Giá thức ăn chăn nuôi chuẩn bị tăng lần thứ 7

14/05/2021 15:37 GMT+7
Từ cuối năm ngoái đến nay, thức ăn chăn nuôi đã có 6 lần tăng giá và đang chuẩn bị có một đợt tăng giá mới vào giữa tháng 5 này.
Giá thức ăn chăn nuôi chuẩn bị tăng lần thứ 7 - Ảnh 1.

Thức ăn chăn nuôi lại chuẩn bị tăng giá. Ảnh: Thanh Sơn.

Nguy cơ thua lỗ

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tính từ tháng 11/2020 đến nay,  đã có 6 lần tăng giá thức ăn chăn nuôi với heo và gia cầm, và tháng nào cũng có một đợt tăng giá.

Trong lần tăng giá đầu tiên vào tháng 11/2020, giá thức ăn các loại tăng từ 120-260 đồng/kg. Đợt tăng giá thứ 2 (tháng 12/2020), tăng từ 140-375 đồng/kg. Đầu năm nay, sau khi tăng 150-380 đồng/kg trong tháng 1, giá thức ăn tháng 2/2021 tăng tiếp 200-500 đồng/kg. Tháng 3, giá thức ăn tăng mạnh nhất với mức tăng 270-500 đồng/kg. Mức tăng trong tháng 4 thấp hơn một chút, từ 220-400 đồng/kg.

Tổng cộng sau 6 lần tăng giá, giá thức ăn chăn nuôi của các nhà máy ở Đồng Nai đã tăng từ 1.310-1.990 đồng/kg. Nếu tính riêng giá thức ăn cho heo, thì tổng cộng trong 6 lần tăng giá vừa qua, đã tăng từ 1.595-1.990 đồng/kg.

Điều đáng lo ngại với người chăn nuôi là theo thông tin từ các nhà máy, chuẩn bị có một đợt tăng giá trong tháng 5 (đợt tăng giá thứ 7 liên tiếp), với mức tăng dự kiến từ 300-500 đồng/kg.

Trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang có xu hướng tăng lên, thì giá heo lại giảm. Ở Đồng Nai, giá heo hơi đã xuống dưới mức 70.000 đồng/kg.

Ông Đoán cho biết, với mức giá heo hơi hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, bởi giá thành chăn nuôi heo trong thời gian qua đã tăng khá nhiều khi mà giá con giống tăng cao, giá thức ăn tăng liên tục, rồi các chi phí cho an toàn sinh học để phòng chống dịch tả heo châu Phi…

Với những hộ tự túc được con giống, giá thành hiện tại cũng phải trên 50.000 đồng/kg. Còn những hộ phải mua con giống với giá cao, thì với mức giá thức ăn hiện tại, khả năng thua lỗ là không nhỏ nếu như giá heo hơi tiếp tục giảm xuống và giá thức ăn tiếp tục tăng lên.

Thị trường thế giới vẫn căng thẳng

Giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam tăng liên tục từ cuối năm ngoái đến nay, chủ yếu do tác động từ nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu. Trong những tháng đầu năm, thời tiết bất lợi bất lợi ở một số nước xuất khẩu lớn, cước tàu biển tăng vọt vì khan hiếm container, Trung Quốc đẩy mạnh thu mua, nhập khẩu ngũ cốc… đã tác động lớn tới giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới và giá thức ăn ở Việt Nam.

Đến thời điểm này, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới tiếp tục ở mức cao. Ngày 7/5, giá ngô CBOT (giá trên sàn Chicago) đã tăng lên mức 7,24 USD/bushel (1 bushel tương đương với 28 kg), là mức cao nhất kể từ tháng 3/2013.

Sau phiên đó, giá ngô CBOT có giảm xuống khi  Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo dự trữ ngô cuối niên vụ 2021/22 của Mỹ ở mức 1,507 tỷ bushel, tăng so với mức dự trữ 1,257 tỷ bushel dự kiến vào cuối niên vụ 2020/21. Tuy nhiên, giá ngô trên thị trường thế giới vẫn đang ở mức cao. 

Thông tin từ một số thương nhân ngành chăn nuôi cho hay, giá đậu tương CBOT trong ngày 12/5 đã  lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2012 với 16,29 USD/bushel do lo ngại về nguồn cung thắt chặt khi tồn kho đậu tương Mỹ ở mức thấp.

Trong báo cáo tháng 5 của USDA, dự báo dự trữ đậu tương cuối vụ 2021/22 của Mỹ ở mức 140 triệu bushel, gần như phù hợp với kỳ vọng thương mại nhưng chỉ tăng nhẹ so với 120 triệu bushel dự kiến vào cuối vụ 2020/21, là mức thấp nhất trong bảy năm. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu đậu tương vụ mới của Mỹ về Trung Quốc được kỳ vọng tăng khi đàn heo ở Trung Quốc đang hồi phục đáng kể.

Sản xuất, vận chuyển gặp bất lợi ở một số nước sản xuất và xuất khẩu ngô, đậu tương… hàng đầu thế giới, cũng đang tác động không nhỏ tới giá của các loại nông sản này. Tại Brazil, khả năng gieo trồng ngô vụ 2 tại nhiều bang sản xuất chính đang bị hạn chế do hạn hán.

USDA đã hạ ước tính sản lượng ngô vụ 2020/21 của Brazil xuống 102 triệu tấn, từ mức 109 triệu trong dự báo trước đó, trong khi cơ quan cung ứng của chính phủ Brazil Conab hạ dự báo xuống 106,413 triệu tấn so với mức 108,966 triệu tấn trong dự báo tháng 4. Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Brazil AgRural thì ước tính tổng sản lượng ngô của nước này là 95,5 triệu tấn.

Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh thu mua ngũ cốc trên toàn cầu với khối lượng rất lớn. Theo dự báo của một số nhà phân tích thị trường nông sản quốc tế, trong niên vụ 2020/21, nhu cầu nhập khẩu ngô và đậu tương của Trung Quốc sẽ ở mức kỷ lục. USDA dự đoán Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 24 triệu tấn ngô trong niên vụ 2020/21, gấp gần 3 lần so với 7,9 triệu tấn mà nước này đã mua trong niên vụ 2019/20. Nhu cầu đậu tương của Trung Quốc dự kiến tăng 13,4% so với niên vụ trước và vượt mốc 100 triệu tấn trong niên vụ 2020/21.

Người nuôi gia cầm nguy cơ phá sản

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết, chưa có giai đoạn nào mà ngành chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn dài và lớn như ba năm vừa qua. Trong khi mặt hàng giá lợn hơi vẫn giữ được giá khá tốt thì suốt từ năm 2019 đến nay, giá các mặt hàng thịt gia cầm thường xuyên ở ngưỡng dưới giá thành khiến người làm giống, người chăn nuôi chìm sâu trong thua lỗ.

Trong khi giá gia cầm luôn ở mức thấp thì thời gian gần đây giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng phi mã buộc rất nhiều nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi giảm đàn mạnh hoặc treo chuồng bởi không còn đủ sức lực để duy trì cầm cự.

Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, với đà giảm đàn như hiện nay, có khả năng sang quý 3, đầu quý 4 năm nay sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt, trứng gia cầm cầm trong nước, dẫn tới nguy cơ sản phẩm thịt gà nhập khẩu sẽ gia tăng. Điều này, không chỉ ảnh hưởng tới người chăn nuôi mà còn có tác động đến an ninh thực phẩm.

Ông Sơn cho rằng, đúng là bản thân người chăn nuôi và doanh nghiệp đang phải tự cứu lấy mình trước khi bị phá sản, nhưng đã đến lúc các bộ ngành cũng cần phải nhìn nhận lại để xây dựng một chính sách vĩ mô ổn định cho ngành gia cầm Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả.

Nguyên Huân

Thanh Sơn
Cùng chuyên mục