Giá giảm sâu nhất 10 năm qua, ngành cà phê lâm cảnh bi đát

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 25/10/2019 13:15 PM (GMT+7)
Người trồng cà phê Việt Nam bước vào niên vụ cà phê mới 2019/2020 với tâm lý không lạc quan do giá cà phê liên tục ở mức thấp, nhiều nơi trì hoãn việc tái canh diện tích cây già cỗi. Trong bối cảnh giá cà phê thấp, việc chuyển mình sang chế biến cà phê, tăng giá trị cho sản phẩm là một đòi hỏi bức thiết của ngành cà phê hiện nay.
Bình luận 0

Giá thấp nhất trong 10 năm qua

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 9/2019 đạt 92.300 tấn, trị giá 168,67 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 14,4% về trị giá so với tháng 8/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,265 triệu tấn, trị giá 2,173 tỷ USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 20,9% về trị giá so với 9 tháng năm 2018.

Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê 9 tháng năm 2019 đạt mức 1.718USD/tấn, giảm 9,6% so với 9 tháng đầu năm 2018.

img

Giá cà phê giảm sâu khiến nông dân không đầu tư tái canh nhiều diện tích cà phê già cỗi.  Ảnh: P.V

Nhiều doanh nghiệp thành viên Vicofa cũng thừa nhận, ngành chế biến, xuất khẩu cà phê đang trong cơn bĩ cực khi giá cà phê xuống thấp nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ khoảng 1.200USD/tấn, rủi kho quá cao, hiệu quả thấp, trong khi nguồn vốn vay ngân hàng không ổn định.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) đánh giá, hiện giá cà phê đang thấp nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ khoảng 1.200USD/tấn. Giá cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu đã xuống dưới mức 30.000 đồng/kg.

Người nông dân và người lao động trồng cà phê gặp nhiều khó khăn, hạn chế đầu tư cho vụ mùa mới. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê đều gặp khó, nhiều doanh nghiệp thấy rủi ro cao, hiệu quả thấp nên giảm sản lượng xuất khẩu.

Điều này có thể thấy rất rõ khi tháng 9/2019, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường giảm so với cùng kỳ năm 2018. Đơn cử như thị trường Đức, 9 tháng năm 2019, xuất khẩu cà phê sang thị trường này đạt 185.200 tấn, trị giá 289,28 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và giảm 16% về trị giá so với 9 tháng đầu năm 2018. Xuất khẩu cà phê sang Mỹ giảm 20,7% về lượng và giảm 29,7% về trị giá, đạt 111.200 tấn, trị giá 111,27 triệu USD.

Tại Ấn Độ, Việt Nam đang là nguồn cung cà phê lớn nhất cho thị trường này trong 8 tháng năm 2019, đạt 30.570 tấn, trị giá 44,1 triệu USD, giảm 26,1% về lượng và giảm 35,7% về trị giá so với 8 tháng năm 2018. Thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ giảm từ 70,5% trong 8 tháng năm 2018, xuống 57,4% trong 8 tháng năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp thành viên Vicofa cũng thừa nhận, ngành chế biến, xuất khẩu cà phê đang trong cơn bĩ cực khi giá cà phê xuống thấp nhất trong hơn 10 năm qua, rủi kho quá cao, hiệu quả thấp, trong khi nguồn vốn vay ngân hàng không ổn định.

Đẩy mạnh chế biến sâu

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam dự báo tăng 0,3%, lên 29,1 triệu bao (loại 60kg) trong niên vụ 2019/2020, tăng 10% so với 5 năm trước. Sản lượng cà phê của Brazil, Ấn Độ cũng tăng nên dự báo trong thời gian tới, giá cà phê sẽ chưa thể phục hồi.

Đứng trước tình hình giá cà phê đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, gây khó khăn cho nông dân và rủi ro cao cho các doanh nghiệp, Vicofa vừa có cuộc họp khẩn Câu lạc bộ xuất khẩu cà phê Việt Nam bàn về vấn đề này.

Tại cuộc họp, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch Câu lạc bộ xuất khẩu cà phê Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cân nhắc tính toán thận trọng trong kinh doanh. Hạn chế bán trừ lùi xa, tăng cường mua bán ngay, chốt giá trước khi giao hàng.

Các nước châu Âu nhập cà phê và hàng nông sản Việt Nam cảnh báo và chuẩn bị cấm các sản phẩm nông sản có dư lượng hoạt chất Glyphosate (trong thuốc trừ cỏ) ở mức cao hơn giới hạn cho phép ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe con người. Vicofa đánh giá cao Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV ngày 10/4/2019 của Bộ NNPTNT về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate (hoạt chất chính trong các thuốc diệt cỏ) ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Với sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng và các địa phương, người nông dân trồng cà phê đã hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate.

Theo ông Đỗ Hà Nam, trong lúc giá xuống thấp, tránh việc bán ồ ạt cà phê thấp hơn giá thành. “Trong thời điểm khó khăn này, Chính phủ và ngân hàng cần tạo điều kiện giãn nợ cho người nông dân ở vụ cũ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn (lãi suất thấp) tối đa trong 6 tháng để tạm trữ cà phê trong thời gian đầu vụ thu hoạch rộ tháng 12/2019” - ông Nam nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài, để nâng cao giá trị cho cà phê Việt, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để chế biến sâu. Có một tín hiệu đáng mừng là, hiện nay, lĩnh vực chế biến cà phê đang ngày càng phát triển. Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê phế giới (ICO), lượng cà phê rang xay xuất khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu niên vụ 2018/2019 giảm gần 20%, xuống 116.407 bao, tuy nhiên, lượng cà phê hòa tan xuất khẩu tăng mạnh tới 48%, lên hơn 1 triệu bao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem