Đồng Nai chuyển mạnh sang chăn nuôi lớn, hiện đại

Nguyễn Vy Thứ năm, ngày 02/07/2020 10:24 AM (GMT+7)
Nhiều hộ nuôi ở Đồng Nai đang phục hồi lại đàn gia cầm, đồng thời mạnh dạn chuyển đổi từ hình thức nuôi đơn lẻ sang liên kết hoặc quy mô lớn để phát triển bền vững.
Bình luận 0

Thua lỗ, treo chuồng...

Sau thời gian dài rớt giá, nhiều hộ nuôi gia cầm ở Đồng Nai thua lỗ nặng nề hoặc phải treo chuồng, bỏ nghề vì tiêu thụ khó khăn. 

Ông Hà Văn Thẩm - người nuôi hơn 7.000 con gà, vịt đẻ trứng ở huyện Cẩm Mỹ kể, ông bị thiệt hại nặng nề trong đợt vừa qua. Giá trứng gà bán tại trại chỉ còn khoảng 1.200 đồng/quả, giảm 300 đồng/quả so với trước tết; trứng vịt còn khoảng 1.6000 đồng/quả. Không những rớt giá mà sức tiêu thụ trứng cũng rất chậm. 

Tính ra, mỗi tháng ông lỗ khoảng 60-70 triệu đồng tiền cám. Ngoài trại của ông Thẩm, nhiều trại nuôi gà, vịt khác không đủ sức chống chọi cũng phá sản, bỏ chăn nuôi.

Chuyển mạnh sang chăn nuôi lớn, hiện đại - Ảnh 1.

Anh Vũ Đình An chăm sóc đàn gà chuẩn bị xuất bán. Nguyễn Vy

Bà Trương Thị Kim Nương - cán bộ Phòng NNPTNT huyện Cẩm Mỹ cho biết, địa phương hiện có hơn 1 triệu con gia cầm, trong đó số nuôi lấy trứng khoảng 60%. Khoảng thời gian trứng rớt giá, nhiều trang trại chăn nuôi lỗ nặng nề. "Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các trại nhỏ và hộ chăn nuôi, số này chiếm khoảng 50-55% tổng - bà Nương nói.

Tại vùng chăn nuôi gà lớn nhất huyện Trảng Bom, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Gáo Phan Văn Tươi cho biết, giá gà và trứng giảm sâu khiến nhiều trang trại quy mô vừa, hộ nhỏ lẻ đứng bên bờ vực phá sản. Dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh doanh ăn uống ngừng trệ, ảnh hưởng đến việc nhập thịt và trứng.

Ông Lâm Thanh Đức - Giám đốc Công ty Chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) cho hay, chính các doanh nghiệp cỡ lớn cũng gặp "hạn" trong đợt khủng hoảng vừa qua. Công ty Thanh Đức được coi là đơn vị đi đầu về ứng dụng công nghệ cao, dây chuyền hiện đại vào chăn nuôi với quy mô lớn. 

Thế nhưng, sau nhiều tháng chịu lỗ vì không thể bán được trứng, ông Đức đã phải bán lại toàn bộ trang trại chăn nuôi cho một công ty FDI để tránh nguy cơ phá sản.

Liên kết để khôi phục

Từ sau dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ của các mặt hàng trứng, thịt gia cầm dần khôi phục. Cùng với nguồn cung giảm mạnh từ đợt giảm đàn nên giá các sản phẩm gia cầm hiện đang tăng trở lại. Đầu tháng 5, giá gà công nghiệp bán tại trại dao động từ 18.000-23.000 đồng/kg. Mức này đã tăng so với vài tháng trước đó dù chưa giúp người chăn nuôi có lợi nhuận. 

Đến nay, giá bán tại trại đang dao động từ 31.000 - 33.000 đồng/kg; tăng gấp 3 lần so với thời điểm mặt hàng này chạm đáy.

Giá thịt gà công nghiệp làm sẵn cũng tăng dần. Từ 38.000-45.000 đồng/kg (hồi cuối tháng 5) đến nay đã lên mức 43.000-55.000 đồng/kg. Giá trứng gà công nghiệp cũng đạt khoảng 14.000 đồng/chục, trứng vịt trên 20.000 đồng/chục, là mức người chăn nuôi bắt đầu có lợi nhuận.

Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, cuối tháng 3/2020, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt mức lớn nhất từ trước đến nay, gần 33 triệu con. Trong đó, tổng đàn gà khoảng 24 triệu con. Đến cuối tháng 5, tổng đàn gia cầm giảm còn hơn 24,6 triệu con, trong đó gà còn 22,5 triệu con.

Theo ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, giá gà công nghiệp tăng lên đột biến do trước đó người chăn nuôi giảm đàn. Trước đây, chăn nuôi trang trại quy mô công nghiệp chỉ chiếm hơn 80% tổng đàn, hiện đã tăng hơn 90%. Nguồn cung giảm mạnh trong khi thị trường tăng trở lại đã giúp nghề chăn nuôi hồi phục. 

Đặc biệt là sau giai đoạn khó khăn, nhiều trại chăn nuôi chuyển hướng chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại lớn, hiện đại theo chuỗi liên kết để phát triển bền vững.

"Việc chuyển hướng chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại lớn, hiện đại hoặc liên kết trong các tổ nhóm, HTX là hướng đi đúng để phát triển bền vững" - ông Quyết nói.

Ông Nguyễn Tuấn Hậu - chủ trại gà tại huyện Trảng Bom cho biết: "Sau giai đoạn chăn nuôi khó khăn vì dịch bệnh, tôi đã mạnh dạn bỏ thêm vốn đầu tư trang trại mới theo chuẩn công nghiệp hiện đại. Từ quy mô nhỏ lẻ vài ngàn con, tôi dự định công suất trại mới có thể lên hơn 200.000 con. Đi kèm với đó là ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để phát triển ổn định hơn".

Tại huyện Long Thành, anh Vũ Đình An chọn gà ta lông màu giống Minh Dương để phát triển chăn nuôi. Anh An kể, nhiều chuồng nuôi bỏ trống đang đang gầy đàn trở lại. Thương lái đang thu mua từ 47.000-48.000 đồng/kg gà lông màu. Anh An hi vọng giá này sẽ tiếp tục ổn định để người chăn nuôi phục hồi lại kinh tế gia đình. Trại nuôi của ảnh hiện có 13.000 con gà ta lông màu chuẩn bị xuất bán. Anh An đang liên kết 6 nông dân khác thực hiện các tiêu chuẩn chăn nuôi nghiêm ngặt để hướng tới chuẩn VietGAP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem