dd/mm/yyyy

Điện Biên: Không lơ là trong công tác bảo vệ rừng

Không phải thời điểm nắng nóng, không còn nguy cơ cháy rừng nhưng không vì thế mà lực lượng kiểm lâm Điện Biên lơ là công tác quản lý bảo vệ rừng. Các lực lượng vẫn thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vị xâm phạm rừng, khai thác rừng trái phép, lâm sản phụ và động vật hoang dã...

Xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) được giao quản lý, bảo vệ gần 54.000ha rừng. Khoảng 5 năm gần đây, ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, rừng được bảo vệ an toàn, tăng độ che phủ. Người dân cũng dần có thu nhập ổn định nhờ việc nhận khoán bảo vệ rừng và khai thác lâm sản phụ trong rừng theo quy định...

Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa cho biết: Ðối với người dân xã Chà Nưa, từ bao đời nay đã và đang sống vào rừng là chủ yếu. Chính vì thế, người dân có ý thức và trách nhiệm cao trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2015 đến nay, hàng trăm hộ dân đã tình nguyện hiến đất nương, tham gia cùng cộng đồng thôn, bản làm hàng chục ki lô mét đường tuần tra bảo vệ rừng; xây dựng các vọng gác bảo vệ rừng tại khu vực trọng yếu, giáp ranh với các xã lân cận. 

Thời điểm này trên địa bàn xã không có nguy cơ cháy rừng song các tổ bảo vệ rừng tại những thôn bản vẫn thường xuyên phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn đi tuần tra, kiểm soát rừng theo kế hoạch tuần, tháng, quý đã xây dựng. Bên cạnh đó, 3 năm trở lại đây, UBND xã Chà Nưa đã và đang vận động người dân phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, vừa tăng thu nhập vừa góp phần bảo vệ rừng trên địa bàn. Ðến nay, toàn xã đã trồng được 18,5ha cây sa nhân dưới tán rừng, trong đó 50% diện tích đã cho thu hoạch đợt đầu.

Điện Biên: Không lơ là trong công tác bảo vệ rừng - Ảnh 1.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên phối hợp với cán bộ bản tuyên truyền Luật Lâm nghiệp đến các thôn bản.

Cũng như bao hộ dân khác trong bản, nhiều năm nay, cuộc sống gia đình ông Quàng Văn Chiêu (bản Nà Ín, xã Chà Nưa) ổn định nhờ nhận khoán bảo vệ rừng. Do vậy, ông đã cùng các thành viên trong gia đình luôn thực hiện tốt việc canh giữ, bảo vệ rừng. Song song với việc phối hợp với các lực lượng, cán bộ bản tham gia tuần tra, bảo vệ rừng, ông còn tích cực vận động người thân trong gia đình và bà con trong bản tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, không phá rừng làm nương và xâm lấn đất lâm nghiệp. 

Ông Quàng Văn Chiêu cho biết: Hàng năm, nhà tôi và các hộ trong bản đã được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Hàng ngày, vợ con tôi vào rừng thu hái lâm sản phụ như: Măng, mật ong, rau rừng về bán… Chúng tôi luôn xác định rõ nêu để mất rừng, cháy rừng thì cuộc sống gia đình cũng sẽ khó khăn theo. Chính vì vậy, chúng tôi luôn ý thức được là phải bảo vệ rừng mọi lúc, mọi nơi. Mỗi ngày đi nương là một lần đi tuần tra rừng. Thường xuyên nhắc nhở con cháu về công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng các việc làm cụ thể, gần gũi với cuộc sống như: Ðốt nương phải cẩn trọng, phải có đường băng cản lửa; không sử dụng lửa trong rừng vào mùa khô hanh… Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế dưới tán rừng, 3 năm qua, gia đình tôi đã trồng được gần 1ha cây sa nhân, vừa tăng thu nhập, vừa tăng dày thảm thực vật dưới tán rừng.

Cùng với cách nghĩ trên, ông Tao Văn Vin, bản Cấu, xã Chà Nưa cho biết: Hàng ngày, chúng tôi đều tổ chức đi tuần tra, bảo vệ rừng. Chúng tôi tuyên truyền bằng cả tiếng Thái, tiếng Mông và tiếng phổ thông để bà con hiểu thật rõ, nắm thật chắc, không gây nguy hiểm cho rừng. Trong đó, yêu cầu bà con tuyệt đối không được dùng lửa bắt ong hoặc nấu nướng trong khu vực có rừng.

Điện Biên: Không lơ là trong công tác bảo vệ rừng - Ảnh 2.

Dưới tán rừng, nhiều hộ dân đã trồng các loại cây dược liệu như Sa nhân, Thảo quả để tăng thu nhập và làm giàu từ rừng.

Sự cảnh giác, trách nhiệm của chính quyền và người dân Chà Nưa nói riêng, huyện Nậm Pồ nói chung là có cơ sở. Bởi trong 9 tháng năm 2020, toàn huyện đã phát hiện và xử lý 18 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, 1 vụ gây cháy rừng, 13 vụ phá rừng trái pháp luật, 1 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật và 3 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật.

Qua tìm hiểu được biết: Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên, của cây xanh đối với đời sống con người, như đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, ngay từ những ngày đầu của năm mới, hàng trăm hecta rừng, hàng trăm nghìn cây phân tán đã được các cơ sở tại tỉnh Điện Biên trồng ở khắp mọi nơi. Phong trào trồng rừng ở Điện Biên đã thành phong trào lan tỏa rộng khắp, trở thành nét đẹp văn hóa, vừa ích nước, vừa lợi nhà ở tất cả các cơ sở trong tỉnh, trong đó có cả những địa bàn từng một thời nóng về tình trạng khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái quy định. Điều này được thể hiện rõ khi khoảng chục năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trọng tâm về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, tỉnh ủy Điện Biên đã phê duyệt Đề án phát triển rừng bền vững đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Điện Biên: Không lơ là trong công tác bảo vệ rừng - Ảnh 3.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng kiểm lâm, nhiều vụ án về mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản đã được cơ quan chức năng khởi tố.

Ông Trần Ðức Quyền, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: Ðể bảo vệ rừng trong thời điểm nắng nóng, lực lượng kiểm lâm phối hợp các đơn vị đã tổ chức tuần tra thường xuyên ở các địa bàn trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao, đẩy mạnh tuyên truyền lưu động, thực hiện ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 100% trong toàn lực lượng, xuyên suốt 24/24 giờ. Mùa mưa, lực lượng kiểm lâm phối hợp các lực lượng liên ngành tổ chức tuần tra, truy quét các đối tượng có hành vi xâm hại rừng, phá rừng; phối hợp với chính quyền các xã tổ chức tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng đến từng cộng đồng thôn bản; cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm Nậm Pồ đã tổ chức tuyên truyền được 20 buổi với 1.211 lượt người tham gia.

Điện Biên: Không lơ là trong công tác bảo vệ rừng - Ảnh 4.

Những nương Thảo quả, Sa nhân dưới tán rừng đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Trung bình 1ha Thảo quả, Sa nhân cho thu nhập từ 80 triệu đồng - 120 triệu đồng/năm.

Tại huyện Tủa Chùa, mùa mưa công tác tuần tra rừng gặp nhiều khó khăn nên đây cũng là thời điểm các đối tượng xấu thực hiện các hành vi khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép. Do đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, huyện đã thành lập các tổ liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép gỗ nghiến dạng thớt tại các địa bàn trọng điểm: Xá Nhè, Mường Ðun, Tủa Thàng và Huổi Só. Qua 3 tháng ra quân cao điểm (từ tháng 6 - 9/2020), các tổ công tác liên ngành huyện Tủa Chùa đã phát hiện 5 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tạm giữ 1 xe máy và 24 lóng gỗ nghiến tròn dạng thớt khối lượng 0,117m3; 3 vụ vận chuyển gỗ nghiến tròn dạng thớt trái pháp luật; đã xử lý vi phạm hành chính số tiền 30.000.000 đồng, tịch thu 0,122m3. Ðồng thời phối hợp với tổ công tác Ðội Kiểm lâm cơ động phát hiện 1 vụ, tạm giữ tang vật 200 lóng gỗ nghiến, khối lượng 0,786m3 cùng xe ô tô đưa về Chi cục Kiểm lâm xử lý theo quy định.

Có thể khẳng định: Rừng ở các cơ sở của tỉnh Điện Biên, nhất là tại các địa bàn từng nóng về rừng thì hôm nay đang hồi sinh từng ngày, các diện tích đất trống, cằn cỗi xưa kia nay đã và đang được phủ kín bởi một màu xanh bất tận. Kết quả đó chính là nhờ vào sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Điện Biên đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như những nỗ lực, cố gắng của lực lượng kiểm lâm tại các địa bàn, nhân dân tại các cơ sở... Do vậy, đến với Điện Biên hôm nay sẽ cảm nhận rõ sự tham gia tích cực của nhân dân khi họ đã xác định rõ việc quản lý, bảo vệ rừng không phải vấn đề của riêng ai. Vì vậy, bên cạnh làm tốt công tác quy hoạch để làm cơ sở cho việc phát triển rừng, thì việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với rừng luôn được tỉnh Điện Biên đề cao và chỉ đạo quyết liệt, góp phần giúp người dân sinh kế được với rừng và ổn định được cuộc sống từ rừng mà không phải bằng những việc vi phạm pháp luật...

Vinh Duy