Dùng lời lẽ thiếu “kiềm chế” với sinh viên, giảng viên có thể bị phạt tới 10 triệu đồng

Quốc Hải Thứ tư, ngày 22/09/2021 19:24 PM (GMT+7)
Liên tục xuất hiện các trường hợp giảng viên đuổi sinh viên khỏi lớp học online và có lời lẽ thiếu “kiềm chế” đã được lan truyền trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Theo luật sư, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính tới 10 triệu đồng…
Bình luận 0

Mới đây, mạng xã hội xôn xao với một clip ghi lại đoạn hội thoại trong giờ học online tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), trong đó giảng viên mắng sinh viên là "óc trâu" và có những lời lẽ lớn tiếng.

Do giảng viên "quá stress" vì dạy online (!?)

Cụ thể, clip trên được cho là xảy ra tại lớp học online thuộc bộ môn cơ điện tử (Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM). Trong clip này, giảng viên dường như không kiềm chế được cơn tức giận của mình khi sinh viên làm bài chưa đúng, nên đã lớn tiếng: "Như là cái óc trâu vậy, nói hoài rồi cũng không làm, tôi giải cho thằng này, thằng kia không nghe rồi cũng y chang. Một việc đơn giản nhất, các cái số đánh nó phải nằm trong hình chữ nhật, kêu hoài tại sao không làm? Tại sao không làm? Tại sao?".

Dùng lời lẽ thiếu “kiềm chế” với sinh viên, giảng viên có thể bị phạt tới 10 triệu đồng - Ảnh 1.

Yêu cầu vô lý của giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khiến dư luận bức xúc - Ảnh: Facebook

Xen giữa tiếng giảng viên là tiếng nam sinh viên: "Dạ, để em chỉnh lại". Thầy tiếp tục hét lên: "Tại sao không làm?". Sinh viên đáp lại: "Dạ để em chỉnh lại ạ... ". Nhưng giọng giảng viên vẫn tiếp tục quát lớn hơn: "Tại sao không làm?".

Trước đó, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng xảy ra trường hợp giảng viên dạy online, khi giảng viên đặt câu hỏi cho cả lớp thì có sinh viên do ngoài trời đang mưa gió nên không nghe rõ đã đề nghị thầy giảng lại nhưng giảng viên không đồng ý và yêu cầu sinh viên đeo tai phone để nghe.

Tuy nhiên, khi sinh viên trả lời đeo tai phone nghe cũng không rõ thì bị giảng viên mời sinh viên ra khỏi phòng học của buổi dạy online vì cho rằng sinh viên không chuẩn bị chu đáo cho việc nghe giảng của mình.

"Theo quy định quyền và nghĩa vụ của người học thì sinh viên có quyền đóng góp ý kiến, tham gia quản lý và giám sát hoạt động giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và được bảo đảm điều kiện học tập (khoản 5 và 6 Điều 60 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018)" - LS Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn luật sư TP.HCM).

Thậm chí, sau khi giảng viên đã mời sinh viên kia ra khỏi buổi học online rồi, lại yêu cầu các sinh viên còn lại bật webcam, mở micro để thầy nhìn rõ mặt và tự giới thiệu về mình rằng "Tôi tên..., tôi có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường…".

Cả 2 vụ việc trên, sau khi làn truyền trên mạng xã hội đã để lại nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng. Nhiều người nhận định, với tư cách của một người làm giáo dục, việc sử dụng câu từ xúc phạm học trò là điều không được phép. Trong khi số khác lại tỏ ra thông cảm, cho rằng có lẽ giảng viên gặp áp lực nào đó khiến bản thân khó kiềm chế nóng giận, trong lúc mất kiểm soát đã có lời lẽ không hay…

Về vấn đề này, Luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn luật sư TP.HCM), nhận định,  việc giảng viên nóng giận có thể đến từ việc năng lực sư phạm còn kém; hoặc do họ cứng nhắc và kì vọng vào việc học trò phải đáp ứng yêu cầu nhưng chưa ý thức được rằng, điều kiện học trực tuyến còn tồn tại một số bất cập.

Dùng lời lẽ thiếu “kiềm chế” với sinh viên, giảng viên có thể bị phạt tới 10 triệu đồng - Ảnh 3.

Luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn luật sư TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Cũng theo luật sư này, để khắc phục điều này, người thầy vừa phải nâng cao bản lĩnh sư phạm, vừa giảm sự cầu toàn để đôi bên không gặp nhiều áp lực.

"Các thầy cô đã được đào tạo kĩ năng xử lí tình huống trong nghiệp vụ sư phạm, do đó không thể lấy lí do căng thẳng hay áp lực để xúc phạm người học", luật sư Lê Bá Thường nói.

Cần công khai xin lỗi sinh viên

Theo luật sư Lê Bá Thường, hành vi các giảng viên trên xét ở góc độ pháp luật có thể sẽ bị xem xét vi phạm về cách ứng xử của giảng viên theo quy định là phải tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học (khoản 5 Điều 55 Luật Giáo dục đại học 2018).

"Các giảng viên trên đã nhận thấy lỗi của mình và đưa ra lời xin lỗi với sinh viên. Nhưng những ngôn ngữ mà các giảng viên này đưa ra như nói sinh viên "óc trâu", hoặc yêu cầu từng sinh viên phải nói lại trước toàn thể lớp học như: 'Tôi tên Nguyễn Văn A..., tôi có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường…' thì có thể sẽ bị xem xét về quy định vi phạm các hành vi giảng viên không được làm đối với sinh viên là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác (khoản 1 Điều 55 Luật Giáo Dục đại học 2018)" - Luật sư Thường phân tích.

Do đó, sau khi các trường xác minh giảng viên nếu có vi phạm về hành vi thiếu tôn trọng hoặc xúc phạm sinh viên thì giảng viên có thể sẽ bị xử phạt hành chính ở hành vi: "Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học" với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng và phải xin lỗi công khai sinh viên bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP).

"Đứng ở góc độ người thầy tôi hoàn toàn đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn và bất tiện khi phải dạy online của giảng viên. Tuy vậy, cá nhân tôi nghĩ việc tự cho mình cái quyền làm thầy để có thể buông ra những lời lẽ không phù hợp, gây tổn thương đến sinh viên rồi xin lỗi thì xét ở góc độ nào đi nữa cũng khó để chấp nhận" - Luật sư Thường chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem