Đưa chè Chợ Mới vào “mâm cỗ” OCOP, trước rẻ bèo chỉ 80.000 đồng/kg, nay vọt lên 300.000 đồng/kg

Thanh Thảo Thứ hai, ngày 07/09/2020 06:00 AM (GMT+7)
Cây chè là một trong những cây trồng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện Chợ Mới (Bắc Kạn). Để nâng cao giá trị cây chè, huyện đã và đang huy động nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất theo phương thức hữu cơ, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, đưa sản phẩm chè vào danh sách các sản phẩm OCOP...
Bình luận 0

Xây dựng vùng sản xuất chè VietGAP

Từ bao đời nay cây chè gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình huyện Chợ Mới. Hiện toàn huyện có hơn 700ha chè trung du và chè Shan tuyết, tập trung ở các xã: Yên Hân, Yên Cư, Như Cố, Yên Đĩnh, Quảng Chu, Nông Thịnh. Đây được coi là vùng sản xuất chè trọng điểm của huyện.

Tuy nhiên, do trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, quy trình thu hoạch, chế biến, đóng gói thủ công, vì vậy sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, giá thành không cao, không cạnh tranh được với sản phẩm chè của các địa phương khác nên cây chè ở đây chưa thực sự phát huy hết giá trị kinh tế.

Vì vậy, để nâng cao giá trị cây chè, thời gian qua huyện Chợ Mới đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã cải tạo diện tích chè cằn cỗi, năng suất thấp, triển khai trồng mới bằng các giống năng suất cao chất lượng và liên kết với các công ty để bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Đưa chè Chợ Mới vào “mâm cỗ” OCOP - Ảnh 1.

Đời sống của người dân xã Yên Cư (Chợ Mới, Bắc Kạn) đã từng bước được nâng cao nhờ sản xuất chè Shan tuyết theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: T.T

Ông Đặng Tuấn Khanh – Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Bắc Kạn chia sẻ: Trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn đặt mục tiêu có khoảng 200 sản phẩm OCOP được công nhận.

Bà Hà Thị Minh Chín - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chợ Mới cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, huyện Chợ Mới đã phối hợp với cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ và chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP".

Theo đó, huyện tập trung phát triển khoảng 10ha chè Shan tuyết tại thôn Thái Lạo, Bản Cháo, xã Yên Cư và thôn Tát Vạ, xã Yên Hân theo hướng sản xuất hữu cơ để phát triển và nâng cao giá trị cây chè, bước đầu đã cho năng suất cao hơn so với phương pháp truyền thống của bà con.

Trên địa bàn huyện Chợ Mới ngoài diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, còn có 20ha với chè shan tuyết được sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm cũng đã tạo thành sản phẩm OCOP.

Cũng theo bà Chín, giai đoạn 2020 - 2025, huyện Chợ Mới sẽ tiếp tục cải tạo khoảng 200ha chè trung du sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao hơn nữa giá trị chất lượng chè và hướng tới đăng ký tham gia sản phẩm OCOP.

Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

"Cây chè sản xuất theo phương pháp truyền thống có giá bán chỉ khoảng 80.000 đồng/kg, còn bây giờ nhờ trồng theo quy trình VietGAP nên bước đầu giá trị chè đã tăng lên mức 300.000 đồng/kg".

Ông Hoàng Đức Tiến

Là một trong những nông dân trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Hoàng Đức Tiến (thôn Nà Choọng, xã Quảng Chu) cho biết: Trước đây, nếu trồng theo phương pháp truyền thống, với diện tích 3.000m2, mỗi vụ gia đình thu được tầm 90 - 110kg khô. 

Nhưng nay sản xuất theo quy trình VietGAP, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân hữu cơ nên cây chè phát triển rất tốt, cho năng suất cao hơn hẳn, từ 130 - 150kg khô.

"Đặc biệt, cây chè sản xuất theo phương pháp truyền thống có giá bán chỉ khoảng 80.000 đồng/kg, còn bây giờ nhờ trồng theo quy trình VietGAP nên bước đầu giá trị chè đã tăng lên mức 300.000 đồng/kg"- ông Tiến cho biết thêm.

Ông Đặng Tuấn Khanh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Bắc Kạn thông tin: Chợ Mới là huyện có diện tích đất trồng chè lớn của tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay Chợ Mới đang chú trọng phát triển chè sản xuất theo hướng hữu cơ, nhằm đưa sản phẩm tham gia OCOP. Đã có một số doanh nghiệp cam kết đầu tư sản xuất và hỗ trợ phát triển chè Chợ Mới.

"Để đạt được các mục tiêu trên, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh nhân rộng vùng nguyên liệu chè hữu cơ để tham gia sản phẩm OCOP không chỉ tăng về diện tích mà tăng về số hộ tham gia, để từng bước nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân" - ông Đặng Tuấn Khanh cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem