Những ngày giáp Tết Tân Sửu, tại trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội có rất đông phụ huynh tới chúc mừng và hỏi thăm sức khỏe của thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng trường Đinh Tiên Hoàng.

Trong câu chuyện với vị thầy giáo gần 80 tuổi, các bố mẹ hào hứng kể con mình đã thay đổi ra sao.

img

Dù con của chị H. đã tốt nghiệp được gần chục năm nay nhưng chị vẫn không thể quên những ngày đầu con trai bước vào trường Đinh Tiên Hoàng.

“Làm cha làm mẹ có đứa con không ngoan thật là đau khổ. Ở trường THPT dân lập ở Hà Nội con trai tôi thường trốn học, có biểu hiện bất cần, không nghe lời, lười học, tiếp xúc giao du với các bạn bỏ học. Quá xấu hổ, quá thất vọng vì bao nhiêu lần thầy cô phàn nàn về con, tôi đã có ý định cho cháu ở nhà song tôi vẫn nghĩ, chẳng lẽ nó là một đứa bỏ đi hay sao? Khi đó, cháu luôn bất cần, chơi bời, lêu lổng, thậm chí cái gì trong nhà bán được lấy tiền là cháu bán để chơi cờ bạc. Có lúc, cháu còn bỏ nhà đi hoang. Tôi đã khóc hết nước mắt, gia đình xảy ra xung đột khủng khiếp vì cháu. Nhưng thật may tôi đã được thầy Tùng Lâm tiếp nhận vào trường Đinh Tiên Hoàng. Tại đây, cháu đã được các thầy cô cảm hóa. Sau một thời gian kiên trì theo dõi giáo dục và kết hợp với gia đình thầy đã khơi dậy niềm tin cho tôi. Thầy cô đã độ lượng, dạy dỗ, tâm sự và chia sẻ với cháu về nỗi vất vả của cha mẹ. Cuối cùng, cháu đã nhận ra giá trị của cuộc sống. Cháu cố gắng học tập, đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học, ra trường và thành công”.

img

Vui vẻ chia sẻ về những chuyển biến của con khi được giáo dục tại trường cách đây 8 năm, chị M kể: Tôi đau đầu, căng thẳng trong việc dạy con. Nhắc cháu học bài, cháu luôn lần lữa hoặc đã làm rồi. Kết quả, đến lớp vẫn thiếu bài. Ở trường luôn bị thầy cô phê bình, thiếu tập trung và mất trật tự trong lớp. Tôi đã chuyện trò với cháu, hết cương lại nhu nhưng đâu vẫn đấy. Mới đầu vào trường, cháu thường xuyên mất trật tự trong lớp, thiếu bài tập, thiếu sách vở. Cuối năm lớp 10, thậm chí cháu còn bị đình chỉ học. Thời gian đó, tôi định cho cháu nghỉ 1 năm để cháu suy nghĩ lại. Tuy nhiên, sau khi nói chuyên với thầy Tùng Lâm, tôi đã có ý định thay đổi. Các thầy cô đã trò chuyện và chỉ ra cho cháu hướng đi trong tương lai, như thế nào là tốt, là không tốt. Các thầy cô đã nói lên sự vất vả của cha mẹ khi nuôi đàn con khôn lớn và trưởng thành như thế nào. Quả nhiên, sang học kỳ 2 cháu đã có những tiến bộ rõ rệt. Cháu có trách nhiệm trong học tập, yêu thương bố mẹ, gia đình. Kết quả, cháu đã đỗ đại học, tốt nghiệp ra trường và làm việc tại một công ty lớn. Tôi muốn giãy bày và chia sẻ về suy nghĩ của mình và mong những ông bố bà mẹ có con “ngỗ ngược” hiểu và tìm gặp thầy Lâm để cùng tháo gỡ, giúp con nên người”.

img

Chia sẻ với phóng viên về những học sinh ngỗ ngược đã được cảm hóa, thầy Nguyễn Tùng Lâm nở nụ cười: “Học sinh thay đổi tích cực là điều tôi hạnh phúc nhất. Khi vào trường, tôi muốn các em được hạnh phúc chứ không phải học vì thành tích”.

Với quan niệm ai cũng có tiềm năng riêng, có cá tính riêng, TS Nguyễn Tùng Lâm đã khiến cho những học sinh “ngỗ ngược” ngày nào trở thành những học sinh tốt, những con người có ích cho xã hội.

img

“Học sinh của tôi có thể là giáo sư, tiến sĩ nhưng cũng có thể là người lái taxi nhưng thầy luôn tự hào khi thấy học trò làm người tử tế. Cuộc sống mưu sinh khiến người ta không dễ tử tế, nhưng với những giá trị học được ở trường về đạo đức làm người, các em đã làm người tử tế.”, thầy Nguyễn Tùng Lâm nói.

Tiếp câu chuyện, vị thầy giáo với mái tóc bạc phơ tự hào kể về một cựu học sinh từng là du học sinh và hiện đang định cư tại Mỹ. Học sinh này đã được thầy cô của trường cảm hóa. Sau khi đi du học, em này đã gửi thư về để cảm ơn thầy cô.

“Thời gian trôi nhanh thật, mới vậy mà đã 5 năm rồi. Chắc thầy cô vẫn còn thắc mắc về sự thay đổi từ một cô học sinh nghịch ngợm trở nên ham học và cuối cùng tốt nghiệp với tấm bằng Giỏi. Con xin dành mấy dòng ngày gửi ngắm với hi vọng nhắc nhở một số ít các em học sinh đã và đang ở trường hợp của con ngày đó.

Con vẫn nhớ giây phút khi con được nhận vào trường. Sau nỗi thất vọng chán chường vì điểm thi tốt nghiệp quá thấp của con, được nhận vào trường như vớ được cái phao giữa biển rộng. Ở tuổi ấy, nếu không được đi học thì chỉ có ở nhà hoặc đi làm và như thế thật long con nghĩ sẽ chẳng có hi vọng gì cho tương lai cả.

Nhưng đi đến đâu, bạn bè và người thân cũng nhíu mày nói: Đó là cái trường ăn chơi, đánh nhau, học dốt, mất dạy. Từ đó con bỏ bê học hành, đua đòi quần áo, xe máy, đánh nhau và tụ tập với các bạn hư. Bị bố mẹ cấm đoán, con càng muốn làm vì thế con đã trốn bạn đi chơi. Con đã mất lòng tin của bố mẹ, mất cơ hội học hành, mất tiền, mất sức vì những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Bị bạn bỏ rơi trong nhà trọ khi trong người hết sạch tiền cùng với số tiền nợ vài triệu đồng. Đến nửa đêm con ngậm ngùi gọi điện thoại về nhà và mẹ con đã đi từ đầu thành phố đến cuối thành phố để đón con. Không hề quát mắng, mẹ con lặng lẽ vào trả tiền; Nhìn gương mặt gầy gò vì lo lắng đi kiếm con mấy ngày trời, mẹ chỉ hỏi: “Có đói không con, đi ăn phở nhé!”.

img

Lúc đó, trong lòng đau nhói con nhận ra rằng: Con đã sai, con sai rất nhiều. Cùng thời gian đó, thầy hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm đã mở thêm các tiết học giá trị cuộc sống. Sau những câu chuyện thầy dạy dỗ, con đều lặng người ngẫm nghĩ. Con nhớ nhất về câu chuyện “cái đinh”. Thầy đã dùng những tiết giá trị sống để dạy con cách làm người. Từ đó con hiểu, nếu sống mà không biết được giá trị thì suốt đời sẽ đặt dấu hỏi, sống để làm gì. Với con, thành công nhất là học cách làm người.

Con thật sự may mắn vì được học ở trường, dưới sự dạy dỗ của các thầy cô khiến con trở nên năng động, biết lắng nghe cuộc sống xung quanh con. Được may mắn đi học Mỹ, con vẫn thấy mình thật tự hào vì là học sinh của trường, được học những tiết giá trị sống.

Con hi vọng các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy trưởng thành và nhận ra giá trị sống. Điều đó sẽ có lợi nếu các em thật sự hiểu và ngẫm về bản thân mình”, bức thư được thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ với phóng viên.

img

Một cựu học sinh khác, năm lớp 11 vì ham muốn ăn chơi đã bán chiếc xe máy mà người mẹ bán nước một mình nuôi cậu mãi mới dành dụm có được. Khi hai mẹ con đến gặp thầy Lâm, thầy hỏi học sinh hai điều: Em sống được vì ai và mẹ em sống được là vì ai?

Khi cậu học trò im lặng trước câu hỏi thứ hai, ông Lâm phân tích: Mẹ em sống được là vì em đó. Nếu em thay đổi, trở thành người tốt, mẹ mới sống lâu được. Nếu em lêu lổng, mẹ sẽ phải cả đời khổ sở bán nước nuôi thân. Sau một ngày được về nhà suy nghĩ, học sinh đó trở lại trường với nửa ngón tay út bị chặt đứt. Cậu tự chặt ngón tay để thể hiện quyết tâm thay đổi. Sau này, cậu học đỗ hai đại học, sang Úc học thạc sĩ và trở thành giám đốc một công ty lớn.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng tự hào kể về trường hợp một cựu học sinh vốn có tính cách nhút nhát, rất sợ đám đông nhưng sau khi được thầy nói chuyện động viên, khích lệ, nam học sinh này đã tham gia cuộc thi học sinh thanh lịch với các phần thi: Hát, nhảy, thời trang, ứng xử và đạt giải Nhất. Giờ em đã trở thành sinh viên Khoa Ngôn ngữ Ý – Đại học Hà Nội, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới, học đúng ngành mà mình yêu thích, được khám phá bản thân, khám phá thế giới.

img

Trước lo lắng về chất lượng giáo dục đạo đức của học sinh, cách đây 30 năm, TS.Nguyễn Tùng Lâm khi đó là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đã đề xuất mở trường nhận những học sinh bị đuổi về dạy lại, để giải quyết vấn đề bức xúc cho giáo dục Thủ đô. Hơn 2 tháng sau, THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng có quyết định thành lập.

Với quan niệm, nhiệm vụ của giáo dục là dạy tất cả học sinh có nhu cầu, trường THPT Đinh Tiên Hoàng hoạt động theo mô hình không chọn lọc đầu vào. Các học sinh dù học lực-hạnh kiểm yếu kém, vướng tệ nạn xã hội, cá tính khác biệt… bị các trường khác từ chối, đều được trường Đinh Tiên Hoàng tiếp nhận.

Số học sinh mà nhà giáo Tùng Lâm gọi là “khó khăn trong học tập, rèn luyện đạo đức” này, chiếm 20-30% tổng số học sinh của trường.

Với cái nhìn và cách làm nhân nghĩa, sự tôn trọng học sinh, cộng thêm yếu tố giáo viên giỏi, thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm đã xây dựng cho trường đội ngũ giáo viên chủ nhiệm giàu tâm huyết, có năng lực nghề nghiệp, trả lương cao, trao quyền tự chủ sáng tạo phương pháp giảng dạy. Bản thân ông sau khi lập trường cũng đi học lên thạc sĩ, tiến sĩ, để nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu thêm những phương pháp giáo dục hiệu quả.

img

Không chọn lọc đầu vào nhưng THPT Đinh Tiên Hoàng cam kết đầu ra là những học trò biết tự học tự rèn, có phẩm chất tốt, năng lực đạt mục tiêu cấp học và được gia đình – xã hội tin tưởng, sử dụng. Bởi thế, giáo dục kỹ năng sống trở thành nội dung được đề cao trong trường.

Trong năm mới, thầy Nguyễn Tùng Lâm mong muốn các trò hãy ghi nhớ mãi điều này trong cuộc sống, nó trở thành lẽ sống mỗi người và không thể thiếu được của mỗi trò như bao bài học về giá trị sống cũng như 5 “tự” của Đinh Tiên Hoàng.

Đó là phải luôn “Tự học sáng tạo” để trưởng thành, không phải học vì bằng cấp mà phải học vì cuộc sống mỗi người. Học hỏi để giúp chúng ta tốt đẹp hơn, sống có ích hơn; “Sống tự chủ”: Sống phải có mục đích, có ước mơ và quan trọng phải có đủ quyết tâm, có đủ sự sáng suốt biến ước mơ, khát vọng thành hiện thực cuộc sống. Muốn vậy, mỗi trò phải biết Sống tự tin vào bản thân, vào khả năng vào ý chí của mỗi người. Trong cuộc sống bao giờ cũng có những khó khan, những thử thách, nếu các trò không biết tự tin vào sức lực và quyết tâm của mỗi người khi vấp ngã chúng ta sẽ không đứng dậy được. Để có thể tự tin thành công trong cuộc sống chúng ta phải biết sống Tự trọng. Chỉ có tự trọng mới biết quý giá bản thân, mới có long tự trọng để biết tôn trọng người khác. Điều cuối cùng thầy muốn các trò ghi nhớ đó là phải sống có trách nhiệm với bản thân, mọi người, với mọi công việc mình nhận làm”.

 

Bài viết: Diệu Thu

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem