Doanh nghiệp Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam: “Mỏ vàng” công nghệ và tiềm năng kinh tế số

Nguyễn Thịnh Thứ hai, ngày 11/12/2023 14:15 PM (GMT+7)
Theo dự báo của các chuyên gia, sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam, trong đó có mảng công nghệ và kinh tế số.
Bình luận 0

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam vào ngày 12 và 13/12 tới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến, hai bên sẽ ký nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - ASEAN cho rằng, hợp tác đầu tư và ngoại thương Trung Quốc - Việt Nam ngày càng lành mạnh khi xuất siêu của Trung Quốc sang Việt Nam giảm và Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu hàng Việt Nam, tăng đầu tư sang Việt Nam. Ngành nghề đầu tư cũng ngày càng phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đầu tư 3,96 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam: “Mỏ vàng” công nghệ và tiềm năng kinh tế số - Ảnh 1.

Tập đoàn Goertek Trung Quốc, một trong những nhà cung cấp chính của Apple. Ảnh Goertek Việt Nam.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã không ngừng khảo sát đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với Công ty TNHH công nghệ Qtech (Trung Quốc) - một trong 3 nhà sản xuất module camera hàng đầu thế giới, muốn đầu tư nhà máy sản xuất quang học điện tử tại tỉnh này với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 430 triệu USD.

Công ty WingTech - nhà sản xuất, lắp ráp smartphone cho các thương hiệu lớn của Trung Quốc như Huawei, Oppo, Xiaomi, cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ.

Tập đoàn Goertek Trung Quốc, một trong những nhà cung cấp chính của Apple, sau khi đầu tư thêm 1 dự án tại Khu công nghiệp Nam Sơn- Hạp Lĩnh với tổng vốn 280 triệu USD (hồi tháng 3), có kế hoạch tăng vốn đầu tư tại Bắc Ninh thêm 3 – 4 lần mức hiện tại trong 10 năm tới.

Vào tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà máy công nghệ HKC (Việt Nam) được doanh nghiệp thuê nhà xưởng tại Nhơn Trạch để sản xuất màn hình TV. Dự án do Tập đoàn HKC Overseas Limited (Trung Quốc) đầu tư với vốn đăng ký 10 triệu USD.

Đáng chú ý, hãng xe máy điện Trung Quốc Yadea đã hé lộ kế hoạch mở rộng quy mô tại nước ta. Theo đó, hãng sẽ khởi công nhà máy mới đặt tại khu công nghiệp Tân Hưng (Bắc Giang) vào quý IV năm nay với tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD. Cơ sở mới này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025 với diện tích 230.200m2 và công suất lên đến 2 triệu xe/năm. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng sẽ tiếp tục mở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại tỉnh Bắc Giang.

Tháng 9 vừa qua, nhà máy sản xuất lốp xe Haohua (Trung Quốc) cũng nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án tại Bình Phước với số vốn 500 triệu USD, khởi công vào đầu năm sau.

Triển vọng lớn hợp tác kinh tế số Việt - Trung

Hồi tháng 10 năm nay, tại diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và con đường lần thứ ba tiếp tục diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đề cập đến những nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời nêu ra ba trụ cột hợp tác kinh tế số.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn cầu, được thúc đẩy bởi những đột phá công nghệ mới, hiện đại. Đồng thời, Chủ tịch nước nhấn mạnh phát triển kinh tế số mở ra tiềm năng và không gian phát triển mới to lớn và nhanh chóng tạo sự liên kết giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia sẽ tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế số toàn cầu.

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam: “Mỏ vàng” công nghệ và tiềm năng kinh tế số - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại phiên họp cấp cao với chủ đề "Kinh tế Số - Động lực mới của tăng trưởng". Ảnh: TTXVN

Các chuyên gia Trung Quốc cũng nhận định, đây là những lĩnh vực có tiềm năng và triển vọng hợp tác to lớn giữa hai nước. "Không nghi ngờ gì, những lĩnh vực hợp tác quan trọng này đều cần có sự hỗ trợ của hợp tác kỹ thuật số. Trung Quốc là quốc gia thương mại điện tử lớn với công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm phong phú về thương mại số, kinh tế số, kho bãi thông minh, cũng như có số lượng lớn nhân tài về công nghệ cao.

Hơn nữa, Trung Quốc và ASEAN đang tăng cường hợp tác kinh tế số. Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN, tăng cường hợp tác kỹ thuật số giữa hai nước hết sức quan trọng", Giáo sư Lưu Anh của Viện nghiên cứu kinh tế Trùng Dương, thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc chia sẻ.

Rõ ràng, Vành đai Con đường, sự kêu gọi đầu tư từ 2 Đảng 2 nước như điện tử, hợp tác kinh tế xanh, kinh tế kỹ thuật số... nên doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư ở Việt Nam ngày càng nhiều.

Kì vọng có thêm những dự án lớn vào Việt Nam

Tập đoàn Victory Gaint Technology - chuyên sản xuất và kinh doanh các loại linh kiện điện tử, chất bán dẫn hàng đầu ở Trung Quốc, đang có kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh với quy mô dự kiến 400 triệu USD; ước giá trị sản xuất mỗi năm của nhà máy đạt giá trị khoảng 1 tỉ USD.

Một loạt các tập đoàn về pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Trina Solar, nhà đầu tư lớn nhất tại khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên), với 2 nhà máy và đang đề xuất triển khai nhà máy thứ 3 cũng tại địa phương này với mức đầu tư dự kiến 420 triệu USD.

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam: “Mỏ vàng” công nghệ và tiềm năng kinh tế số - Ảnh 3.

Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar tại Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Cường

Trong khi tập đoàn Xiamen Hithium Energy Storage Technology có thể đầu tư một nhà máy 900 triệu USD tại Hải Dương, còn Growatt New Energy mở rộng nhà máy ở Hải Phòng, với quy mô khoảng 300 triệu USD.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng hồi tháng 6/2023, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế của Trung Quốc như Hong Tian Zhu, Chủ tịch Tập đoàn Texhong; Song Hailiang, Chủ tịch Tập đoàn Energy China; Jiang Bin, Chủ tịch Tập đoàn Goertek… đánh giá cao và tin tưởng vào sự phát triển năng động của Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Sở dĩ Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất năng lượng mặt trời, bởi: Việt Nam có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, mức độ hội nhập kinh tế cao của Việt Nam là điều đáng chú ý. Việt Nam đồng thời sở hữu lực lượng lao động dồi dào, bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao kèm chi phí lao động cạnh tranh.

"Không chỉ năm 2023 mà còn từ nay đến năm 2025 và dài hơn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc không thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư sang Việt Nam, thông qua tận dụng các đối tác xuất khẩu thuận lợi để giao thương hàng hoá", GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, cho biết.

Việt Nam có cơ hội lớn từ dòng vốn trên toàn cầu đang dịch chuyển nói chung và từ Trung Quốc nói riêng, song cũng còn nhiều việc phải làm nếu thật sự muốn có làn sóng đầu tư mới.

"Đón sóng đầu tư công nghệ, Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng, logistics, môi trường đầu tư thuận lợi, quan trọng là chiến lược phát triển khoa học – công nghệ nguồn. Chắc chắn khi các doanh nghiệp FDI tới đầu tư thì cơ hội của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ rất lớn, vì trong chuỗi giá trị như sản xuất một tai nghe, điện thoại hay bo mạch… sẽ cần rất nhiều khâu và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam liên kết, liên doanh, dần chuyển giao công nghệ cũng hình thành", TS. Huỳnh Phước Nghĩa, Đại học Kinh tế TP.HCM nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem