Đọc sách cùng bạn: Người đi dọc đường

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 17/06/2022 11:43 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn sách "Dọc đường" của nhà văn Nguyên Ngọc.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Người đi dọc đường - Ảnh 1.

Nhà văn năm nay tròn 90 tuổi lại đến với bạn đọc bằng cuốn sách tập hợp 34 bài viết trong khoảng mười lăm năm đầu thế kỷ XXI. Những bài viết của ông đã từng đăng báo, đăng Facebook, từng được nhiều người đọc và thích thú. Bây giờ đọc chúng nằm chung trong một cuốn sách độc giả càng thích thú và ngưỡng mộ sức đọc, sức nghĩ, sức viết của một nhà văn không mệt mỏi hao mòn suy nghĩ cảm xúc qua thời gian.

Cuốn sách gồm những bài viết về tác giả và tác phẩm văn học, về các vấn đề lịch sử và văn hoá, và những trích đoạn hồi ký. Tên sách là "Dọc đường" có ngụ ý Nguyên Ngọc là một người Đi. Tôi đã từng định danh ông như vậy: Nguyên Ngọc-Người Đi. Ông đi rộng trong không gian, đi dài trong thời gian, đi xuyên trong văn hoá, đi sát trong đời sống, đi sâu trong tư duy. Đọc những cái viết của ông dù về bất cứ đề tài gì, vì vậy, bạn đọc luôn gặp những phát hiện, khám phá cho mình được mở mang tâm trí, phong phú tâm hồn. Cái nghĩ của ông luôn trẻ và luôn mới trên các vấn đề tư tưởng, văn hoá, văn học, nhân sinh. Ông luôn soi chiếu cái nhìn riêng của mình vào đối tượng, sự kiện, nhân vật, con người để khiến người đọc phải giật mình và cùng ông băn khoăn trăn trở trước cuộc sống. Nguyên Ngọc đã giãi bày, tâm sự, trò chuyện trên trang sách với bạn đọc những điều mình đã thu lượm, tích luỹ, suy tư trên dọc con đường đời và đường văn dài lâu.

DỌC ĐƯỜNG

Tác giả: Nguyên Ngọc

Nhã Nam & Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2022

Số trang: 401 (khổ 14x20,5cm)

Số lượng: 2000

Giá bán: 160.000

Hãy đọc hai bài viết của ông về hai nhà văn Nam Bộ - một già một trẻ. Với Trang Thế Hy nhà văn ở Bến Tre ông gọi đó là "người hiền của văn chương Nam Bộ". Ông chỉ cho ta thấy đặc sắc văn chương của "người hiền" này: "Trang Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên, hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất của nghèo khốn. Và tôi muốn nói điều này: thấy được và ngợi ca những vẻ đẹp hùng tráng, tất nhiên cũng cần lắm, nhưng dễ hơn nhiều. Tìm ra được cái đẹp nhỏ nhoi, không tên kia mới khó, cần rất nhạy, rất tinh, và có lẽ còn quan trọng hơn nữa, cần một tấm lòng nhân ái sâu xa lắm, một chất nhân văn không ồn ào, cường điệu, mà đậm đà lắm." (tr. 52). Với Nguyễn Ngọc Tư nhà văn ở Cà Mau ông thấy ở cô người có thể làm cho văn học ta đi ra được với thế giới. Ông rất tinh đọc thấy cái buồn của Tư không phải chỉ vì những kẻ "đánh" tác phẩm của mình, mà còn vì ngay cả những người yêu mến, ủng hộ cô cũng dường như không hiểu điều cô muốn gửi gắm trong tác phẩm. Ông cho thấy không thể bó hẹp Nguyễn Ngọc Tư trong vùng đất Cà Mau dù khung cảnh truyện của cô là ở đấy. "Chẳng qua cô gửi vào cái khung cảnh ấy, trên đất đai ấy, mà cô quen thuộc hơn bất cứ nơi nào trên thế gian này, một kiếp người, những kiếp người, hạnh phúc nhọc nhằn và đau khổ muôn đời của con người, cái chất thiên thần và quỷ sứ trộn lẫn bất trị, không gì không bao giờ chữa nổi trong con người. Và cô làm ra cái sản phẩm đã đưa văn học ta ra khỏi tình thế cám cảnh tỉnh lẻ của cái thời "văn học phục vụ", "văn học đi thực tế", "văn học bám sát đời sống thực tế", "văn học mũi nhọn mũi tà"… Nó đưa văn học trở lại là văn học, thế thôi, chẳng của gì hết." (tr. 74). Phải nói đây là một nhận định đúng tầm và nâng tầm văn Nguyễn Ngọc Tư, cho thấy sự tinh tường và sắc sảo của Nguyên Ngọc người suốt đời muốn làm thứ văn chương nhân bản.

Cái kết nối hai nhà văn già trẻ này ở Nam Bộ cũng là cái Nguyên Ngọc đau đáu tìm kiếm ở văn chương và khi thấy ra thì ông phấn khởi, sung sướng nói cho mọi người cùng nghe cùng biết: cái chất người, chất nhân văn trong những cuộc đời, những phận người nhỏ nhoi, bình thường mà chứa đựng rất nhiều lẽ nhân sinh. Theo ông, văn chương sứ mệnh là ở đó. Đây là tư tưởng cốt lõi xuyên suốt các bài viết của ông dù viết trong những dịp khác nhau, về những đối tượng khác nhau. Chất người đó thể hiện ra ở văn hoá. Và văn hoá tập trung nhất ở những người trí thức. Đây là hai điều quan tâm hàng đầu của Nguyên Ngọc.

Chỉ bằng một bài viết "Còn một Hà Nội, ở phía sau" ông đã nói cho ta biết văn hoá là gì qua không gian phía sau, ở bên trong, của một ngôi nhà trên phố cổ chỉ ngăn cách phía ngoài bằng một bức rèm mỏng. Chỉ một bức rèm mỏng ấy thôi là cách biệt hai không gian sống, hai thế giới tinh thần, hai cách sống. Bên ngoài là sự xô bồ náo nhiệt của đời sống thời kinh tế thị trường. Nhưng chỉ cần đi mấy bước chân lui vào phía trong, bước qua một bức rèm mỏng thường là bằng vải, thế là người ta như đang du hành ngược thời gian, rơi lại vào một không gian quá khứ. Ở đó như vẫn còn hình bóng những con người thanh lịch của Hà Nội xưa nhẹ nhàng, khiêm nhường, lặng lẽ. Một Hà Nội ở phía sau như vậy theo Nguyên Ngọc đó là cái sức đề kháng văn hoá rất Hà Nội, rất Việt Nam "không ồn ào, không khiêu khích, không đối mặt, im lặng, hơi nhẫn nhục một chút, giấu niềm kiêu hãnh đằng sau cái vẻ khiêm nhường nhìn thật tinh mới thấy là có chút khinh khỉnh". Đó là sự đề kháng bằng cách rút lui về phía sau mà ông ví như sự lui quân từ Thăng Long về Tam Điệp của quân Tây Sơn theo mưu kế của Ngô Thì Nhậm. "Giấu mình đi để tồn tại, kín đáo mà dai dẳng, bền bỉ, kiên cường nữa chứ, bởi vượt qua cả cái bao cấp thô lỗ và hung hăng lẫn cái xô bồ hỗn hào thị trường, vẫn sống mãi, âm thầm sống mãi một Hà Nội rất Hà Nội, rất Thăng Long, chưa hề phai." (tr. 88) Nguyên Ngọc muốn tin Hà Nội còn một cái đó, và sẽ còn giữ cái đó, vì ông yêu Hà Nội và đau cho Hà Nội, như một câu nói đã trở nên nổi tiếng của ông: "Hà Nội đẹp lắm, dù người ta đã phá đi khủng khiếp mà Hà Nội vẫn đẹp". Rộng ra là ông yêu và đau văn hoá. Những hồi ức của ông về cảnh và người ở Hội An ngày trước, nơi ông đã sống từ năm lên một, thấm đẫm sự hoài niệm, nhung nhớ, buồn thương về một không gian không khí văn hoá đã vĩnh viễn bị mất đi.

Cái văn hoá đó tạo nên cốt cách của người trí thức. Khi nghiền ngẫm vễ hiện tượng đầu thế kỷ XX nước ta xuất hiện một thế hệ những người khổng lồ về văn hoá, Nguyên Ngọc cho một nguyên nhân hết sức quan trọng, thậm chí quyết định, đó là: "thế hệ ấy có một lợi thế đặc biệt, họ là một thế hệ đa văn hoá". Thế hệ của những nhà nho uyên thâm và thức thời, của những nhà tây học đúng thời, như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… Cũng theo Nguyên Ngọc, chính khối tri thức khổng lồ về văn hoá văn minh dân tộc và nhân loại mà ông cả đời chiếm lĩnh tích luỹ đã rèn thành bản lĩnh trí thức cho nhà thơ Lê Đạt ung dung đi trọn con đường đời gian nan trắc trở của mình. Hay như với Trần Độ, ông kinh ngạc trước ý kiến của người phụ trách Ban tư tưởng văn hoá của đảng nêu lên vấn đề phải có trường phái trong văn chương nghệ thuật. "Lãnh đạo, như anh Độ hằng tin, là dám đứng về phía cái còn ở trong bóng tối. Một sự dũng cảm không dễ chút nào." (tr. 19). Đó chính là bản lĩnh của người trí thức.

Tất cả những suy ngẫm về trí thức đã được Nguyên Ngọc trình bày trong bài nói tại "Hội nghị chuẩn bị nghị quyết về trí thức" do Ban bí thư Trung ương Đảng triệu tập năm 2008. Bài này được in ở cuối tập sách. Nguyên Ngọc đã nói thẳng thắn, mạnh mẽ, có phần quyết liệt nữa, những suy nghĩ quan niệm của mình về trí thức và bổn phận của người trí thức đối với xã hội, đất nước, cũng như nêu lên những đòi hỏi để người trí thức phát huy được vị thế và trách nhiệm của mình. Đoạn văn này trong bài nói đó của ông đã được in vào trang gấp bìa ba cuốn sách: "Một xã hội muốn tiến lên thì phải thường xuyên tự nhìn lại mình, tự ý thức lại về chính mình. Trí thức là sự tự ý thức lại thường trực của xã hội. Tự ý thức lại, tự phê bình lại thường trực, không ngừng. Phê bình như vậy, trí thức góp phần giúp xã hội không dừng lại trên bất cứ một trật tự được coi là bất biến nào, giúp xã hội luôn tiến tới một trật tự tốt hơn, nhân đạo hơn, hợp lý hơn. Người trí thức do vậy mà trở thành lương tâm của xã hội, phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ trong xã hội ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử."

Đọc "Dọc đường" thích thú không chỉ ở ý tưởng của tác giả mà còn ở cảm xúc và văn phong của ông. Văn Nguyên Ngọc cuốn hút người đọc vì đẹp, nó đẹp từ ngôn từ đến văn điệu. Ông viết nhẹ nhàng mà sâu lắng. Câu văn nhiều mệnh đề, nhiều chuyển điệu, có nhịp của lời kể lời tả và lời nghĩ. Ông dùng từ ngữ chính xác, nhiều sắc thái, sắc độ, uyển chuyển linh hoạt theo mạch nghĩ mạch cảm của mình. Đọc văn ông khoái cảm như thơ, nhất là ở phần hồi ký. Nhiều đoạn văn ông có thể đưa vào trích giảng văn tuyển để học sinh cảm nhận được cái đẹp cái hay của tiếng Việt là thế nào. Do thế, "Dọc đường" là một cuốn sách hay. Cho đến nay tuổi đã 90 nhà văn Nguyên Ngọc tuy sức khoẻ cơ thể yếu, nhưng trí óc vẫn minh mẫn, ông vẫn nghĩ vẫn viết những bài viết tươi ròng sức sống, đọc không chán.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 16/6/2022


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem