Dự án 14 triệu USD ở Cà Mau: Nhiều trang thiết bị không cần thiết vẫn trang bị

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ tư, ngày 31/03/2021 09:28 AM (GMT+7)
Nhiều trang thiết bị y tế (thuộc dự án 14 triệu USD ở Cà Mau) không cần thiết vẫn được trang bị, không phát huy tính năng sử dụng…
Bình luận 0

Ngày 31/3, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, thông tin: Sở Y tế đã có báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh. Trong đó, có nội dung liên quan đến dự án nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm y tế (TYT) trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của tỉnh Cà Mau (gọi tắt là dự án AP).

Trang thiết bị không cần thiết vẫn được trang bị

Trước đó, ngày 28/4/2020, HĐND tỉnh Cà Mau có báo cáo kết quả giám sát tình hình hoạt động của TYT cấp xã trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, báo cáo này có nội dung chỉ ra, hiện nay vẫn còn một số tồn đọng, ngành y tế Cà Mau chưa thực hiện đầy đủ ý kiến đề xuất, kiến nghị của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.

Cụ thể, theo HĐND tỉnh Cà Mau, hầu hết các TYT của tỉnh Cà Mau được đầu tư trang thiết bị (TTB) từ dự án AP, nhưng phần lớn các trạm không còn đảm bảo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Do cơ sở vật chất của các TYT xuống cấp nhiều hạng mục, nhưng không có kinh phí để sửa chữa.

Dự án 14 triệu USD ở Cà Mau: Nhiều trang thiết bị không cần thiết vẫn trang bị - Ảnh 1.

Dự án 14 triệu USD ở Cà Mau: Nhiều trang thiết bị không cần thiết vẫn trang bị - Ảnh 2.

Nhiều trang thiết bị thuộc dự án 14 triệu USD ở Cà Mau không cần thiết vẫn được trang bị. Một trang thiết bị được trang bị cho một TYT, nhưng không được sử dụng (ảnh chụp 17/8/2020).

Đặc biệt các TYT đều chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải và hầu hết các lò đốt rác thải xuống cấp không sử dụng được.

Trong khi đó, một số TTB không cần thiết nhưng vẫn được trang bị, nên không phát huy được tính năng sử dụng. Cụ thể như: Máy đếm giọt truyền ở TYT xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi); bộ đếm hồng cầu, máy đếm giọt dịch truyền ở TYT xã Tân Đức (huyện Đầm Dơi).

Bên cạnh đó, TTB hư hỏng, không có thiết bị thay thế như: Máy xét nghiệm 12 thông số phân tích nước tiểu, ban đầu được cấp 25 que kèm theo, nhưng khi sử dụng hết thì không mua được que phù hợp để sử dụng ở TYT xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi). Cũng ở TYT xã Tân Thuận được trang bị máy hút chân không, ghế khám răng nhưng... thiếu TTB đi kèm.

Dự án 14 triệu USD ở Cà Mau: Nhiều trang thiết bị không cần thiết vẫn trang bị - Ảnh 3.

Trạm Y tế xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau.

Thậm chí, máy siêu âm, máy đo điện tim, máy quay ly tâm, máy hút đàm, máy đếm giọt truyền ở TYT xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) không sử dụng hay ít sử dụng dẫn đến hư hỏng.

Đặc biệt, có TYT được đầu tư TTB nhưng không có người sử dụng. Cụ thể là TYT xã Khánh Thuận (huyện U Minh), có máy xét nghiệm nhưng không có người sử dụng. Hay như máy siêu âm, máy điện tim ở TYT xã Thới Bình (huyện Thới Bình); máy xét nghiệm công thức máu, máy quay ly tâm ở Trạm Y tế xã Trí Lực (huyện Thới Bình) cũng không có người sử dụng.

Sở Y tế Cà Mau chưa tìm ra giải pháp khắc phục

Từ đó, HĐND tỉnh cũng kiến nghị Sở Y tế cần nghiên cứu giải pháp để các TYT khai thác, sử dụng hiệu quả các TTB hiện có; có hướng điều chuyển các TTB từ nơi không có nhu cầu, không có nhân lực sử dụng đến nơi có nhu cầu, có nhân lực sử dụng để phát huy hiệu quả; làm đầu mối trong việc sửa chữa, thay thế TTB hư hỏng, xuống cấp…

Theo đó, trong báo cáo sau giám sát, Sở Y tế tỉnh Cà Mau thừa nhận, hiện nay vẫn còn một số tồn đọng, ngành y tế chưa thực hiện đầy đủ ý kiến đề xuất, kiến nghị của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.

Dự án 14 triệu USD ở Cà Mau: Nhiều trang thiết bị không cần thiết vẫn trang bị - Ảnh 4.

Sở Y tế tỉnh Cà Mau chưa tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng một số trang thiết bị được đầu tư, mua sắm trước đây hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng.

Cụ thể là việc đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, rác thải của TYT. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhưng do thiếu nguồn lực đầu tư, đến nay hệ thống xử lý nước thải tại các TYT vẫn chưa được cải tạo, chỉ dừng lại bằng phương thức dự trữ bể lắng, việc xử lý chất thải rắn chỉ đốt bằng lò đốt thủ công, chưa đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các TTB tại TYT được đưa vào sử dụng, tuy nhiên một số TTB được đầu tư, mua sắm trước đây hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng. Sở Y tế chưa tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng trên; toàn tỉnh chưa xây dựng, cũng chưa thiết lập hệ thống kết nối với các đơn vi bảo trì, bảo dưỡng TTB trong nước để giải quyết vấn đề.

Báo cáo của Sở Y tế cũng thừa nhận, tồn đọng trên ảnh hưởng rất lớn đến yêu cầu hoạt động của TYT xã.

Dự án AP đầu tư xây dựng mới 52 TYT và sửa chữa 49 trạm tổng kinh phí dự án là 14 triệu USD. Trong đó, tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ 7 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh. Dự án AP bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2011.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem