Đồng bỏ hoang, nông dân bỏ quê đi làm thuê

Công Tâm Thứ tư, ngày 23/03/2016 06:15 AM (GMT+7)
Ngày 21.3, chúng tôi tìm về huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), tận mắt chứng kiến những cánh đồng bạt ngàn bị bỏ hoang vì không có nước sản xuất.
Bình luận 0

Ngày 21.3, chúng tôi tìm về huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), tận mắt chứng kiến những cánh đồng bạt ngàn bị bỏ hoang vì không có nước sản xuất. Hàng trăm con dê, cừu đang chật vật tìm kiếm thức ăn, nước uống. Thuận Nam là một trong những địa phương  nằm trong tâm điểm của đợt hạn hán.

img

Chị Phấn nhặt phân nơi chảo lửa Thuận Nam. Ảnh: C.T

Nhà bà Bá Thị Cờ (61 tuổi, thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh, Thuận Nam) đã mấy tháng nay vắng bóng thanh niên. Bà buồn bã cho biết, gia đình có 8 người, cuộc sống phụ thuộc vào 6 sào ruộng. Trước đây, thời tiết thuận lợi làm lúa mỗi năm được 2 vụ, cộng tiền làm thêm tại địa phương, là đủ trang trải. Tuy nhiên, năm 2015 gia đình chỉ làm được 1 vụ lúa, năng suất vỏn vẹn 4 tạ/sào; tiền bán lúa không đủ trả đại lý phân bón nên phải ôm khoản nợ hơn 10 triệu đồng. Đầu năm nay, cả nhà dài cổ chờ mưa để tiếp tục sản xuất nhưng nắng cứ kéo dài. Gia đình phải chạy đôn đáo lo từng bữa ăn, nợ tiếp tục chồng chất. 6 người trong gia đình đã khăn gói hành trang vào Bình Dương làm thuê, để lại mẹ già 61 tuổi và đứa trẻ 6 tuổi. Bà Cờ nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn, mấy ngày nay, gạo trong lu đã gần hết nhưng chưa biết xoay sở thế nào…

Ông Trượng Thanh Huy – Trưởng thôn Vụ Bổn cho biết, trong làng bây giờ số người già và trẻ em chiếm đến 70 – 80%, đa số người “còn sức” đều bỏ quê đi làm thuê. Thôn Vụ Bổn có 346 hộ, trong đó 63 hộ nghèo, 42 hộ cận nghèo, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm 1/3. Cũng theo ông Huy, nếu vào tháng 6 - 7 sắp tới, trời tiếp tục không mưa thì người dân bỏ quê đi làm thuê sẽ tiếp tục tăng lên. Do nắng hạn, mùa màng không có khoản gì để thu nên nhiều hộ nông dân đang nợ nần đủ chỗ...

Những nông dân có đất ruộng thì không sản xuất được, người không có đất thì cặm cụi di chuyển theo đàn bò, nhặt phân phơi khô gom lại để đổi gạo... Cái khó tiếp tục đeo bám những nông dân ở lại quê nhà. Chị Thập Thị Phấn (thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam) có 3 đứa con đang ăn học; chồng chị bị bệnh nhiều tháng nay. Nhà không có đất sản xuất, chồng chị trước đây luôn đi làm thuê, còn chị nhặt phân bò. Mỗi ngày chị nhặt được từ 2 - 3 bao, phơi khô bán với giá 20.000 đồng/bao; hôm nào cố lắm thì kiếm được 60.000 đồng, mua 2 - 3kg gạo để ăn, rồi tích góp gửi cho con đang học ở TP.Hồ Chí Minh.

Theo ông Thiên Sanh Phong – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh (Thuận Nam), hạn hán kéo dài đã làm cho các hồ đập không còn nước sản xuất, vụ đông xuân 2015 – 2016 đã có trên 500ha đất ngừng sản xuất. Số hộ bỏ quê đi làm thuê ngày càng nhiều; hộ nghèo, cận nghèo của toàn xã đã tăng hơn so với năm trước. Theo thống kê, trong năm 2015 số hộ nghèo toàn xã chiếm hơn 5,7% và hộ cận nghèo chiếm 4,2%. Đến nay, toàn xã có 183 hộ nghèo (chiếm hơn 15,7%); có 143 hộ cận nghèo (chiếm hơn 12,2%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem