Giá phân bón vô cơ tăng chóng cả mặt, chuyên gia khuyên nhà nông sử dụng loại phân bón này cho tiết kiệm

K.Nguyên Thứ bảy, ngày 18/09/2021 07:31 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), xu hướng sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng tăng trong những năm gần đây. Trong bối cảnh giá phân bón vô cơ không ngừng tăng, phân hữu cơ là một lựa chọn hợp lý để giảm chi phí.
Bình luận 0

Năm 2020 cả nước sử dụng 19,51 triệu tấn phân bón hữu cơ

Theo thống kê từ các địa phương và doanh nghiệp, năm 2020 cả nước sử dụng 19,51 triệu tấn phân bón hữu cơ, trong đó có 16,88 triệu tấn nông hộ tự sản xuất và 2,63 triệu tấn sản xuất công nghiệp.

Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm trên một đơn vị diện tích canh tác là 1.000 kg/ha, hiệu quả sử dụng chỉ đạt 45-50%. 

Trong khi đó, phân bón hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng, cải thiện chế độ mùn, hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Bên cạnh đó, còn khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi.

Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã lựa chọn ký kết, đồng hành phát triển phân bón hữu cơ với 14 doanh nghiệp. 

Tổng kinh phí để xây dựng mô hình mẫu, tập huấn nông dân, sản xuất tại chỗ quy mô nông hộ là hơn 526 tỷ đồng, với diện tích 45.000 ha thuộc các đối tượng cây trồng chủ lực như lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp. 

Các doanh nghiệp đã thực hiện 124 mô hình, đang đánh giá lựa chọn mô hình hiệu quả để nhân rộng trong sản xuất.

Giá phân bón vô cơ tăng chóng cả mặt, chuyên gia khuyên nhà nông sử dụng loại phân bón này cho tiết kiệm - Ảnh 1.

Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm tại thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: K.N

Nông hộ tự sản xuất 16,88 triệu tấn phân bón hữu cơ

Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, thông qua các chương trình tập huấn của cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật, nhiều nông hộ đã chủ động xử lý chất thải chăn nuôi, trồng trọt thành phân bón hữu cơ.

Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ chăn nuôi có áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đạt 48%. 

Trong số các hộ có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, có 48,5% ủ phân truyền thống (compost); 30,6% áp dụng Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP hoặc tương đương); 11% áp dụng khí sinh học; 6% sử dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý chất thải; 2,7% sử dụng đệm lót sinh học.

Điều tra tại 67 trang trại bò, lợn quy mô lớn trên cả nước tại Báo cáo tổng kết về điều tra sinh khối ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2018 cho thấy có 73,3% lượng phân vật nuôi được bán và sử dụng làm phân bón hữu cơ và 26,7% được đưa xuống công trình khí sinh học để chạy máy phát điện hoặc sử dụng đun nấu, thắp sáng, úm vật nuôi…tại cơ sở chăn nuôi. 

Đáng chú ý, ủ phân compost là một biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi truyền thống được người chăn nuôi áp dụng phổ biến. 

Trên 2,88 triệu hộ chăn nuôi và 7.073 trang trại chăn nuôi thực hiện ủ phân vật nuôi làm phân bón hữu cơ. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi áp dụng biện pháp ủ phân vật nuôi là 43,9% đối với gia cầm, 25,7% đối với lợn, 20,3% đối với bò và 7,9% đối với trâu.

Công nghệ vi sinh đang rất phát triển và có nhiều sản phẩm, chế phẩm vi sinh hỗ trợ hiệu quả cho việc xử lý chất thải chăn nuôi kể cả khử mùi hôi trong chăn nuôi. Theo báo cáo của các Sở NNPTNT, cả nước 345.000 hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải và khử mùi trong chăn nuôi.

Giá phân bón vô cơ tăng chóng cả mặt, chuyên gia khuyên nhà nông sử dụng loại phân bón này cho tiết kiệm - Ảnh 2.

Cán bộ khuyến nông tỉnh Quảng Trị hướng dẫn nông dân tự ủ phân bón hữu cơ. Ảnh: TTKN Quảng Trị.

Tỷ lệ hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý môi trường chăn nuôi là 60,3% đối với gia cầm, 39,7 đối với lợn và 2,7% đối với trâu, bò.

Theo Bảo vệ thực vật, để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tái chế phụ phẩm nông nghiệp cần có chính sách đầu tư đủ hấp dẫn các doanh nghiệp thông qua mặt bằng đất nông nghiệp sạch, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết trị, công nghệ cao, công nghệ tiến tiến, công nghệ sinh học để đầu tư vào lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi để nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Ban hành quy định pháp luật về ngưỡng tối đa cho phép về việc sử dụng cân bằng giữa phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ áp dụng đối với đất canh tác nông nghiệp để thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch và nông nghiệp dựa trên cộng đồng.

Ban hành thể chế, chính sách về khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bao gồm tuần hoàn hở gắn các từng khâu khác nhau, tuần hoàn kín để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tại cuộc họp bàn giải pháp khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19 với các tỉnh Nam bộ sáng 17/9, trước kiến nghị của nhiều địa phương về việc giá phân bón tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị ngành chức năng, các địa phương khuyến cáo người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để giảm giá thành, đồng thời đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững, tránh lạm dụng phân bón vô cơ, vừa lãng phí vừa gây tác hại cho đất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem