Một ngày lên sàn thương mại điện tử, gần 1 tấn mận hậu Sơn La được tiêu thụ

30/05/2021 07:22 GMT+7
Chỉ sau 1 ngày được mở bán trên sàn thương mại điện tử Shopee, đã có gần 1 tấn mận hậu và xoài tròn của Sơn La được tiêu thụ.

Thông tin trên được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) vừa cho biết. Các sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử Shopee và các sàn khác đều được Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.

Trước đó, ngày 28/5, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Sơn La đã tổ chức 2 sự kiện xúc tiến tiêu thụ sản phẩm: "Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ nhãn, xoài Sơn La năm 2021" và Hội nghị "Bàn giao sản phẩm xoài Sơn La theo thỏa thuận tiêu thụ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử năm 2021".

Gần 1 tấn mận hậu Sơn La đã được bán trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Gian hàng của nông sản Sơn La trên sàn TMĐT Shopee. (Nguồn: Cục XTTM)

Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh Sơn La, Cục XTTM, sàn thương mại điện tử Shopee, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn thương mại điện tử Postmart) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn thương mại điện tử.

Cũng trong ngày 28/5, mận hậu và xoài tròn Yên Châu của Sơn La cũng chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee và được phân phối tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục XTTM hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.

Sàn TMĐT Shopee cũng thống nhất phối hợp với Cục XTTM từng bước đào tạo và tư vấn cho các hộ kinh doanh, các HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương có sản phẩm tiềm năng về các kỹ năng mở gian hàng, quản lý, vận hành và triển khai các hoạt động xây dựng hình ảnh và quảng bá sản phẩm thành công trên sàn TMĐT này.

Trong thời gian qua, việc đổi mới phương thức XTTM đã được Cục XTTM nhanh chóng nắm bắt và tổ chức thực hiện. Các hoạt động mà Cục XTTM triển khai trong thời gian qua tập trung lớn vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực về các phương thức bán hàng và xúc tiến thương mại trong thời kỳ số; phổ biến, hướng dẫn và trực tiếp triển khai các hoạt động thực tế trên cơ sở phối hợp với các cơ quan trong nước và quốc tế.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết, việc đưa các sản phẩm địa phương lên sàn TMĐT còn gặp nhiều thách thức như năng lực về thương mại điện tử của các HTX, bà con nông dân còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin còn thiếu, đặc biệt những kỹ năng về tư vấn, chăm sóc khách hàng hay đánh giá xu hướng tiêu dùng, thị hiếu thị trường vẫn còn khá xa lạ với các HTX.

"Trong thời gian tới, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BC ngày 25/5/ 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên 'về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp', Cục XTTM sẽ đẩy mạnh hợp tác với các sàn TMĐT để vừa kết hợp nâng cao năng lực chuyên môn vừa từng bước hỗ trợ tiêu thụ hiệu qủa cho các địa phương thông qua kênh này", ông Phú nhấn mạnh.

Được biết, Cục XTTM đã thiết lập Gian hàng "Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại" trên các sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm tiềm năng của các tỉnh thành trên toàn quốc.

Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, để đảm bảo việc quản lý chất lượng và thông tin sản phẩm được minh bạch, Cục XTTM đang từng bước hướng dẫn doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.

Cục XTTM phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, từng bước hướng dẫn bà con nhập liệu vào nhật ký canh tác. Mã QR được gắn ở cổng vào, định kỳ chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phun trừ sâu đều được các HTX và các hộ canh tác nhập liệu, phục vụ cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm.


PV
Cùng chuyên mục