Bà Nguyễn Thị Hà- Bí thư Huyện ủy Gia Bình (Bắc Ninh): Gia Bình hướng đến huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Lê Hân - Khương Lực (thực hiện) Thứ sáu, ngày 28/08/2020 16:23 PM (GMT+7)
Là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2018), huyện Gia Bình đã đặt ra mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo, đó là xây dựng tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao để sớm đưa Gia Bình thành huyện NTM kiểu mẫu.
Bình luận 0

Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt  đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hà - Bí thư Huyện ủy Gia Bình về những mục tiêu của huyện trong xây dựng NTM. Bà Hà cho biết: Đối với Chương trình xây dựng NTM đến 2025, Gia Bình đặt mục tiêu 100% các xã được công nhận lại, huyện được công nhận lại đạt chuẩn NTM theo đúng quy định; trong đó phấn đấu có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Bà Nguyễn Thị Hà- Bí thư Huyện ủy Gia Bình (Bắc Ninh): Gia Bình hướng đến huyện nông thôn mới kiểu mẫu - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hà- Bí thư Huyện ủy Gia Bình. Ảnh: Nguyễn Chương

Cơ sở nào để Gia Bình đặt ra và quyết tâm đạt mục tiêu trên, thưa bà?

- Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá nhằm tăng nhanh năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại gắn với các vùng thâm canh thuỷ sản. Đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại để hình thành các vùng chuyên canh rau, vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng chăn nuôi tập trung.

Mục tiêu của Gia Bình đến 2025:

* 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí

* 7/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (3/13 xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu).

* Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm từ 25 - 30%

* Giá trị trên 1ha đất canh tác đạt trên 180 triệu đồng/năm.

Vừa qua, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 08 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đến hết năm chuyển đổi khoảng 540ha diện tích đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác, các cây màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.

Chúng tôi cũng tập trung huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện theo hướng hiện đại, đảm bảo phù hợp với tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"; Duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2025: 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, có 7/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 3/13 xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu.

Gia Bình hướng đến huyện NTM kiểu mẫu - Ảnh 2.

Nông dân Nguyễn Văn Linh ở xã Cao Đức (đang sở hữu 40ha đất canh tác cà rốt, dưa) là một nông dân điển hình của huyện Gia Bình. Ảnh: Nguyễn Chương

img

"Khi hội viên, nông dân tích tụ được diện tích lớn họ đã đầu tư trang thiết bị máy móc, cải tiến thiết bị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sản xuất. Đồng thời, xây dựng mối liên kết giữa các hộ sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm...".

Bà Nguyễn Thị Hà

Là một trong số ít những huyện của tỉnh Bắc Ninh có lợi thế phát triển về nông nghiệp, thủy sản, lại có lợi thế giáp thủ đô Hà Nội, nên có thuận lợi về việc tiêu thụ nông sản. Gia Bình sẽ phát huy lợi thế này như thế nào?

- Gia Bình có nhiều lợi thế như: Đất đai màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng; cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp được chú trọng đầu tư; trình độ sản xuất, thâm canh của người dân khá cao; nằm gần các thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Xác định được thế mạnh này, huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ cao (CNC), tích tụ ruộng đất, xây dựng liên kết chuỗi hộ gia đình, trang trại nông - công nghiệp.

Trong thời gian tới, Gia Bình sẽ thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo Nghị quyết 08 của Ban chấp hành Huyện ủy để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Mục tiêu của Gia Bình trong những năm tới là nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2025 chiếm từ 25 - 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả huyện,

Phấn đấu đến năm 2025 giá trị trên 1ha đất canh tác đạt trên 180 triệu đồng/năm. Ðồng thời, hình thành và phát triển các vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC trên địa bàn các xã, thị trấn với tổng diện tích khoảng vài trăm ha.

Gia Bình nhiều năm qua tạo được dấu ấn về việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững; cùng với đó là xây dựng người nông dân điển hình tiên tiến trong thời đại mới. Xin bà cho biết, những kinh nghiệm của Gia Bình về xây dựng người nông dân điển hình, tiên tiến?

- Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được quy hoạch thành 3 vùng: Đất trồng lúa hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; đất trồng cây rau màu các loại trên vùng đất bãi ven sông Đuống và Đất vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang làm trang trại tổng hợp và nuôi trồng thủy sản.

Trong 5 năm qua đã xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất tiêu biểu như hộ anh Lưu Văn Kim tích tụ trên 30ha, hộ anh Trần Văn Hiển tích tụ trên 10ha tại xã Bình Dương; hộ anh Hoàng Đắc Lâm ở thị trấn Gia Bình tích tụ được trên 10ha...

Vùng đất bãi ven sông Đuống có trên 100ha đã được quy hoạch hệ thống giao thông, tưới tiêu, cho giá trị kinh tế đến hàng trăm triệu đồng/ha và sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; tiêu biểu như hộ ông: Nguyễn Văn Linh (xã Cao Đức) có trên 40ha đất chuyên trồng cà rốt, củ cải đường... xuất khẩu.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình nông nghiệp tiêu biểu, chúng tôi cũng tập trung vào xây dựng chân dung "người nông dân tiêu biểu, điển hình". Hội Nông dân huyện có nhiều nhân tố tích cực trong sản xuất và giúp nhau làm giàu chính đáng được các cấp công nhận là nông dân điển hình tiên tiến các cấp; đặc biệt trong những năm qua đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn "Người nông dân xuất sắc" như: Ông Nguyễn Xuân Thu (ở xã Quỳnh Phú); ông Nguyễn Chí Hải (ở xã Vạn Ninh); ông Nguyễn Văn Linh (ở xã Cao Đức) và mới nhất là ông Nguyễn Kim Hùng (ở Nhân Thắng).

Muốn sản xuất hàng hóa lớn phải có diện tích đất tập trung, quy mô lớn. Song trên thực tế, ở Gia Bình và các địa phương khác hiện nay, diện tích đất đai vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Từ kinh nghiệm của Gia Bình, theo bà cần giải quyết vấn đề này ra sao?

- Để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, vấn đề cấp thiết đặt ra đó là tích tụ ruộng đất. Huyện ủy đã chỉ đạo các đoàn thể chính trị, đặc biệt là Hội Nông dân các cấp tuyên truyền vận động hội viên, nông dân hiểu và thấy lợi ích đem lại từ việc tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Cái được lớn nhất trong 5 năm thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ sinh học của huyện chính là đã tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến tư duy của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, huyện đã xây dựng các vùng sản xuất rau công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng; xây dựng được thương hiệu cà rốt Gia Bình. Bên cạnh thương hiệu cà rốt được chỉ dẫn địa lý, huyện có 8 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đủ tiêu chuẩn theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như: Rượu thượng hạng Kinh Bắc của HTX nông nghiệp sạch Việt Nam, xã Quỳnh Phú; tỏi ngâm dấm, tỏi đen 1 nhánh của Công ty TNHH Nano Care R&D, xã Xuân Lai; cao dầu gội hà thủ ô Việt Kết, tinh dầu hương thảo Việt Kết, xã Thái Bảo...

Những năm gần đây, đột phá lớn nhất trong nông nghiệp Gia Bình là đưa công nghệ sinh học (phân bón sinh học) vào sản xuất, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… và giúp nâng cao về chất lượng, sản lượng đáp ứng được tiêu chuẩn trong hội nhập. Hiện nay hội viên, nông dân đã tự phân loại rác thải gia đình để làm phân bón vi sinh.

Xin cảm ơn bà!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem