dd/mm/yyyy

Đưa cá ra sông Đà nuôi trong lồng, ngư dân đút túi hàng trăm triệu đồng

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện tỉnh Hoà Bình đã mang lại nguồn thu nhập cao cho các ngư dân. Nhiều hộ gia đình sinh sống ở vùng sông Đà đã đút túi hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi cá lồng.

Tận dụng diện tích mặt nước sông Đà, phát triển nuôi cá lồng

Tuy ở khu vực miền núi, nhưng tỉnh Hòa Bình lại có tiềm năng phát triển thuỷ sản tương đối lớn với 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện. Ngoài ra còn có một số sông, suối lớn có thể nuôi cá lồng bè hoặc tổ chức quản lý bảo vệ để tái tạo phát triển nguồn lợi cho khai thác tự nhiên. Những năm qua, người dân vùng lòng hồ Hoà Bình đã tận dụng lợi thế này để phát triển nghề nuôi cá lồng, đem lại thu nhập cao.

Với mặt nước sông Đà rộng lớn, môi trường nước trong sạch, nguồn lợi phong phú và giàu dinh dưỡng, mặt hồ Hòa Bình có tiềm năng để phát triển nuôi cá lồng với các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đang thực hiện thành công mô hình chuỗi an toàn thực phẩm cá sông Đà. Các dự án liên kết sản xuất cá sông Đà theo chuỗi giá trị tại 5 huyện, thành phố với quy mô 300 lồng nuôi, 70 hộ tham gia bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2018. Hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn và chuyển giao ứng dụng kỹ thuật được chú trọng thực hiện.

Nuôi cá lồng ở sông Đà, ngư dân lòng hồ đút túi hàng trăm triệu - Ảnh 1.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, nhiều nông hộ đã có cuộc sống dư giả và sung túc.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên toàn tỉnh Hòa Bình hiện có hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi thâm canh với quy mô lớn. Trong đó, có gần 10 doanh nghiệp đầu tư hơn 200 lồng nuôi theo công nghệ tiên tiến với các loại cá chiên, cá lăng, cá tầm, cá bống, trắm đen... cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Đa số lồng nuôi cá hiện nay trên lòng hồ sông Đà đều làm theo công nghệ mới, thiết kế lồng cá kiên cố. Theo đó, lồng lưới khung sắt với thể tích đạt từ 70 m3 - 100 m3/lồng, thay thế dần lồng bằng cây bương, cây tre. Các hộ tham gia nuôi cơ bản đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Có khoảng 8 doanh nghiệp đã ký kết liên doanh với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm với các hộ dân. Vì vậy, sản lượng cá nuôi trên địa bàn luôn đảm bảo ổn định đầu ra. Điều đó đã mang lại thu nhập ổn định, đời sống bà con thay đổi và nâng cao.


Nuôi cá lồng ở sông Đà, ngư dân lòng hồ đút túi hàng trăm triệu - Ảnh 2.

Tại các lồng bè nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà chủ yếu là: Cá lăng, trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, chép...

Phát triển chuỗi liên kết, nâng cao thu nhập cho ngư dân

Ông Hoàng Văn Son, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình cho biết, để nuôi trồng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả, những năm qua, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Nhờ đó, đã thúc đẩy người dân lòng hồ phát triển nuôi cá lồng khá mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng hàng năm.

Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 523 hồ chứa thủy lợi. Các cơ sở duy trì và phát triển diện tích nuôi thủy sản trên 2.700 ha, trong đó, nuôi trong ao nhỏ hơn 1.600 ha, nuôi cá ruộng 5 ha, diện tích nuôi hồ trên 1.000 ha. Nổi bật là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020, đã đưa số lồng nuôi cá lên khoảng 4.700 lồng. Từ ngân sách tỉnh đã hỗ trợ hơn 2.600 lồng nuôi cá với số tiền gần 31 tỷ đồng, tương ứng hơn 1.700 hộ dân vùng hồ sông Đà được hưởng lợi.

Nuôi cá lồng ở sông Đà, ngư dân lòng hồ đút túi hàng trăm triệu - Ảnh 3.

Hiện nay trên lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình có khoảng 4.700 lồng bè nuôi cá.

Thời gian qua, nhiều hộ gia đình sinh sống ở vùng lòng hồ Hoà Bình triển khai nuôi cá lồng, cá sạch đã từng bước thoát nghèo. Anh Xa Văn Đông, xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) cho chia sẻ: Sau khi triển khai việc nuôi 18 lồng cá trên lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, với sự hỗ trợ của địa phương đến nay việc nuôi cá lồng của gia đình tôi đã dễ dàng hơn, thu nhập bước đầu ổn định. Giá trị kinh tế thu về cao gấp nhiều lần so với công việc làm nương ngô nương sắn. Sau khi trừ chi phí, bình quân 1 năm tôi lời hơn 320 triệu đồng từ bán cá.

Nuôi cá lồng ở sông Đà, ngư dân lòng hồ đút túi hàng trăm triệu - Ảnh 4.

Các thương lái đến tận lồng bè anh Nguyễn Xuân Sang, xã Thung Nai (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) mua cá. Vì vậy, sản phẩm cá của anh Sang lúc nào cũng bán được giá cao, không lo rớt giá.

Còn anh Đinh Văn Tường Lù, xóm Đá Đỏ (xã Tân Dân, huyện Mai Châu) phấn khởi cho hay: Tôi nuôi 6 lồng cá trên lòng hồ sông Đà. Tôi chủ yếu nuôi cá chiên, chép, trắm cỏ, lăng đến giai đoạn thu hoạch có nhiều thương lái ở ngoài huyện Mai Châu và huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đánh xe tải và đỗ thuyền vào mua với giá cao. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lãi hơn 150 triệu đồng/năm, cuộc sống của gia đình đã ổn định.

Nuôi cá lồng ở sông Đà, ngư dân lòng hồ đút túi hàng trăm triệu - Ảnh 5.

Nhiều nông hộ sinh sống ở lòng hồ thuỷ điện Hòa Bình đã có cuộc sống khấm khá nhờ nghề nuôi cá lồng.

Song song với việc nuôi cá lồng trên lòng hồ, hoạt động khai thác thủy sản cũng được đẩy mạnh, diễn ra chủ yếu trên hồ thủy điện sông Đà và các hồ, đập, sông suối lớn. Theo ông Hoàng Văn Son, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, năm 2020 toàn tỉnh Hòa Bình đạt sản lượng thu hoạch cá gần 10.000 tấn. Trong đó khai thác 1.704 tấn, nuôi 8.100 tấn, chủ yếu là các loại cá đặc sản như: Chiên, lăng chấm, lăng vàng, nheo Mỹ, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chép...

Nuôi cá lồng ở sông Đà, ngư dân lòng hồ đút túi hàng trăm triệu - Ảnh 6.

Hiện nay cá lăng đen nuôi tại lồng bè được nhiều khách hàng thu mua nhất. Một kg cá được người dân bán với giá 130.000 đồng - 150.000 đồng/kg.

Nhằm phát huy những lợi thế, thể mạnh về sông, suối và các điều kiện tự nhiên, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch cơ cấu con giống hợp lý, đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản. Cùng với con giống bản địa, truyền thống, sẽ tích cực đưa các giống mới, có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương để nâng cao năng suất sản lượng và giá trị sản phẩm.

Nuôi cá lồng ở sông Đà, ngư dân lòng hồ đút túi hàng trăm triệu - Ảnh 7.

Nhờ nuôi cá lồng, cuộc sống của người dân ở lòng hồ sông Đà đã có thu nhâp cao so với trồng ngô trên nương như trước đây.

Đặc biệt đối với hồ thủy điện Hòa Bình, thời gian tới tỉnh Hoà Bình sẽ tiếp tục mở rộng vùng nuôi cá lồng tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chú trọng chứng nhận lồng nuôi cá đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, truy xuất nguồn gốc, quan tâm quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Tập trung phát triển chuỗi liên kết, mang lại hiệu quả cao và lợi nhuận cho người dân nuôi cá lồng. Từ hiệu quả nuôi thủy sản, tỉnh Hòa Bình đang hướng tới xây dựng nhà máy chế biến thủy sản trên hồ Hòa Bình, mở ra cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp, HTX và người dân sinh sống trên lòng hồ sông Đà.

Hà Hoàng