dd/mm/yyyy

“Đời” cừ tràm giữa lòng thành phố

Không khẩu trang, không găng tay, chỉ đội mỗi chiếc nón vải, những người làm nghề bốc cừ tràm thường xuyên đội nắng, mưa để làm việc. Chẳng phân biệt chủng loại, kích thước, thông thường, người lao động được trả từ 400-500 đồng/cây cho việc bốc xếp này.


“Đời” cừ tràm giữa lòng thành phố - Ảnh 1.

Không phân biệt chủng loại, kích thước, thông thường người lao động được trả công bốc từ 400-500 đồng/cây tràm


Dáng người cao, gầy, làn da rám nắng, ở tuổi ngoài 60, ông Phạm Văn Mười, ngụ ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An vẫn còn theo nghề. Chuyền cây tràm cuối cùng lên xe ba gác cho đủ chuyến, ông Mười nhanh chân tiến về phía khu vực bên trong vựa cừ tràm. Nhấp ngụm trà giải khát sau khi bốc hơn cả trăm cây tràm, ông Mười bắt đầu câu chuyện về nghề mưu sinh bằng sức lao động của mình.

Ông Mười cho biết: “Từ năm 17, 18 tuổi, tôi đã gắn bó với công việc này, đến nay cũng hơn 40 năm. Công việc này không đòi hỏi gì hết, chủ yếu có sức khỏe là làm được. Ở đây, chủ yếu bốc cừ tràm từ xe tải xuống vựa hoặc bốc từ vựa lên xe để đi giao các công trình xây dựng. 

Làm nghề này thì thường không có giờ giấc, người ta kêu giờ nào thì làm giờ đó. Tuy nặng nhọc nhưng công việc này mang lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định để lo cho gia đình”.

Tiếp lời ông Mười, ông Lê Thanh Hải (56 tuổi), ngụ phường 4, TP.Tân An, nói, nghề này làm quanh năm nhưng thường thì từ tháng 01-4 là vô mùa. Tháng nắng, người dân cất nhà nhiều, các công trình khởi công, xây dựng nhiều nên “đắt show”. 

Nghề bốc cừ tràm chủ yếu làm ngoài trời nên đòi hỏi người lao động phải chịu nắng giỏi và có sức khỏe tốt. Thông thường, cây tràm nhỏ nặng từ 7-10kg, cây lớn nặng khoảng 15kg, không phân biệt kích thước lớn, nhỏ, cứ bốc 1 cây thì mọi người được chủ vựa trả 400 đồng.

“Đời” cừ tràm giữa lòng thành phố - Ảnh 2.

Ở tuổi ngoài 60, ông Phạm Văn Mười vẫn còn theo nghề


Vừa dứt lời, ông Hải vẫy tay ra hiệu cho ông Mười “đi nhanh để giao công trình”. Rời vựa cừ tràm trên Đường tỉnh 827A, thuộc địa bàn phường 7, TP.Tân An, chúng tôi tìm đến một bãi cừ tràm khác thuộc địa bàn phường 3, TP.Tân An. Hơn 11 giờ, trời nắng gắt, không khẩu trang, không găng tay, ông Nguyễn Thanh Nhàn (58 tuổi) chỉ đội mỗi chiếc nón vải để bốc tràm. Vừa bốc, ông vừa nhẩm đếm số lượng cây, thoáng chốc xe tràm đã đầy ắp.

Tựa lưng vào ghế đá nghỉ giải lao sau khi bốc xong một chuyến xe, ông Nhàn cho hay: “Bốc cừ tràm cũng phải tập trung dữ lắm! Nhiều lúc đang làm, mình chỉ phân tâm một xíu thôi là đếm nhầm liền. Mấy lúc vậy phải đếm lại thì cực thân. 

Hồi trẻ, còn khỏe nên làm nhiều vẫn khỏe ru. Hiện tại, có tuổi rồi nên hôm nào bốc nhiều, cây lớn, nặng là mệt lắm. Tôi làm nghề này gần 30 năm, nhà gần vựa cừ tràm nên cũng tiện mỗi khi bốc là chủ vựa gọi mình ra làm. Làm nhiêu ăn nhiêu, trung bình 500 đồng/cây, ngày nào làm nhiều thì cũng được 250.000-300.000 đồng. Làm nghề này, người lao động phải đội nắng nhiều, tuy vất vả nhưng thu nhập cũng ổn, đủ sống”.

Giữa lòng TP.Tân An, hoạt động mua, bán cừ tràm vẫn diễn ra hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của các công trình xây dựng. Ngày ngày, nhiều người lao động vẫn “bám” các vựa cừ tràm để mưu sinh, dẫu lắm nhọc nhằn, vất vả nhưng nghề bốc cừ tràm cũng mang lại cho họ nguồn thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống.

Nguyễn Dung