Giá cà phê lập đỉnh, nông dân Đắk Lắk có cái Tết ấm

An Nhiên Thứ hai, ngày 15/01/2024 10:30 AM (GMT+7)
Vụ thu hoạch cà phê kết thúc cũng là lúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 gõ cửa. Năm nay, người trồng cà phê ở Đắk Lắk đã trọn niềm vui khi giá cà phê ở mức kỷ lục, giúp bà con có một cái Tết ấm no.
Bình luận 0

Sau khi thu hoạch cà phê, anh Nguyễn Văn Long (xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) tập trung cắt tỉa cành, tạo tán giúp cây nhanh phục hồi và phát triển cành thứ cấp, phân hóa mầm hoa, chuẩn bị cho vụ mùa sau. 

Giá cà phê lập đỉnh, nông dân Đắk Lắk có cái Tết ấm- Ảnh 1.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê.

Nhà anh Long có hơn 1ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh. Vụ cà phê vừa qua, anh thu hoạch gần 4 tấn cà phê. Với giá bán 69.000 đồng/kg (mức giá cao nhất từ trước đến nay), anh Long thu về hơn 270 triệu đồng. Trừ chi phí nhân công, phân bón… anh Long vẫn còn lời 2/3. Với anh, như vậy là mừng lắm rồi, bởi trong vườn, ngoài cà phê, anh còn xen 1 ít sầu riêng, bơ.

Anh Long nói thêm, đất đai, khí hậu tại địa phương rất phù hợp với cây cà phê. Do đó, khi cà phê bị mất mùa, rớt giá, anh Long cũng không chặt bỏ mà tiến hành xen canh một số loại cây khác như bơ, sầu riêng…, vừa để che nắng, vừa tăng thêm thu nhập. Theo thời gian, cây cà phê đã khẳng định được vị thế là cây chủ lực trên địa bàn tỉnh, có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập cho người nông dân.

Giá cà phê lập đỉnh, nông dân Đắk Lắk có cái Tết ấm- Ảnh 2.

Cà phê khẳng định được vị thế là cây chủ lực của tỉnh Đắk Lắk.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Tươi (xã Đray Sap, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) cũng phấn khởi khi năm nay giá cà phê tăng cao. Gia đình bà Tươi có 1,5ha cà phê cho thu ổn đình hơn 10 năm nay. Những năm trước, giá cà phê ở mức thấp (35-40 nghìn đồng/kg) khiến gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Bởi chi phí đầu tư phân bón cho vườn cà phê khá cao, chưa kể công chăm sóc thu hái. Khi giá thấp, nông dân chỉ đủ trả tiền đầu tư chứ không có lãi, hoặc lãi không bao nhiêu. Trong khi nguồn sống của người trồng cà phê chỉ trông chờ vào vụ thu hoạch vào cuối năm. Năm 2023, giá cà phê tăng cao nên gia đình bà Tươi có thêm một khoản tiền khá lớn để trang trải sinh hoạt cũng như sắm sửa cho một cái Tết ấm no.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Đắk Lắk, địa phương được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước, chiếm 32% diện tích của cả nước. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh, là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh, cà phê ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

Giá cà phê lập đỉnh, nông dân Đắk Lắk có cái Tết ấm- Ảnh 3.

Tổng sản lượng cà phê năm 2023 của Đắk Lắk ước đạt 564.093 tấn.

Diện tích cà phê của tỉnh năm 2023 ước đạt 205.896 ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 564.093 tấn. Tỷ lệ cà phê có chứng nhận tăng, theo thống kê của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cả tỉnh khoảng 66.000 ha chiếm khoảng 31% diện tích cà phê của tỉnh được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế (4C, UTZ, RA, FLO và Rainforets). 

Ngoài ra tỉnh đang phối hợp với IDH, JDE, Simexco và các đơn vị liên quan mở rộng dự án "Vùng nguyên liêu quy mô lớn có xác nhận" từ huyện Krông Năng sang hai huyện Cư M'gar và Ea H'leo là những huyện có diện tích lớn nhất tỉnh.

Tổng sản lượng cà phê năm 2023 của Đắk Lắk ước đạt 564.093 tấn. Niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê của tỉnh này đạt 747 triệu USD, chiếm 18,3% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện cà phê Đắk Lắk xuất khẩu đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem