Giá nông sản hôm nay 18/9: Giá tiêu cao nhất 80.500 đồng/kg, nguồn cung cà phê toàn cầu bị thắt chặt

18/09/2021 08:30 GMT+7
Giá nông sản hôm nay (18/9) ghi nhận, mặt hàng tiêu và cà phê phiên cuối tuần đều khởi sắc. Trong đó, giá tiêu tăng thêm 500 đồng/kg, cao nhất đạt 80.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay: giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh

Theo khảo sát của Etime, giá tiêu trong nước hôm nay tăng thêm 500 đồng/kg ở một số nơi. Như vậy, từ đầu tháng 9/2021 đến nay, giá tiêu tăng trung bình 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay ghi nhận, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông tăng 500 đồng/kg lên mức 78.500 đồng/kg. Còn tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 77.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 79.000 đồng/kg.

Giá tiêu cao nhất đạt mức 80.500 đồng/kg ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giá nông sản hôm nay 18/9: Giá tiêu cao nhất 80.500 đồng/kg, cà phê tăng thêm 600 đồng/kg - Ảnh 1.

Giá tiêu trong nước hôm nay tăng thêm 500 đồng/kg ở một số nơi.

Theo Kinh tế và Đô thị, giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam hôm 16/9 tăng 25 USD/tấn. Lần tăng gần nhất của giá tiêu xuất khẩu là ngày 6/9. Hiện giá tiêu xuất khẩu Việt Nam đang cao hơn 115 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng.

Giá tiêu bình quân đang tiếp tục tăng so với tháng trước do khối lượng và giá trị xuất khẩu tiêu trắng tăng cao. Theo các chuyên gia, nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ mùa đông và lễ hội cuối năm đang tới gần. Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung toàn cầu, thể hiện ở khối lượng xuất khẩu tháng 8/2021 của Việt Nam giảm mạnh nhất kể từ đầu năm.

Nguồn cung giảm đẩy giá tăng là chuyện hợp lẽ, tuy nhiên theo đánh giá, giá tiêu trong tháng 8/2021 có tăng nhưng không như thị trường kỳ vọng. Dịch bệnh Covid-19 lây lan buộc các địa phương phải gia tăng những biện pháp giãn cách xã hội đã khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đình trệ. Một số nhà xuất khẩu cũng muốn giao hàng chậm lại để trông chờ giá cước tàu biển được cải thiện hơn.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục giãn cách xã hội đến 30/9, cộng với đó tình hình dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh Tây Nguyên diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Thị trường chờ đợi qua rất nhiều mốc để chờ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận phục hồi. Nhưng nhu cầu tiêu thụ cuối năm đang đến rất gần, nhiều khách hàng không thể chờ đợi buộc phải mua hàng.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2021 đạt 3.769 USD/tấn, tăng 4,37 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 7/2021. Trong khi thị trường trong nước giá tăng trung bình 2.000 - 3.000 đồng/kg so với thời điểm ngày 1/9.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến giá tiêu không ngừng tăng, đó là để bù vào phần giá cước vận tải biển, và chi phí tăng do giãn cách xã hội. Gã khổng lồ ngành vận tải biển Đan Mạch A.P. Moller-Maersk nhận định cơn sốt giá cước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm nay. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay giá cước tàu tăng phi mã theo xu hướng chung của thế giới. Đặc biệt tuyến đi Mỹ và châu Âu có lúc tăng tới 5 - 10 lần so với thời điểm trước đại dịch, nhiều doanh nghiệp thậm chí không thể đặt được tàu hoặc không thuê được container. Trong khi đó, chi phí phát sinh đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành.

Giá cà phê hôm nay: Cao nhất 40.800 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay 18/9 giao dịch trong khoảng 39.900 - 40.800 đồng/kg. Giá Robusta tiếp đà tăng, thêm 2,09%, trong khi Arabica quay đầu giảm nhẹ 0,093%.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.900 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.700 đồng/kg.

Giá nông sản hôm nay 18/9: Giá tiêu cao nhất 80.500 đồng/kg, cà phê tăng thêm 600 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá cà phê hôm nay 18/9 trong khoảng 39.900 - 40.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.600 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.600 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng 400 - 600 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua.

Việc thực hiện giãn cách xã hội để chống Covid-19 ở Việt Nam đã khiến nguồn cung cà phê toàn cầu thắt chặt và giá cà phê thế giới có thể giữ ở mức “tương đối cao” trong năm 2022.

Hãng tin CNBC đã dẫn một dự báo của Fitch Solutions về tình hình giá cà phê thế giới và nhắc tới Việt Nam với lợi thế là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì thế giới.

Theo số liệu hải quan, trong tháng 8 vừa qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,7% so với tháng 7, còn 111.697 tấn. 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,1 triệu tấn cà phê, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch tăng 2%, đạt khoảng 2 tỷ USD.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm và sản lượng đi xuống tại các nước sản xuất cà phê hàng đầu khác đã đẩy giá cà phê thế giới tăng mạnh. Giá cà phê arabica giao sau đã tăng khoảng 45,8% trong năm nay, trong khi giá cà phê robusta tăng 52,2%, theo dữ liệu từ Refinitiv.

Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, đã trải qua những đợt thời tiết cực đoan gây thiệt hại cho các nông trại trồng cà phê. Thời tiết xấu cũng làm giảm sản lượng cà phê ở Colombia.

“Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, ít nhất ở Mỹ và châu Âu, nhu cầu sẽ tăng trong những tháng sắp tới khi việc dỡ bỏ các hạn chế chống Covid cho phép các cửa hiệu cà phê mở cửa trở lại”, báo cáo của Fitch Solutions nhận định.

Công ty tư vấn này nâng dự báo giá bình quân của cà phê arabica năm 2021 từ 1,35 USD/pound lên 1,6 USD/pound. Dự báo giá bình quân cà phê arabica năm 2022 được nâng từ 1,25 USD/pound lên 1,5 USD/pound.

Fitch Solutions cho rằng, các hạn chế chống Covid ở Việt Nam sẽ được nới từ từ, nên gián đoạn xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể chỉ là vấn đề tạm thời. Bên cạnh đó, sản lượng cà phê của Brazil có thể sẽ phục hồi “khá nhanh” miễn là thời tiết cực đoan không quay trở lại.

Điều này có nghĩa là nguồn cung cà phê toàn cầu có thể bắt đầu tăng trở lại trong niên vụ 2022-2023, với giá bình quân cà phê arabica trong năm 2023 có thể hạ về 1,2 USD/pound – Fitch Solutions dự báo.

“Các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đang được triển khai sẽ giúp cải thiện sản lượng cà phê ở nhiều nước sản xuất cà phê chủ chốt ở Mỹ Latin và châu Á, bao gồm Colombia và Việt Nam”, báo cáo viết. “Ngoài ra, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ cà phê có vẻ sẽ đạt đỉnh ở nhiều nước tiêu thụ cà phê lớn nhất, như châu Âu và Nhật Bản”.


An Vũ
Cùng chuyên mục