dd/mm/yyyy

Điện Biên: Xây dựng nông thôn mới từ sự đồng thuận của nhân dân

Trong những năm qua, ngoài việc lồng ghép hiệu quả các chương trình, đề án, các cấp, ngành của tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận, nhất quán trong hành động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM đã đề ra.

Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, làm cho dân hiểu, dân tin và nhận thức được trách nhiệm cũng như quyền lợi trong xây dựng NTM.

Điện Biên: Nhân dân đồng thuận xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Cùng sự đầu tư của nhà nước, người dân đã đóng góp công sức, góp sức làm mới các tuyến đường liên thôn, bản.

Ðặc biệt, nhờ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, người dân đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào đồ án, đề án quy hoạch NTM. Tích cực phát triển kinh tế, thực hiện các phần việc do nhân dân làm chủ. Tự nguyện đóng góp tiền, vật tư, vật liệu, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn.

Có dịp về bản Hô Chim, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay ở bản vùng cao này. Con đường nội bản được bê tông hóa thuận tiện cho việc đi lại, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng mới khang trang. Trong đó, có phần đóng góp không nhỏ của "Lão nông hiến đất" Sùng Giống Tủa. Ông Tủa đã tình nguyện hiến 3.500m2 đất để làm đường giao thông và nhà văn hóa cộng đồng.

Ông Sùng Giống Tủa nói: Khi được thôn, xã vận động tôi đã tự nguyện hiến 3.500m2 đất làm đường, xây nhà văn hóa cộng đồng. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là có nhà văn hóa khang trang không chỉ người dân sinh hoạt, vui chơi, văn nghệ, thể thao mà chính gia đình, các thế hệ con cháu tôi cũng được hưởng lợi". 

Không chỉ hiến đất mà ông Sùng Giống Tủa còn tích cực vận động người dân tham gia xây dựng NTM, góp công lao động, giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Điện Biên: Nhân dân đồng thuận xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Các đoàn viên thanh niên, lực lượng công an, kiểm lâm... cùng nhân dân đóng góp ngày công làm đường liên thôn, bản.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam "Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang", phụ nữ Mường Nhé đã và đang có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, đóng góp hiệu quả trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đặc biệt là xây dựng NTM.

Theo bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé cho biết: Ðể thu hút, tập hợp chị em phụ nữ đóng góp sức người, sức của vào công cuộc xây dựng NTM, nhất là ở các xã vùng cao, biên giới, Hội LHPN các cấp đã gắn Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" với chương trình xây dựng NTM. Phát huy vai trò của chị em trong xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Khuyến khích hội viên mở rộng các loại hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, chăn nuôi tập trung...

Hội LHPN huyện Mường Nhé cũng triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động ý nghĩa gắn với đời sống, phong tục tập quán của phụ nữ vùng cao như: Giữ gìn nhà cửa luôn sạch sẽ, không thả rông gia súc, gia cầm trong phạm vi sân nhà...

Ðến nay, các cấp Hội LHPN ở 9 xã của huyện Mường Nhé đã xây dựng 10 đoạn đường phụ nữ tự quản (3 đoạn đường trồng hoa). 4 xã đã thành lập mô hình "Hũ gạo tình thương". 11/11 xã duy trì hoạt động dọn vệ sinh thu gom, xử lý rác thải tại các bản. Hỗ trợ hơn 400 ngày công lao động giúp gia đình hội viên, phụ nữ nghèo cấy lúa, làm nhà ở.

Thông qua các phong trào thi đua đã vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, hiến 241.806m2 đất, đóng góp 220.000 ngày công xây dựng, tu sửa các công trình phúc lợi. Làm mới sửa chữa 328,5km đường dân sinh. Đóng góp 44.376 công sửa chữa, làm mới 132 nhà giúp các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách... với giá trị trên 54,9 tỷ đồng.

Điện Biên: Nhân dân đồng thuận xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Theo thống kê, đến hết tháng 7/2020 toàn tỉnh Điện Biên có 33 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ước đạt 19 triệu đồng/năm

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, người dân còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, quan tâm phát triển văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và kiến thức phân loại, xử lý rác cho từng gia đình. Tập trung xử lý vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt...

Ðặc biệt là thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", "Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM". Theo thống kê, đến hết tháng 7/2020 toàn tỉnh Điện Biên có 33 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ước đạt 19 triệu đồng/năm. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có Thị xã Mường Lay hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 37 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân là 11,7 tiêu chí/xã.

Có thể thấy rằng, với những thành tựu đáng mừng trong xây dựng NTM ở tỉnh Điện Biên đã góp phần khẳng định sự chung sức, chung lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân được ghi dấu đậm nét qua những công trình "ý Ðảng, lòng dân". Từ đó, làm thay đổi diện mạo NTM ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt là nâng cao đời sống, thu nhập của nhân dân, sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.


Vinh Duy