dd/mm/yyyy

Đổi thay trên vùng đất tái định cư kiểu mẫu Si Pa Phìn

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm; cùng với sự “tiếp sức” của Ðảng, Nhà nước, vài năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên có nhiều thay đổi đáng kể.

Mười năm trước, khi người dân xã Chăn Nưa chuyển về định cư, lập nên bản Nậm Chim, Tân Phong, Tân Lập, Tân Hưng... và một số điểm khác trong khuôn khổ Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, cuộc sống của người dân gặp khó khăn chồng chất với bài toán ổn định dân cư, rồi phát triển kinh tế... Song người dân nơi đây đã phát huy được tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, những chương trình, dự án của Ðảng, Nhà nước đã được nhân dân phát huy mang lại hiệu quả.

Nông dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La ở Nậm Pồ ngày thêm ấm no. TP
Nông dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La ở Nậm Pồ ngày thêm ấm no. TP

Trên mảnh đất với nhiều tiềm năng về đất đai, huyện Nậm Pồ chủ trương quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với điều kiện tự nhiên của từng xã. Theo đó, Si Pa Phìn được quy hoạch là một trong những xã chăn nuôi trâu, bò, ngựa. Trước đó, năm 2010, Ðảng bộ xã Si Pa Phìn cũng đã có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo “Phát triển chăn nuôi gia súc” trên địa bàn. UBND xã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Ðến nay, toàn xã có gần 2,5ha đất trồng cỏ voi, trên 9.000 con trâu, bò.

Ông Vàng Văn Lập, bản tái định cư Tân Hưng, là một trong những điển hình chăn nuôi của xã. Hiện, ông đang sở hữu đàn trâu, bò trên 50 con, gần 100 con dê, lợn. Bình quân mỗi năm đàn gia súc mang về cho gia đình ông nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Lập còn giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân trong bản để cùng thoát nghèo.

Nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông, có Quốc lộ 4H, tuyến giao thông chính nối Mường Nhé, Nậm Pồ với huyện Mường Chà chạy qua, nhiều người dân ở các bản trên địa bàn xã Si Pa Phìn đã đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế. Ngoài việc lấy sản xuất nông nghiệp làm nền tảng xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ còn mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cửa hàng tạp hóa, quán ăn, dịch vụ vận tải… Ðiển hình như gia đình anh Lò Văn Soạn, bản Chiềng Nưa 1, trước đây gia đình cũng khó khăn. Ðến năm 2006, được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đầu tư mua trâu, đồng thời đào ao thả cá. Từ thu nhập hàng năm, kết hợp vay mượn gia đình anh mua 1 ô tô tải làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, nông sản cho người dân quanh vùng. Ðến nay, cuộc sống của gia đình anh đã khá hơn nhiều. Ngoài ra, anh vẫn trồng trên 8.000m2 lúa ruộng và lúa nương.

Chia sẻ về diện mạo Si Pa Phìn hôm nay, ông Nguyễn Ðức Cam, Bí thư Ðảng ủy xã phấn khởi nói: Những năm gần đây, đời sống của người dân trên địa bàn thực sự chuyển biến rõ rệt. Trong tổng số hơn 1.000 hộ với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số phân bố tại 16 bản thì tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 59% theo chuẩn nghèo đa chiều. Các vấn đề về văn hóa, y tế, giáo dục… cũng được bà con quan tâm hơn; riêng trong năm 2018, xã có 13/16 bản đăng ký bản văn hóa; trong đó đề nghị công nhận lại 3 bản, giữ vững danh hiệu 1 bản và có 9 bản công nhận mới.

Trong buổi làm việc về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, phương hướng 6 tháng cuối năm với Ðảng ủy, UBND xã Si Pa Phìn, đồng chí Nguyễn Văn Thái, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ đánh giá cao công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; các dự án hỗ trợ sản xuất được triển khai khẩn trương mang lại hiệu quả cao; tình hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi có bước phát triển mạnh mẽ… giúp đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn được nâng lên rõ rệt.

Thanh Phong