Dự án đường Vành đai 4: Chuyện chưa kể về việc di dời hàng nghìn ngôi mộ

Gia Khiêm - Trung Hiếu Thứ tư, ngày 24/04/2024 06:30 AM (GMT+7)
Tại nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ ở Hà Nội thuộc diện phải di dời, nhiều người dân từng làm đơn đề nghị xem xét, uốn chỉnh đường Vành đai 4 không đi qua để không phải di chuyển mộ, ảnh hưởng đến tín ngưỡng.
Bình luận 0

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm 58,2km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7km tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP; được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân, kể cả những người bị thu hồi đất cũng đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, có không ít người trăn trở, từng làm đơn đề nghị xem xét, uốn chỉnh đường Vành đai 4 không đi qua để không phải di chuyển mộ, ảnh hưởng đến tín ngưỡng, tâm linh. Hay lo lắng ngôi nhà mình đã bỏ nhiều tỷ đồng xây khang trang, vay mượn xây nhà đứng trước ngưỡng bị thu hồi, tiền đền bù không mua nổi nhà tái định cư...

Dự án đường Vành đai 4: Những tâm tư ở nơi di dời hàng nghìn ngôi mộ

Một ngày giữa tháng 4, nhiều người hối hả xây lại tường bao quanh phần nghĩa trang An Định, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Trước đó, những ngày vừa qua, 12 dòng họ và nhiều hộ gia đình ở các tổ dân phố trên địa bàn phường Yên Nghĩa đã xem ngày, chọn giờ triển khai việc di chuyển mộ chí của người thân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 vào trong nghĩa trang TDP 9 vừa hoàn thành xây dựng với quy mô khang trang, sạch sẽ.

Người nông dân phía sau

Hiện tại, nhà thầu đang tiến hành thi công đối với hạng mục đường sẽ đắp cát nền, sau đó sẽ xử lý các vị trí có nền đất yếu xây dựng Vành đai 4. Ảnh: Viết Niệm

Người dân cho biết, nghĩa trang An Định đã có từ hàng trăm năm nay và là nơi yên nghỉ của hàng nghìn ngôi mộ. Ban đầu khi biết có dự án Vành đai 4 chạy qua, hàng nghìn ngôi mộ thuộc diện phải di dời, không ít người dân tỏ ra lo lắng, băn khoăn vì "không muốn đụng chạm" nơi yên nghỉ của tổ tiên, cha ông.

Một người dân phường Yên Nghĩa cho biết, việc mở tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, người dân hoàn toàn chấp thuận với chủ trương. Tuy nhiên, 90% diện tích nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ phải di dời phục vụ giải phóng mặt bằng khiến nhiều người không khỏi e ngại.

"Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của cha ông, tổ tiên biết bao thế hệ người dân phường Yên Nghĩa. Có những ngôi mộ niên đại hàng trăm năm tuổi. Chính vì vậy, ban đầu khi phải di dời mộ trong họ, chúng tôi phải cắt cử người đại diện họp bàn nhiều lần để thống nhất ý kiến, đưa ra quan điểm. Sau chính quyền địa phương cũng tuyên truyền, vận động, có phương án bồi thường, vận chuyển mộ sang nghĩa trang mới khang trang hơn nên mọi người cũng yên tâm phần nào", người này nói.

Chia sẻ của người dân nơi hàng nghìn ngôi mộ di dời ở Hà Nội. Clip: Trung Hiếu

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Điển (70 tuổi) cho hay, sau khi được phổ biến, tuyên truyền từ chính quyền địa phương, đại đa số người dân đã đồng thuận, nhất trí di dời gần 2.000 ngôi mộ sang nghĩa trang mới. Ở nghĩa trang nhân dân mới xây, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Người dân đồng tình, ủng hộ nên công tác vận chuyển được tiến hành nhanh gọn trong vòng chỉ hơn 1 tháng. 

Người nông dân phía sau

Ông Nguyễn Văn Điển chỉ khu vực các ngôi mộ phải di dời. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Điển, dòng họ gia đình ông có hơn 70 ngôi thuộc diện phải di dời. Nhiều nhất có họ Lê với hơn 300 mộ, họ Nguyễn Văn hơn 300 ngôi, họ Nguyễn Bá 150 ngôi mộ…

Người nông dân phía sau

Hiện tại còn một số ngôi mộ mới được chôn cất chưa thể di dời. Ảnh: Gia Khiêm

"Hiện tại còn có 8 ngôi mộ mới được chôn cất chưa lâu, trong đó có 1 gia đình còn 6 ngôi mộ xin để lại đến cuối năm. Gia đình cũng xin chính quyền địa phương đến cuối năm được ngày sẽ sang cát tiện di dời sang nghĩa trang mới. Nói chung, các cấp chính quyền làm công tác tư tưởng, động viên các dòng họ rồi các trưởng họ cũng họp bàn, động viên nhau thực hiện nhanh gọn. Nghĩa trang An Định hiện còn hơn 100 ngôi mộ nằm bên ngoài dự án nên không phải di dời", ông Điển cho hay.

Là người đại diện cho dòng họ Nguyễn Bá có đến 150 ngôi mộ phải di chuyển, trong đó có những ngôi mộ đã tồn tại từ khoảng năm 1700, ông Nguyễn Bá Kiên, ở tổ dân phố 9 trải lòng, di chuyển mồ mả là công việc lớn, hệ trọng của dòng họ.

Người nông dân phía sau

Hiện nghĩa trang còn hơn 100 ngôi mộ thuộc diện không phải di dời, người dân xây tường bao quanh. Ảnh: Gia Khiêm

"Nói không trăn trở, băn khoăn thì không phải, nhưng sau nhiều lần được dự các hội nghị tuyên truyền, được nghe tuyên truyền viên của quận Hà Đông, của phường Yên Nghĩa giải thích, 100% thành viên trong gia tộc chúng tôi đã xác định tinh thần ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, bởi đường Vành đai 4 là dự án mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương.", ông Kiên chia sẻ

Ông Nguyễn Bá Tiến, Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa cho biết, qua rà soát, kiểm đếm, lập danh sách và hồ sơ từ thời điểm cuối năm 2022 xác định, trên toàn địa bàn phường có tổng số 1.416 ngôi mộ có chủ của các hộ gia đình, dòng họ, cá nhân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Người nông dân phía sau

Nghĩa trang nhân dân mới được xây dựng khang trang. Ảnh: Gia Khiêm

Qua đó, UBND quận khảo sát, quy hoạch, xây dựng nghĩa trang TDP 9, phường Yên Nghĩa tổng mức đầu tư gần 41 tỷ đồng trên khu đất 12.616,7m2 và giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận làm chủ đầu tư xây gần 2.000 hố mộ để di chuyển 1.416 ngôi mộ nằm trong phạm vi đường Vành đai 4 vào bên trong.

Đồng thời, xây mới nhà quản trang, xây nhà thờ thần linh, tường rào, hệ thống tiêu thoát nước, xây hố mộ, làm đường giao thông nội bộ, điện, nước, cây xanh… Đến nay, các hạng mục công trình đã được nhà thầu thi công cùng chủ đầu tư, UBND phường và người dân hoàn thành từng bước bàn giao quản lý, sử dụng.

Người nông dân phía sau

Các ngôi mộ được sắp xếp rất bài bản, khoa học. Ảnh: Gia Khiêm

Theo phong tục tập quán và cũng là để đảm bảo đúng tiến độ thời gian như cam kết giữa các đơn vị, những ngày cuối tháng 10/2023, các hộ gia đình, dòng họ, cá nhân ở một số tổ dân phố thuộc địa bàn phường Yên Nghĩa đã bắt đầu đăng ký và từng bước di chuyển mộ chí của người thân vào bên trong nghĩa trang TDP 9.

Theo ông Tiến, sau nhiều buổi tuyên truyền, đến nay các ngôi mộ thuộc diện phải di dời được gia đình, dòng họ di chuyển vào nghĩa trang, chưa kể có hàng trăm tiểu phát sinh vô chủ cũng đã được di chuyển.

Người nông dân phía sau

Nhiều vị trí xây dựng đường Vành đai 4 đang gấp rút thi công. Ảnh: Viết Niệm

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết, HĐND quận trước đó có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, chỉnh trang hoàn thiện nghĩa trang TDP 9, phường Yên Nghĩa và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu thực hiện dự án nhằm quy tập mộ của các hộ gia đình, dòng họ vào bên trong nghĩa trang để phục vụ công tác GPMB khi nhà nước thu hồi đất thi công đường Vành đai 4, đáp ứng nhu cầu tâm linh và phong tục tập quán, ổn định đời sống người dân. Mặt khác, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch đẹp.

Đồng thời, UBND quận chỉ đạo UBND phường Yên Nghĩa phối hợp với các đơn vị tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân và các dòng họ đăng ký thời gian di chuyển mộ chí vào nghĩa trang TDP 9 và đã được nhân dân gấp rút thực hiện.

Dự án đường Vành đai 4: Tâm an khi đưa các cụ sang "nhà mới"

Tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội có khoảng 1.800 ngôi mộ thuộc diện phải di dời. Trước đó, nhiều người dân thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà từng làm đơn đề nghị xem xét, uốn chỉnh đường Vành đai 4 không đi qua nghĩa trang thôn Bồng Lai để người dân không phải di chuyển mộ, ảnh hưởng đến tín ngưỡng, tâm linh. Tuy nhiên, sau khi nắm vững chủ trương, tuyên truyền của các cấp người dân nơi đây đã đồng tình ủng hộ.

Người nông dân phía sau

Tại gói thầu số 9, có chiều dài 23 km đi qua hai địa phận huyện Hoài Đức, Đan Phượng cũng đang tập trung triển khai thi công. Ảnh: Viết Niệm

Ông Nguyễn Văn Thân (80 tuổi, trú tại cụm 2, xã Hồng Hà) chia sẻ, trong kế hoạch giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, gia đình ông có 8 ngôi mộ phải di chuyển, trong đó, gồm cả nơi an nghỉ của bố mẹ đẻ của ông và một số anh em ruột thịt.

"Không ít người dân ngó vào hành động của chúng tôi khi có chủ trương giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Vành đai 4. Họ muốn xem "mấy ông cán bộ làm thế nào?" hay là "mồ mả của nhà ông chưa chuyển, thì nói gì chúng tôi?". Chính vì thế, tôi và gia đình quyết tâm thực hiện không những sớm mà còn đi đầu", ông Thân kể.

Người nông dân phía sau

Chuyển các ngôi mộ đến nghĩa trang mới nhận được sự đồng thuận của người dân. Ảnh: Gia Khiêm

Nghĩ là làm, ông Thân đăng ký với chính quyền xã Hồng Hà, sau đó, huy động con cháu tự tay "mời" những người thân thích quá cố tới nơi an táng mới. Chưa dừng ở đó, ông Thân vận động gia đình bên ngoại chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, tự nguyện di dời 15 ngôi mộ.

"Kể từ khi gia đình mời các cụ sang 'nhà mới', tâm của tôi và các hộ dân, dòng họ rất thanh thản, bình an. Đây là nơi yên nghỉ vô cùng khang trang, sạch sẽ", ông Thân bày tỏ.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, đơn vị đã giải phóng mặt bằng 4,2ha, chuyển 1.800 ngôi mộ, trong đó có 1.400 ngôi mộ có chủ, 400 ngôi mộ vô chủ về nghĩa trang tập trung của xã.

"Chúng tôi đã làm đồng bộ đưa các ngôi mộ thuộc diện phải di dời về nghĩa trang mới, đến nay đạt 100% số mộ được di chuyển. Để làm được điều này, vai trò của các trưởng họ trong tuyên truyền, vận động vô cùng quan trọng. Tổng giá trị công trình đầu tư khoảng 75 tỷ đồng bao gồm 29 tỷ đồng tiền hạ tầng, còn lại là tiền giải phóng mặt bằng. 

Quy mộ nghĩa trang xây theo hàng, chuẩn chiều cao, kích thước, đồng bộ toàn bộ hệ thống thoát nước, vườn hoa, cây xanh. Xung quanh nghĩa trang đều được trừ lại 15m để trồng cây xanh đảm bảo môi trường, hồ điều hoà, nhà thờ theo nghi thức truyền thống và nhà bảo quản tro cốt khoảng 1.800 chỗ", ông Hà nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem