dd/mm/yyyy

Điện Biên: Vì sao tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng bị sụt, nứt ?

Dự án Đường Tà Lèng - Mường Phăng do UBND tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô đường giao thông cấp V miền núi, tổng chiều dài 17,469km. Tổng mức đầu tư hơn 167,3 tỷ đồng. Sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng ngân sách tỉnh.

Vừa qua, đại diện Báo NTNN/Điện tử Danviet.vn/Trangtraiviet.vn nhận được phản ánh của người dân về việc tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng mới thi công đã xảy ra sạt sụt ở một số vị trí. Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng.

Mục tiêu của dự án nhằm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và hỗ trợ phát triển du lịch. Khai thác thế mạnh đặc thù của khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ... Tuyến đường này đã được khảo sát thiết kế cách đây 7 năm.

Điện Biên: Vì sao tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng bị sụt, nứt? - Ảnh 1.

Do có mạch nước ngầm, địa chất không ổn định. Tại Km3+360 - Km4+034 bị sạt, sụt ta luy dương, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công trình.

Trả lời phóng viên, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Điện Biên cho biết: "Dự án do liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại Huy Hoàng và Công ty TNHHTVTK&XD Ánh Tuyết thi công. Đúng là trên tuyến có một số đoạn bị sạt sụt. Tuy nhiên những điểm sạt sụt này do thiên tai, bất khả kháng. Không phải do chất lượng thi công của nhà thầu".

Điện Biên: Vì sao tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng bị sụt, nứt? - Ảnh 2.

Mạch nước ngầm đã đẩy đất đá, phá hỏng kết cấu đường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại Huy Hoàng cho biết: "Khi đơn vị chúng tôi thi công, phát hiện mạch nước ngầm. Đoạn đầu tuyến từ Km0+600 - Km4+600 có địa chất phức tạp, không ổn định. Đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh Điện Biên, xin phương án xử lý. Ngày 8/11/2019, UBND tỉnh Điện Biên đã cử một đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở: Giao thông Vận tải; Xây dựng; Tài chính; Kế hoạch Đầu tư; Văn hóa - Thể thao - Du lịch; đại diện nhà thầu; đơn vị tư vấn thiết kế đi kiểm, đánh giá tại hiện trường. Đoàn kiểm tra liên ngành đã xác định những vị trí sạt, sụt là do yếu tố khách quan. Do điều kiện tự nhiên làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Đơn vị thi công đã thi công đúng theo thiết kế; đảm bảo chất lượng. Việc xảy ra sạt, sụt, nứt đường là bất khả kháng. Không phải yếu tố chất lượng của đơn vị thi công".

Điện Biên: Vì sao tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng bị sụt, nứt? - Ảnh 4.

Nhiều vị trí, Công ty đã khắc phục sự cố theo đúng thiết kế của Sở Giao thông Vận tải bằng cách kè rọ thép, ngăn bùn đất trên ta luy dương sạt xuống đường.

Theo ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Điện Biên thì sau khi đoàn kiểm tra liên ngành đi đánh giá hiện trạng tại hiện trường. Chất lượng công trình đảm bảo đúng theo hồ sơ thiết kế. Một số vị trí sạt, sụt là do địa chất không ổn định, có mạch nước ngầm. Sở Giao thông Vận tải đã có Công văn số 664/SGTVT-KT&QLGT về phương án điều chỉnh thiết kế và dự toán công trình.

 "Việc xảy ra sạt, sụt, nứt đường là do yếu tố khách quan, bất khả kháng. Nhà thầu đã thi công đúng theo hồ sơ thiết kế. Chúng tôi đã có phương án để xử lý những điểm đang xảy ra sự cố". ông Nguyễn Thái Bình cho biết.

Điện Biên: Vì sao tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng bị sụt, nứt? - Ảnh 5.

Đất, đá trên ta luy dương đẩy bay rãnh bê tông tại Km3+360.

Kiểm tra trên tuyến, tại các vị trí sạt, sụt, nứt đường, phóng viên đã ghi nhận mạch nước ngầm chảy ra từ lòng đất rất lớn. Nhiều đoạn, nước ngầm đã làm sạt cả quả đồi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng. Một số đoạn nước ngầm chảy ra, làm sạt, nứt đường.

Sở Giao thông Vận tải đã có các phương án xử lý các điểm xảy ra sự cố: Vị trí thứ nhất tại KM1+311.11 - KM1+421.18; KM2+600 - KM2+660: Hiện trạng tại các đoạn tuyến trên phía ta luy âm dốc ngang lớn, địa chất yếu rời rạc, xuất hiện cung trượt, kèm theo nước ngầm (Vết nứt dọc theo đường tại vị trí gần tim đường). Có nguy cơ sạt, trượt gây đứt đường. Giải pháp xử lý: Tại các vị trí trên thiết kế kè rọ thép ta luy âm, kết hợp rãnh thấm để thoát nước ngầm và giữ ổn định cho nền mặt đường. Vị trí thứ 2: Các đoạn tuyến từ KM3+360.73 - KM3+394.73; KM3+720.46 - KM3+850.66; KM3+976,67 - KM4+034.67: Hiện trạng tại các tuyến nêu trên, phía ta luy dương địa chất rời rạc, thường xuyên có mạnh nước ngầm, xuất hiện cung trượt gây sạt lở, làm mất ổn định cho nền đường. Riêng đoạn tuyến KM3+720.46 - KM3+850.66 cung trượt gây ép trồi hư hỏng mặt đường và rãnh thoát nước đã thi công. Biện pháp xử lý: Tại vị trí trên thiết kế cắt cơ, bạt mái, giảm tải và bổ sung kè rọ thép h=4m, kết hợp rãnh thấm tại chân taluy để giữ ổn định nền mặt đường.

Điện Biên: Vì sao tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng bị sụt, nứt? - Ảnh 6.

Tại Km1+311 - Km1+421, nền đường bị nứt, sụt. Nguyên nhân chính do địa chất không ổn định có mạch nước ngầm đã làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch khẳng định: "Công trình đảm bảo chất lượng đúng theo thiết kế. Đơn vị giám sát thường xuyên có mặt tại công trường. Ngoài đơn vị giám sát của chủ đầu tư, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) còn thường xuyên cử giám sát lên kiểm tra chất lượng. Mỗi giai đoạn làm xong giám sát của ADB lên kiểm tra chất lượng, đảm bảo mới cho chuyển giai đoạn". 

Như ông Dũng phân tích thì sau khi nhà thầu làm xong lớp móng, giám sát của ADB lên kiểm tra, đảm bảo chất lượng mới cho chuyển giai đoạn rải pây. Sau khi nhà thầu thi công xong rải pây, lu nèn, kiểm tra đạt chất lượng mới được thảm bê tông nhựa. Như vậy mọi quy trình thi công đều có giám sát của chủ đầu tư, đặc biệt là có giám sát của ADB.

Điện Biên: Vì sao tuyến đường Tà Lèng - Mường Phăng bị sụt, nứt? - Ảnh 7.

Vết nứt tại Km1+311 - Km1+421 do địa chất không ổn định cùng mạch nước ngầm gây ra.

Theo ông Nguyễn Hữu Phục, Công ty đã thi công đúng thiết kế. Tuy nhiên một số vị trí xảy ra sạt, sụt là do yếu tố khách quan, bất khả kháng. Hiện tại Công ty đang khắc phục sự cố đúng theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Vinh Duy