dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay (29.6): Giá tiêu diễn biến thất thường, cà phê kỳ vọng cơ hội tăng giá

Giá nông sản hôm nay xuất hiện những biến động nhẹ trên thị trường hồ tiêu và cà phê. Do tăng nóng nguồn cung nên hồ tiêu vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá. Còn cà phê, hôm nay diễn ra đợt giảm giá nhẹ, tuy nhiên triển vọng khởi sắc vẫn khả quan.

Thông tin về thâm hụt nguồn cung sẽ đẩy giá cà phê tăng trong những tháng cuối năm 2017. Ảnh minh họa

Giá cà phê chờ cơ hội khởi sắc

Trái ngược với đà tăng giá trong phiên giao dịch hôm trước, giá cà phê trong nước hôm nay quay đầu giảm nhẹ. Đây cũng là xu hướng của thị trường cà phê thế giới. Tuy nhiên nhiều dự báo cho rằng những biến động này chỏ nhất thời và xu hướng tăng giá vẫn chi phối thị trường cà phê trong những tháng cuối năm 2017.

Giá nông sản hôm nay, tại Lâm Đồng, giá cà phê hôm nay giảm 100 đồng/kg. Hiện giao dịch còn duy trì ở mức 44.000 đến 44.200 đồng/kg.

Tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum xu hướng giảm cũng chi phối khiến giá cà phê hôm nay mất 100 đồng/kg. Hiện các địa phương này giá cà phê duy trì ở mức 44.600 đến 45.000 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta tại TP. Hồ Chí Minh sau phiên giảm đã bất ngờ tăng mạnh 400 đồng/kg trong phiên giao dịch hôm nay, hiện ở mức giá 47.000 đồng/kg

Giá nông sản hôm nay, giá cà phê trong nước giảm 100 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen

Trên thị trường thế giới, Rabobank điều chỉnh giảm dự báo giá cà phê Arabica xuống mức 135 cent/lb vào cuối năm, giảm 10 cent so với dự báo của họ trước đó, cũng không thể cản đà tăng trên sàn New York do giá hiện nay đã ở mức quá thấp. Tương tự, Rabobank cũng dự báo giảm giá cà phê Robusta…

 Nếu sản lượng cà phê của Brazil sụt giảm mạnh, nguy cơ thị trường cà phê robusta toàn cầu tiếp tục rơi vào trạng thái thiếu cung là điều khó tránh. Các chuyên gia của ngân hàng Rabobank (Hà Lan) nhận định rằng sau ba niên vụ thiếu cung, 2017/18 sẽ là niên vụ thiếu cung thứ tư liên tiếp, với mức thiếu hụt ước tính khoảng hai triệu bao (1 bao = 60 kg). Trong khi đó, nguồn cung cà phê arabica có phần ổn định hơn, do cả Brazil và Colombia dự báo sẽ có một vụ mùa bội thu.

Thực sự những điều chỉnh của Rabobank cũng có phần hợp lý do cuối năm là mùa thu hoạch của phần lớn các nhà sản xuất cà phê trên thế giới nên sức ép cung – cầu lúc đó tạm thời cũng làm giá dịu lại.

Chỉ số USDX tiếp tục giảm và đồng Reais Brasil mạnh trở lại mới là lực cản cho giá cả nhiều loại hàng hóa, nhất là giá nông sản vào lúc này.

Ngân hàng Commerzbank (Đức) cho rằng thị trường cà phê thế giới niên vụ 2016/17 sẽ thiếu cung trong niên vụ thứ ba liên tiếp, chủ yếu do sản lượng cà phê robusta tại các quốc gia trồng cà phê chủ chốt đứng ở mức thấp.

Tại Brazil, thời tiết khô hạn ở tỉnh Espirito Santo, vùng trồng cà phê chủ chốt của nước này, đã khiến cho triển vọng sản lượng cà phê robusta năm 2017 thêm phần ảm đạm.

Theo các chuyên gia của Commerzbank, trong bối cảnh trên, giá cà phê sẽ vẫn ở mức cao. Tính chung cả năm 2016, giá cà phê arabica tăng 8,2%, trong khi cà phê robusta tăng tới 45%. Phân tích của hãng phân tích và dự báo thông tin kinh tế Focus Economics cho thấy điều kiện thời tiết không thuận lợi ở Brazil và Việt Nam sẽ làm sản lượng cà phê giảm sút. Nguồn cung bị thu hẹp cùng với tiêu thụ cà phê toàn cầu gia tăng, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, sẽ đẩy giá cà phê tiếp tục đi lên.

Giá tiêu chưa tìm ra lối thoát

Giá nông sản hôm nay trên thị trường hồ tiêu vẫn ảm đạm. Từ đầu tuần giá tiêu vẫn chưa thoát đáy thì giá tiêu hôm nay lại bất ngờ giảm kéo mức giá ra xa khỏi mức 80.000 đồng/kg. Những dự báo tiếp tục cho thấy hồ tiêu vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng ế ẩm.

Theo đó, tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu giá hồ tiêu hiện chỉ ở mức 77.000 đến 78.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với phiên trước.

Giá hồ tiêu tại Gia Lai tuy giữ nguyên, nhưng mức giá vẫn chỉ đạt mức 76.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, thị trường xuất hiện diễn biến trái ngược khi giá hồ tiêu tại Đồng Nai bất ngờ tăng mạnh thêm 5.000 đồng/kg. Đợt tăng này đưa giá tiêu vọt lên mức 77.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu tiếp tục giảm mạnh, chưa thoát khỏi mức đáy cũ. Nguồn: tintaynguyen

Thông tin từ Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), tổng nhu cầu hồ tiêu thế giới khoảng 300.000 tấn/năm, Việt Nam có thể đáp ứng 180.000 tấn/năm, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu, 120.000 tấn còn lại thuộc về các nước.

Hiện các nước mới vào vụ còn Việt Nam thì đã thu hoạch xong. 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam ước xuất khẩu đạt 101.000 tấn hồ tiêu, 80.000 tấn còn lại nếu Việt Nam ngưng xuất khẩu thì thị trường thế giới sẽ không có hàng lấp vào khoảng trống này, và như vậy giá hồ tiêu sẽ có cơ hội tăng trong thời gian tới.

Là nước có sản lượng hồ tiêu lớn nhưng Việt Nam vẫn chưa nắm được vai trò điều tiết thị trường. Ảnh minh họa

 Vấn đề lớn nhất của ngành hồ tiêu là diện tích tăng quá lớn, cần phải dừng lại. Nếu diện tích cứ tiếp tục tăng như hiện nay thì trong tương lai có thể giá hồ tiêu sẽ còn giảm sâu hơn nữa, vì cung càng vượt cầu.

Tuy chi phối thị trường toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn chưa làm chủ được “cuộc chơi”, bởi ngoài diện tích tăng nóng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề rất đáng quan ngại của hồ tiêu Việt Nam.

Trong tháng 5, 6.2017, giá hồ tiêu tụt dốc chỉ còn 70.000 - 75.000 đồng/kg. Trước tình hình này, VPA kêu gọi bà con tạm ngừng bán ra, nhờ vậy, giá hồ tiêu đã có dấu hiệu tăng trở lại (khoảng trên 80.000 đồng/kg).

Theo VPA, có hai nguyên nhân khiến giá hồ tiêu đổ dốc. Đó là, sản lượng niên vụ 2016-2017 tăng khoảng 15%; và có khoảng 20.000 tấn hồ tiêu của nông dân Campuchia bán vào Việt Nam, đã tạo thêm áp lực lên thị trường.

Để giảm bớt rủi ro, VPA đã khuyến cáo, nông dân không nên trồng hồ tiêu trên những đất không phù hợp cần chuyển đổi sang cây trồng khác, tại các vườn tiêu hiện có nên trồng xen canh vài loại cây trồng khác để đa dạng thu nhập.

Bình Nguyên