Đồng Nai đã có 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao, tham vọng xây dựng thêm 2 - 3 vùng nữa

Trần Khánh Thứ ba, ngày 18/07/2023 14:31 PM (GMT+7)
Nông sản Đồng Nai phải ứng dụng đầy đủ công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa, liên kết chuỗi... để nâng cao sức cạnh tranh.
Bình luận 0

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh như thế tại Hội nghị chuyên đề về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp năm 2023 do Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 18/7.

Nông sản Đồng Nai ứng dụng công nghệ cao

Việc tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành Kế hoạch số 110 năm 2021 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 208 năm 2022 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025.

Hội nghị chuyên đề về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp năm 2023 do Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tổ chức. Ảnh: Trần Khánh

Hội nghị chuyên đề về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp năm 2023 do Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tổ chức. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ năng suất cao, có chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Hướng đi này phù hợp, được nông dân Đồng Nai tích cực tham gia vì là giải pháp có tính khả thi cao nhất trong phát triển sản xuất tạo, ra sản phẩm nông sản an toàn và bền vững.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 140 mã số vùng trồng, 81 cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Nai duy trì 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín. Các mô hình nuôi tôm thâm canh tiếp tục được triển khai nhận rộng với diện tích đến nay là 302,5ha.

Sản phẩm chuối của HTX Thanh Bình, Đồng Nai đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Minh Hùng

Sản phẩm chuối của HTX Thanh Bình, Đồng Nai đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Minh Hùng

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao.

Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh đã được cấp bổ sung 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Tổng dư nợ cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay là 122,77 tỷ đồng; phát vay cho 2.720 hộ với 276 dự án nhóm hộ.

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cũng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm, trị giá hàng tỷ đồng giúp cho hội viên nông dân.

Nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Đồng Nai

Sở NNPTNT, Đồng Nai đã rà soát, xác định 98 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 18.970ha.

Trong đó, Đồng Nai có 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng điều kiện về quy mô diện tích, làm cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, gắn với mục tiêu đột phá về nông nghiệp.

Các mô hình nuôi tôm thâm canh được Hội Nông dân Đồng Nai triển khai nhận rộng với diện tích. Ảnh: Trần Khánh

Các mô hình nuôi tôm thâm canh được Hội Nông dân Đồng Nai triển khai nhận rộng. Ảnh: Trần Khánh

Về nông nghiệp hữu cơ, Đồng Nai xác định được 10 khu vực trên địa bàn các huyện với quy mô 21.411ha đủ điều kiện phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh có 6 mô hình được chứng nhận sản xuất hữu cơ với quy mô 12,2ha.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đồng Nai vẫn còn gặp phải không ít khó khăn. Mô hình này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất trên quy mô tương đối lớn, trong khi dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp còn thấp.

Nhiều khó khăn khách quan khác trong việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng tạo ra những rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua.

Cùng với các sở ngành liên quan, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% tổng giá trị toàn ngành.

Sầu riêng Dona tại Đồng Nai được trưng bày tại lễ xuất khẩu sầu riêng Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Nha Mẫn

Sầu riêng Dona tại Đồng Nai được trưng bày tại lễ xuất khẩu sầu riêng Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Nha Mẫn

Đồng Nai hướng đến xây dựng từ 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mỗi huyện, thị đều có các cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có khoảng 30-40 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nếu hiểu đơn giản chỉ là kỹ thuật công nghệ cao thôi là chưa đủ.

Nông sản Đồng Nai phải kết hợp đầy đủ công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ giới hóa, liên kết chuỗi.

"Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cùng các sở ngành liên quan cần triển khai nhiều chuyên đề, nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Đồng Nai với các tỉnh thành và các nước", ông Phi đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem