dd/mm/yyyy

Đồng Nai nhân giống sắn kháng bệnh trong nhà kính

Nỗ lực tìm kiếm giống sắn (mì) sạch bệnh của Tây Ninh và Đồng Nai đã mang lại hiệu quả tích cực khi ngày càng nhiều giống kháng bệnh đang được nhân rộng để đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay.

Đến thời điểm này, khu vực phía Nam còn 8 tỉnh thành, trong đó có Đồng Nai vẫn còn dịch khảm lá.

Nhân giống trong nhà kính

Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, đến cuối quý III/2021, trên địa bàn tỉnh còn hơn 13.000 sắn. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh khảm lá 9.810ha, chiếm khoảng 75% diện tích.

Ông Mai Thành Kiên (nông dân huyện Trảng Bom) cho biết, 1 trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh khảm lá tăng nhanh là do giá bán sắn vụ hè thu năm 2020 cao hơn năm trước. Trong quá trình xuống giống vụ sau, người dân vẫn lấy hom giống nhiễm bệnh để trồng lại. Dịch bệnh này lại chưa có thuốc đặc trị nên nhà nông mãi loay hoay, chưa tìm ra cách phòng trừ hiệu quả.

Chi phí đầu tư cho 1ha sắn thường từ 32-35 triệu đồng, nay tăng lên khoảng 40 triệu đồng. Chi phí đầu tư tăng nhưng vườn trồng vẫn nhiễm bệnh.

Cấp bách nhân giống sắn kháng bệnh  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ trái) khảo sát vùng trồng sắn kháng bệnh ở Tây Ninh. Ảnh: N.V

Sau hơn 3 năm thực hiện khảo nghiệm trên 250 giống sắn, Bộ NNPTNT bước đầu đã công nhận giống HN3, HN5 là giống kháng bệnh và cho phép nhân giống, cung cấp cho nông dân trồng đại trà.

"Năng suất và lượng chữ bột đều sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng"- ông Kiên nói.

TS Nguyễn Hữu Hỷ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Đồng Nai) cho biết, vì không có giống kháng bệnh nên nông dân vẫn trồng lại các giống đã bị lây nhiễm. Đơn cử như huyện Trảng Bom có diện tích trồng sắn 539ha thì diện tích nhiễm bệnh 369ha.

Bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhẹ. Nông dân vẫn tự tìm cây giống, rồi sử dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp... Tuy nhiên, các biện pháp này cũng chỉ là tình thế, không thể loại trừ bệnh khảm một cách triệt để.

Tin vui là sau 3 năm trồng khảo nghiệm giống sắn TMEB419, Trung tâm Hưng Lộc đã tìm được một số dòng có gen kháng bệnh. Các dòng này đáp ứng được cả kiểu hình, năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột.

Trung tâm Hưng Lộc đang áp dụng thành công nhân giống sắn bằng hệ thống khí canh và nuôi cấy mô trong nhà kính. Đây là giải pháp hữu hiệu để tạo ra nguồn giống sắn sạch bệnh với sản lượng lớn.

Ngày càng nhiều giống kháng bệnh

Kỹ sư Võ Văn Tuấn - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Hưng Lộc cho biết, phương pháp nhân nhanh trong nhà kính giúp kiểm soát nhiệt độ, để kích thích tốc độ sinh trưởng cây giống. Nhà kính còn giúp kiểm soát các loại dịch bệnh, côn trùng phá hoại để tạo ra nguồn giống sạch bệnh ngay từ ban đầu, và đưa ra sản xuất được an toàn hơn.

Một ưu điểm nữa là nhân nhanh trong nhà kính quy mô nhỏ cũng có thể tạo ra hơn 5.000 hom giống trong 6 tháng. Trong khi, nhân giống ngoài đồng ruộng trên 1ha chỉ cho ra 14.000-15.000 hom giống mỗi năm.

TS Nguyễn Hữu Hỷ cho biết, Trung tâm Hưng Lộc đang xây dựng thêm một số nhà kính khác để sản xuất ra các giống sắn kháng bệnh khảm lá càng nhanh càng tốt. 

"Dự kiến trong thời gian tới Trung tâm Hưng Lộc sẽ hoàn thiện thủ tục tự công bố lưu hành cho giống TMEB419, để chuyển giao cho bà con trồng sắn"- TS Hỷ nói.

Tại thủ phủ sắn Tây Ninh, năm 2021 trạm khuyến nông huyện Tân Châu cũng phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp khảo nghiệm nhiều giống sắn mới. Trong đó, 4 giống HN1, HN36, HN80, HN97 vừa được Bộ NNPTNT đánh giá cao về mức độ kháng bệnh và sức chống chịu được bệnh khảm lá.

Như vậy, ngoài 2 giống sắn HN3 và HN5 đã được Cục Trồng trọt công nhận là giống kháng bệnh, tới đây Tây Ninh sẽ có thêm 4 giống sắn kháng bệnh nữa.

Ông Dương Thanh Phương - phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Tân Châu cho biết, giống HN1 còn mang 5% mầm bệnh khảm lá. Tuy nhiên, thân cây và độ chữ bột củ sắn vẫn đạt tiêu chuẩn.

Giống C97 (còn gọi HN97) kháng được bệnh khảm lá, cho năng suất chữ bột cao. Giống C80 (còn gọi HN80) cho năng suất củ đạt bình quân 43 tấn/ha. Giống C36 (còn gọi HN36) có độ chữ bột ước đạt 28-29% sau 6 tháng trồng, năng suất đạt hơn 40 tấn/ha.

4 giống sắn triển vọng này có biểu hiện kháng được bệnh hoặc chống chịu được bệnh khảm lá khi gây trồng đại trà trên ruộng. "4 giống mới này đang từng bước được nhân rộng để phục vụ cho bà con nông dân trong vụ đông xuân sắp tới" - ông Phương cho biết. 

Nguyễn Vy