Diện tích một loại cây trồng quan trọng làm thức ăn chăn nuôi giảm mạnh, Việt Nam chi 1,91 tỷ USD nhập về

P.V Thứ tư, ngày 06/10/2021 19:19 PM (GMT+7)
Diện tích sản xuất ngô giảm liên tục từ năm 2015 đến nay kéo theo tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng lớn.
Bình luận 0

Ngày càng phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu 

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, diện tích sản xuất ngô của Việt Nam liên tục giảm kể từ năm 2015 sau giai đoạn tăng mạnh 2008- 2014.

Diện tích ngô giảm mạnh ở các vùng trọng điểm Tây Bắc (Sơn La), Tây Nguyên (Đắk Lắk), Đông Nam bộ.

Từ đỉnh cao trên 5,5 triệu tấn ngô hàng năm, sản lượng ngô hạt của Việt Nam giảm nhanh hàng triệu tấn. Sản lượng ngô trong nước năm 2020 chỉ còn khoảng 4,7 triệu tấn.

Do không thể đáp ứng đủ nhu cầu nên cùng với sự phát triển nhanh của chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản...) và ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, nhập khẩu ngô hạt của Việt Nam ngày càng tăng.

Diện tích một loại cây trồng quan trọng làm thức ăn chăn nuô giảm mạnh, Việt Nam chi 1,91 tỷ USD nhập về - Ảnh 1.

Diện tích ngô giảm mạnh ở các vùng trọng điểm Tây Bắc (Sơn La), Tây Nguyên (Đắk Lắk), Đông Nam bộ khiến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu. Ảnh: CLA.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập 6,9 triệu tấn ngô, trị giá trên 1,91 tỷ USD trong khi con số này của năm 2020 là 12,1 triệu tấn, trị giá 2,39 tỷ USD. Giá ngô nhập khẩu bình quân 278,9 USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngô nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ 3 thị trường Argentina, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, Argentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam với 3,3 triệu tấn, tương đương 986,8 triệu USD, giá 298,7 USD/tấn. Giá nhập khẩu tăng 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường lớn thứ 2 là Brazil, đạt 1,4 triệu tấn, tương đương 300,6 triệu USD. Giá nhập khẩu ở mức 220,6 USD/tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2020.

Ngô nhập khẩu từ Ấn Độ 8 tháng qua tăng 56,2% về lượng và 49,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,1 triệu tấn, tương đương 305,9 triệu USD. Giá nhập khẩu từ Ấn Độ là 280,6 USD/tấn.

Giảm phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, lời giải từ công nghệ sinh học?

Để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, theo các chuyên gia, bên cạnh các giải pháp về chính sách thuế, thương mại, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản. 

Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có năng suất và sản lượng cao nhằm bổ sung thêm nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để đáp ứng được nhu cầu và hạ giá thành sản xuất trong nước.

Diện tích một loại cây trồng quan trọng làm thức ăn chăn nuô giảm mạnh, Việt Nam chi 1,91 tỷ USD nhập về - Ảnh 2.

8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập 6,9 triệu tấn ngô, trị giá trên 1,91 tỷ USD. Ảnh: CLA.

Hội đồng Ngũ cốc Mỹ cho biết, những nước đang cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi trên thế giới bao gồm năng lượng (ngô) và protein (đậu tương) cũng là các quốc gia hàng đầu về canh tác và sản xuất cây trồng biến đổi gen. 

Trên thị trường thế giới, không phân biệt đó là ngô được sản xuất từ giống thông thường hay giống biến đổi gen, nếu được phân loại cùng phẩm cấp (thường dựa vào nước sản xuất, độ ẩm, tỷ trọng của hạt) thì sẽ được xem là như nhau trong quá trình vận chuyển, thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

"Hiện tại, ngô biến đổi gen đang chiếm tỷ lệ lớn và đóng góp khoảng 75% nguồn cung trên toàn cầu" - nhận định của Hội đồng Ngũ cốc Mỹ.

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam nhận định, hiện tại năng suất của các giống ngô lai truyền thống đã tới hạn, do đó, việc đưa vào sản xuất các giống ngô ứng dụng công nghệ sinh học với năng suất cao và khả năng chống chịu tốt hơn đồng thời mở rộng diện tích canh tác ngô sẽ là các giải pháp cơ bản để tăng sản lượng ngô sản xuất trong nước. 

Thực tế sản xuất cho thấy, ngô biến đổi gen giúp tăng năng suất thu hoạch thêm 30,4% (tương đương tăng thêm 2,03 tấn hạt tươi/ha hay 1,27 tấn hạt khô đã bỏ lõi/ha) so với các giống ngô lai truyền thống. 

Giống ngô này cũng đang giúp nâng cao thu nhập ở cấp độ nông hộ từ 3,75 – 6,65 triệu đồng/ha; có khả năng chống chịu nổi bật trước sự xuất hiện của những dịch bệnh mới, trên 90% đối với sâu keo mùa thu. 

"Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng các giống mới năng suất cao và có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu cũng đang là định hướng để nâng cao sản lượng và chất lượng ngô thu hoạch trên mỗi đơn vị canh tác" - ông Định nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem