Dừng lễ hội khai ấn đền Trần: Sự cẩn trọng hợp lý trong tình hình dịch Covid-19

Hà Phương - Yến Linh Thứ tư, ngày 27/01/2021 11:28 AM (GMT+7)
"Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì sự cẩn trọng không thừa. UBND tỉnh Nam Định đã làm một việc đúng đắn, hợp lý. Thiết nghĩ, các địa phương cũng nên dừng các lễ hội mùa xuân, hạn chế thậm chí tránh tụ tập đông người. Dịch mà từ lễ hội bùng phát thì không thể kiểm soát được".
Bình luận 0

Mới đây, UBND tỉnh Nam Định vừa có công văn gửi UBND TP Nam Định và các huyện Vụ Bản, Nam Trực về việc dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần tại phường Lộc Vượng trong dịp mùa lễ hội xuân Tân Sửu 2021.

Hàng năm, lễ khai ấn đền Trần diễn ra vào 0h đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng tại ngôi đền đặt hòm ấn là Cố Trạch, nằm phía Đông của đền Thiên Trường, phường Vượng Lộc, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Đây là sự kiện văn hóa lớn của cả nước trong dịp đầu năm, thu hút hàng ngàn người tham dự. Vào năm 2019, đã có tới 2.000 nhân viên được huy động để bảo vệ trật tự tại lễ hội này. 

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nghi lễ khai ấn đền Trần có ý nghĩa cầu mong đất nước được yên bình, mọi người bước sang năm mới mạnh khoẻ, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt.

Nam Định thông báo dừng lễ hội khai ấn đền Trần: - Ảnh 1.

Lễ hội khai ấn đền Trần. (Ảnh: IT)

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Hồng Phong, Trưởng phòng quản lý di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa Nam Định cho biết, trước khi quyết định này được ban hành, UBND tỉnh Nam Định cũng đã có các cuộc họp với lãnh đạo của sở Văn hóa, thành phố Nam Định để đưa ra các phương án trong việc tổ chức lễ hội đền Trần. Xét diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, thống nhất ý kiến của các ban ngành cũng như địa phương, mới đây, UBND tỉnh đã quyết định đồng ý tiếp tục dừng lễ hội này trong năm 2021.

"Các nghi thức khai ấn do các cụ cao niên đảm nhận vẫn diễn ra trong nội cung đền Trần từ ngày 12 – 16/02/2021. Phần nghi lễ như rước nước, tế cá sẽ bị hủy bỏ để đảm bảo sự an toàn của người dân. Ban tổ chức cũng chuyển đổi hình thức từ phát ấn trực tiếp sang chuyển ấn lộc thông qua đường bưu điện. Vào những ngày thường, du khách vẫn có thể đến lễ tại đền và phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19", ông Phong chia sẻ thêm.

Việc tạm dừng lễ hội đền Trần là hợp lý

Tiến sĩ Thiền Phong - Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, quyết định của UBND tỉnh Nam Định là hợp lý trước bối cảnh dịch Covid-19: "Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì sự cẩn trọng không thừa. Dịch hiện đang phát triển với các biến thể, ngày càng khó lường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng con người cũng như nền kinh tế, chính trị xã hội. Do đó, việc phòng chống dịch Covid-19 là việc của cả xã hội, không riêng một địa phương nào.

UBND tỉnh Nam Định đã làm một việc đúng đắn, hợp lý. Thiết nghĩ, các địa phương cũng nên dừng các lễ hội mùa xuân, hạn chế thậm chí tránh tụ tập đông người. Dịch mà từ lễ hội bùng phát thì không thể kiểm soát được, bởi sự lan tỏa ra cả nước sẽ rất nhanh". 

Nam Định thông báo dừng lễ hội khai ấn đền Trần: Sự cẩn trọng hợp lý trong tình hình dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Nghi thức rước nước tại lễ hội đền Trần.

Đồng ý trước ý kiến của Tiến sĩ Thiền Phong, ông Hoàng Tuấn Công (nhà nghiên cứu văn hóa, tác giả cuốn "Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu") cũng khẳng định: "Việc tạm dừng là hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh. Lễ hội đền Trần diễn ra khi mọi người dân đổ về quê đón Tết, không chỉ có những người trong nước mà còn nhiều người Việt đang sinh sống tại nước ngoài nên tình hình rất phức tạp, khó kiểm soát. Thiệt hại về nhân mạng trên thế giới rất lớn. Hơn nữa, lễ hội năm nào cũng được tổ chức, việc dừng tạm một vài năm để tốt cho cộng đồng, cho mọi người là điều hoàn toàn hợp lý". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem