Giá lợn hơi vừa hạ, người nuôi ngay lập tức bị lỗ nặng

29/08/2020 13:21 GMT+7
Giá lợn hơi đã xuống dưới mức 80.000 đồng/kg khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, mỗi con lỗ tới hàng triệu đồng.

Giá lợn hơi vừa hạ, người nuôi ngay lập tức bị lỗ nặng - Ảnh 1.

Giá lợn hơi giảm liên tục, người nuôi buồn rầu vì thua lỗ.

Tại Chợ Gia súc, gia cầm Hà Nam - một trong những điểm buôn bán, trung chuyển lợn hơi lớn nhất miền Bắc - mấy phiên gần đây giá lợn hơi giảm liên tục. Hiện giá lợn hơi chỉ còn khoảng 75.000 đồng/kg, giảm 1/4 so với thời kỳ đạt đỉnh 100.000 đồng/kg cách đây gần 2 tháng.

Theo thông tin của ông Nguyễn Xuân Lộc - Phó Trưởng ban Quản lý Chợ Gia súc, gia cầm Hà Nam, giá lợn hơi đang giảm mạnh nhưng giao dịch mua – bán vẫn diễn ra bình thường, chỉ có người chăn nuôi là buồn rầu vì họ đang thua lỗ.

“Thương lái thì theo giá chợ nên dù giá lợn hơi lên hay xuống họ cũng đều có lãi vì mua bán sang tay, nhưng các hộ dân chăn nuôi thì vừa tái đàn xong đã thiệt hại nặng do giá lợn lao dốc”, ông Lộc nói.

Anh Thăng – một trong những hộ chăn nuôi quy mô lớn ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho hay, gia đình anh vừa bán tháo mấy trăm con lợn vì giá đang xuống mạnh, nếu cứ tiếp tục “ủ” thì càng thua lỗ nặng.

Giá lợn giống mua vào ở thời điểm khan hiếm nguồn cung nên rất đắt, chăn nuôi vất vả mấy tháng trời với hy vọng gỡ gạc lại sau “bão giá” và dịch tả lợn châu Phi nhưng nay hy vọng tan biến vì giá lợn hơi thấp quá, xuống sâu dưới mức hòa vốn 80.000 đồng/kg. Tính ra, với giá lợn ở thời điểm hiện tại, mỗi con lợn tầm 120 – 150kg, người nuôi chịu lỗ đến cả triệu đồng, anh Thăng chia sẻ.

Chị Hanh, một hộ chăn nuôi khác ở xã Ngọc Lũ – nơi được coi là một trong những “thủ phủ” chăn nuôi lớn nhất miền Bắc cho biết, gia đình chị “treo chuồng” gần 2 năm liền vì không dám nuôi, cũng không còn tiền để nuôi sau đợt khủng hoảng giá thấp năm 2017 và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nhưng khi thấy giá lợn lên cao, sau Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình chị mạnh dạn vay vốn để tái đàn. Hồi đầu năm nay nhà chị mua gần 200 con lợn giống về chăm, thấy giá lên cao trên 90.000 đồng hồi tháng 7 chị Hạnh mừng lắm vì lợn sắp đủ điều kiện xuất chuồng.

“Vậy mà, đúng thời điểm lợn to, thương lái đến mua cách đây vài tuần tôi không bán vì thấy chưa được giá mà lợn thì vẫn đang tăng cân nhiều. Tôi định chờ thêm vài phiên để giá lên cao trở lại như cũ thì mới bán, ai ngờ càng chờ giá càng lao dốc. Mấy trăm con lợn to, ăn nhiều mà tăng cân ít do đã quá lứa nên tôi không thể tiếp tục chờ đợi được nữa, đành xót xa cho xuất chuồng, chịu thua lỗ cả trăm triệu đồng”, chị Hanh buồn bã tâm sự.

Trên thị trường lợn hơi, giá lợn tại cả 3 miền trong cả nước đều theo xu hướng giảm. Ở miền Bắc, giá lợn hơi tại Chợ Gia súc, gia cầm Hà Nam dao động trong khoảng 75.000 - 84.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam giá lợn hơi ghi nhận mức giá từ 80.000 - 87.000 đồng/kg. Giá lợn hơi ở miền Trung, thương lái thu mua lợn hơi với giá khoảng 79.000 - 87.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn điều chỉnh xuống thấp nhất 3 tháng qua

So với thời điểm đạt mức kỷ lục hồi tháng 5, giá thịt heo sỉ đã giảm từ 18.000 – 24.000 đồng/kg, rẻ nhất 3 tháng qua.

Thông tin từ Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, chợ sỉ thịt lợn lớn nhất TP HCM, cho biết giá thịt lợn hiện giảm mạnh dù sản lượng về chợ vẫn ổn định, không tăng bất thường.

Giá lợn hơi vừa hạ, người nuôi ngay lập tức bị lỗ nặng - Ảnh 2.

Buôn bán lợn mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Cụ thể, giá sỉ lợn mảnh (thịt lợn sau giết mổ, bỏ đầu lòng) loại 1 còn 97.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg; loại 2 còn 88.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg so với trước.

Đây là mức giá lợn mảnh thấp nhất trong 3 tháng qua. So với thời điểm giá cao kỷ lục hồi tháng 5, giá lợn mảnh loại 1 đã giảm 18.000 đồng/kg, còn lợn mảnh loại 2 đã giảm 24.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi đã về mức khoảng 80.000 đồng/kg khi bước vào tháng 7 âm lịch (1 tuần qua) do người dân ăn chay nhiều, lượng tiêu thụ thịt giảm. Ngoài ra, giá lợn hơi giảm còn do dịch Covid-19 quay trở lại, sức tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung tăng từ lượng heo Thái Lan nhập khẩu và các công ty chăn nuôi có thị phần lớn phát triển đàn rất nhanh.

Trong khi đó, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, doanh nghiệp có thị phần lớn trong ngành vẫn giữ giá lợn hơi ở mức 80.500 đồng/kg; chỉ giảm giá lợn mảnh 1.000 đồng/kg, xuống mức 101.000 đồng/kg.

Một thương lái chuyên mua lợn hơi về giết mổ dự báo giá lợn hơi sẽ tiếp tục giảm do tiêu thụ đang rất chậm.

"Hiện một số trang trại bên ngoài cần bán gấp đã phải chào giá 74.000 – 76.000 đồng/kg, thấp hơn lúc cao điểm khoảng 25.000 đồng/kg. Theo quy luật, khi đến tháng 7 âm lịch, lượng tiêu thụ thịt lợn giảm từ 25%-30% nên các công ty không giảm giá sẽ phải ôm hàng" – một thương lái dự báo.

Bao giờ nguồn cung trong nước ổn định?

Theo Cục Chăn nuôi, đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).

Giá lợn hơi vừa hạ, người nuôi ngay lập tức bị lỗ nặng - Ảnh 3.

Cán bộ ngành nông nghiệp kiểm tra và thúc đẩy tái đàn.

Có 12 địa phương đến nay đã tái đàn, tăng đàn đạt trên 100% như: Bình Phước đạt gần 165%; tiếp đến là Bình Định, Kon Tum, Đắk Nông, Quảng Ngãi; Ninh Thuận, Yên Bái, Hòa Bình, Tây Ninh, Sơn La, Lâm Đồng, Khánh Hòa.

Trong khi đó, có 22 tỉnh địa phương tỷ lệ tái đàn trung bình còn dưới 70%, như: Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nội, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Đến nay, tại 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn như CP, CJ, Japfa, Emivest, Dabaco, Hoà Phát, Mavin… tổng đàn lợn thịt đến tháng 7/2020 đạt trên 4,88 triệu con, tăng so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu phi gần 53% và tăng 46,8% so với đầu năm nay.

Theo kế hoạch của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, đến hết Quý III đạt 5,17 triệu con và quý IV đạt 5,36 triệu co, tăng 68% so với thời điểm đầu năm nay.

Về nguồn cung con giống phục vụ tái, tăng đàn, Cục Chăn nuôi cho biết, đến tháng 7/2020, tổng đàn nái cả nước đạt trên 2,93 triệu con, tăng hơn 7,7% so với 01/01/2020, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý II/2020 (trong đó có 115 nghìn con lợn giống cụ kỵ và ông bà).

Tuy nhiên, theo tính toán, dù đàn nái như vậy nhưng từ tháng 10/2019 các cơ sở mới bắt đầu phối giống sau đó mới tái đàn, nên đến cuối Quý III đầu Quý IV mới cơ bản đủ con giống cho sản xuất.

Trong khi đó, thời gian qua, các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài, nên hiện giá lợn rất cao 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con.

Với mức giá trên, nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71 nghìn đồng/kg lợn hơi; nếu nuôi khép kín từ khâu đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50 nghìn đồng/kg lợn hơi.

Cục Chăn nuôi cũng cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát, không dám tái đàn.

Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương. Một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh cho người dân, nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất.

Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi và chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất, tăng đàn.

Thanh Tâm/kinhtenongthon
Cùng chuyên mục