dd/mm/yyyy

Gà, vịt liên tục mất giá, người nuôi không có lỗi mà vì lý do này?

Giá gà xuống thấp do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do nhiều người dân ồ ạt chuyển sang nuôi gà khiến nguồn cung tăng mạnh. Trong khi đó, gà nhập khẩu về Việt Nam với giá rất rẻ, số lượng lớn lại càng khiến gà trong nước không thể cạnh tranh nổi.

Giá gà nhập khẩu giá rẻ đang giết chết ngành chăn nuôi gà trong nước

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, giá gà nhập khẩu quá rẻ đang giết chết ngành chăn nuôi gà trong nước. Có thể trong chăn nuôi heo, giá thành tại Việt Nam còn cao hơn nhiều so với các quốc gia tiên tiến, nhưng gà công nghiệp giá thành tại Việt Nam đã cạnh tranh được với họ. 

Các nước xuất khẩu có lợi thế về vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhưng lại tốn chi phí vận chuyển, lưu kho nên giá thành không thể thấp đến mức chỉ có 15.000 - 16.000 đồng/kg về đến cảng Việt Nam như vậy được.

Ông Ngọc khẳng định, hiệp hội đã đề xuất nhiều lần việc kiểm soát nguồn gốc thịt gà, thời hạn sử dụng và việc sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi nhưng chưa được giải quyết và cho rằng người nuôi gà Việt Nam đang phải cạnh tranh không lành mạnh với các nước nhập khẩu.

Theo các chuyên gia chăn nuôi, cả năm 2020 ngành nuôi gà của Việt Nam thua lỗ nặng nề, ngoài bị ảnh hưởng bởi gà nhập khẩu giá rẻ còn do nguồn cung trong nước vượt nhu cầu. Có hai nguyên nhân dẫn đến mất cung cầu trong nước là sức tiêu thụ giảm do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng quan trọng nhất là các công ty tăng đàn quá nhanh.

Ông Ngọc cho rằng: Ngành gà của Việt Nam không có chiến lược hay kiểm soát cụ thể dẫn tới bất ổn lúc thừa rất nhiều, giá gà rẻ như rau nhưng cũng có thời điểm thiếu hụt phải nhập khẩu rất nhiều. Chính vì vậy, Chính phủ hay Bộ NNPTNT rất khó ban hành các chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi gà.

Theo Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT), giá gà công nghiêp trắng có thời điểm trong tháng 3-4/2020 chỉ dao động từ 22.000-24.000 đồng/kg, đến khoảng tháng 6-7/2020 tăng lên mức 33.000-36.000 đồng/kg sau đó theo xu hướng giảm. Cuối năm 2020, giá bình quân cả nước đang dao động 25.000-31.000 đồng/kg; giá gà thịt lông màu cũng biến động theo thị trường, bình quân dao động trong khoảng 30.000-40.000 đồng/kg.

Theo một số người kinh doanh, gà thải loại nhập khẩu mang lại lợi nhuận gấp 3-4 lần nên được nhập về ồ ạt. Trong khi đó, người chăn nuôi trong nước đang ngày càng khó khăn vì thua lỗ, cạn vốn và chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước lẫn nước ngoài.

Hiến kế giúp ngành chăn nuôi gia cầm vườn khó, ông Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo một doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Tây Nguyên cho hay: Việt Nam có thể tham khảo cách làm của Hà Lan, họ quy hoạch các vùng chăn nuôi với số lượng cụ thể đến từng trang trại cho từng năm nên sản lượng ổn định, rất dễ ban hành chính sách xuất nhập khẩu. 

"Ai muốn nuôi nhiều hơn phải đàm phán mua lại quota. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần phải có chính sách như vậy để ổn định nguồn cung trong nước, trên cơ sở đó Nhà nước mới có chính sách kiểm soát thịt nhập khẩu", ông Hùng nhấn mạnh. 

Hai Hiệp định thương mại tự do ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, khẳng định: Chưa bao giờ ngành chăn nuôi gia cầm lại gặp khó khăn và nhiều biến động như hiện nay. "Năm 2020, ngành gia cầm tăng trưởng khá, ước tính 18-20% nhưng giá thịt gà và một số thịt gia cầm khác lại rất thấp", ông cho biết

Theo ông Sơn, năm 2020 giá thịt gà xuống thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp cũng chuyển sang chăn nuôi gà khiến các nguồn cung trong nước tăng nhanh.

Bên cạnh đó, số lượng thịt gà nhập khẩu về Việt Nam đang ở mức cao, giá nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với giá bán trong nước, khiến nguồn cung thịt gà vượt tổng cầu. "Điều đó dẫn đến giá sản phẩm gia cầm trong năm 2020 luôn ở mức thấp, có thời điểm xuống dưới giá thành", ông đánh giá.

Hơn nữa, ông Sơn thông tin gà thải loại của Trung Quốc cũng ồ ạt tràn vào Việt Nam qua biên giới phía Bắc theo đường tiểu ngạch cũng tác động tới thị trường trong nước.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, ngành chăn nuôi gia cầm được đánh giá là bị tác động lớn nhất. Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập 13 Hiệp định thương mại, trong đó có 2 Hiệp định ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi là Hiệp định EVFTA và CPTPP.

"Theo đó, lộ trình thuế nhập khẩu thịt ga cầm sẽ càng ngày càng giảm dần và xuống 0% sau 7-10 năm nữa vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ gia cầm trong nước. Ngành chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu giá rẻ nhiều nhất", ông đánh giá.

Trước tình hình đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Việt Nam phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm thịt trong nước mới có cơ hội cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường giết mổ, chế biến và chế biến sâu để có thể thay thế những sản phẩm nhập khẩu.

"Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải có các hàng rào kỹ thuật để đưa ra các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi mà Việt Nam đã mở cánh cửa nhập khẩu, đồng nghĩa với không còn có hàng rào thuế quan thì việc tạo hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất gia cầm trong nước là điều rất cần thiết", ông Sơn nhấn mạnh.


Hải Đăng