Đình Trụ Pháp- Ngôi đình xuyên 3 thế kỷ

Mái đình là nơi linh thiêng nhất, nơi thờ vị thần trấn giữ bình yên cho cả làng. Đó cũng là nơi tín ngưỡng, để dân làng tụ tập trong những ngày lễ hội, là nơi hương khói và hội bàn việc dân việc nước. Cây đa, bến nước, mái đình do đó đã ăn sâu vào tâm khảm những người con đất Việt.

Đình Trụ Pháp- Ngôi đình xuyên 3 thế kỷ lưu giữ truyền thống cách mạng ở Nghệ An - Ảnh 1.

Di tích đình Trụ Pháp ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Và những người con, người dân xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành Vẫn luôn tự hào về những gì cha ông ta gây dựng và để lại từ muôn đời trước. 

Người dân xã Mỹ Thành cũng làm tốt vai trò, nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ đình Trụ Pháp, không chỉ là biểu tượng của làng quê chốn yên bình mà còn là nơi gắn bó máu thịt trong tâm hồn mỗi người.

Clip: Đình Trụ Pháp_Ngôi đình xuyên 3 thế kỷ ở Nghệ An

Theo các tư liệu lịch sử, đình Trụ Pháp được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Dưới thời vua Dụ Tông, công trình kéo dài 3 năm từ năm 1717 đến năm 1720 thì hoàn thành phần gỗ, lợp tranh săng. 

Đến năm Quý Mão 1903, dân làng Trụ Pháp tiến hành kiến thiết lại đình. Sang năm Giáp Thìn 1904, công trình thiết kế xây dựng đình Trụ Pháp được hoàn thành. 

Đây là một trong những ngôi đình lớn của huyện Yên Thành mang dáng kiến trúc thời Nguyễn và đến nay vẫn còn giữ được gần như nguyên trạng.

Vì vậy, đình Trụ Pháp vừa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, vừa chứa đựng các dấu vết lịch sử của quê hương Yên Thành qua từng thời kỳ.

img
img
img

Kiến trúc của đình Trụ Pháp mang những dấu ấn đặc trưng của thế kỷ thứ 18.

Đình Trụ Pháp trải qua hàng trăm năm tồn tại đã gắn với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương và dân tộc. 

Trong phong trào Cần Vương chống Pháp, nhân dân Yên Thành đã hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Trong cuộc chiến đấu này, đình làng Trụ Pháp là địa điểm để hội họp, gặp gỡ, tập trung lực lượng của những người tham gia khởi nghĩa.

img
img
img
img

Hầu hết vật liệu xây dựng đình Trụ Pháp đều bằng gỗ và được chạm trổ tinh vi. Đường nét rất độc đáo, có hồn.

Trong phong trào cách mạng 1930-1931, đến trước cách mạng tháng Tám 1945, đình Trụ Pháp là nơi hội họp của các chiến sĩ cách mạng. Đồng thời cũng là nơi tập trung lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng để đấu tranh chống bọn thực dân, phong kiến.

Đình Trụ Pháp là một trong những địa chỉ đỏ của phong trào đấu tranh cách mạng ở Yên Thành trong giai đoạn lịch sử này.

Sau cao trào cách mạng 1930-1931 đến trước năm 1945, đình Trụ Pháp cùng một số địa điểm khác trong vùng chính là những cơ sở hoạt động bí mật của Đảng bộ huyện Yên Thành. Đình Trụ Pháp còn là nơi vận động quần chúng, tập trung nhân dân để tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng.

img
img
img

Đình Trụ Pháp còn lưu giữ nhiều kỷ vật, Bằng khen, chứng nhận của Nhà nước về những công sức đã đóng góp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Bên cạnh những giá trị về lịch sử, đình Trụ Pháp còn là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng. 

Tại đình làng xưa đã từng diễn ra các sinh hoạt văn hóa tâm linh, trong đó chủ yếu là thờ cúng Thành Hoàng, tổ chức lễ hội và các nghi thức cúng tế khác theo truyền thống dân tộc. 

Ngày nay, nghi thức tế lễ được diễn ra vào ngày mùng 7 tháng giêng hằng năm. Vào các ngày vọng hàng tháng, nhân dân trong vùng vẫn về đây thắp hương, dâng lễ, cầu mong thần linh phù hộ cho mọi người, mọi nhà được những điều tốt đẹp.

Thực hiện: Thảo Vũ - Minh Châu

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem