tục ôm nợ lớn", bà Miền chia sẻ.

Cùng nỗi lo với ông Vinh, bà Miền, vợ chồng anh Hoàng Tuấn Cường nuôi vịt tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cũng đang chịu áp lực về giá thức ăn chăn nuôi. Anh Cường trải lòng: "Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay khiến chi phí đầu vào bị đội lên cao. 

Trong khi đó, thời gian dài qua gà, vịt bán ra giá thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Với tình trạng này, nhiều người chăn nuôi cầm cự không nỗi nữa, đang tính chuyện tạm "treo chuồng" chờ thời điểm thích hợp mới nuôi trở lại. 

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ thời gian qua ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.

Trong khi đó, giá cám và nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác tăng cao khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên nhiều. Còn giá bán ra lại giảm trong khi chi phí chăn nuôi tăng mạnh gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành.

"Chăn nuôi hiện đang lệ thuộc rất nhiều vào giá thức ăn vì khoảng 75% nguyên liệu thức ăn phải nhập khẩu. Đây là một bất lợi lớn cho ngành chăn nuôi trong nước bởi giá thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng đến gần phân nửa giá thành sản xuất.

Hiện tại, chúng ta không kiểm soát được giá và bị chi phối nhiều từ các nước xuất khẩu. Với tình hình này sợ rằng giá thức ăn chăn nuôi còn tăng cao hơn trong thời gian tới.

Để giải quyết vấn đề đầu ra tôi nghĩ người chăn nuôi cần tập trung vào việc tăng chất lượng sản phẩm hơn là số lượng. Ngoài ra phải đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh môi trường chuồng trại để gia súc, gia cầm,… khoẻ mạnh. Từ đó giúp tăng giá trị đầu ra của sản phẩm hơn", ông Công nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem