dd/mm/yyyy

Điện Biên: Cần nhìn thẳng để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Điện Biên đạt 64,11 điểm (tăng 2,34 điểm), tăng 3 bậc so với năm 2018. Kết quả, tỉnh Điện Biên xếp thứ 44 trên bảng xếp hạng toàn quốc.

Ðây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên đã vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số khá của cả nước, xếp thứ 7/14 tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc.

Điện Biên: Cần nhìn thẳng để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Ảnh 1.

UBND tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.

Qua phân tích các chỉ số thành phần cho thấy, một số chỉ số đã có cải thiện tích cực về mặt điểm số và xếp hạng như: Chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số bị giảm điểm hoặc giảm xếp hạng ở mức thấp so với mức bình quân chung của chỉ số gồm: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động. Các chỉ số giảm cả điểm số và xếp hạng so với năm 2018 gồm: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp cận đất đai là một chỉ số rất quan trọng trong bộ chỉ số PCI, là chỉ số mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi xem xét đầu tư. Chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh Điện Biên năm 2019 đạt 6,21 điểm, tăng 0,03 điểm so với năm 2018 nhưng giảm 9 bậc trên bảng xếp hạng PCI. Trong số 11 chỉ tiêu thuộc chỉ số này, chỉ có 4 chỉ tiêu tăng điểm, tăng thứ hạng; 1 chỉ tiêu tăng điểm, giữ nguyên thứ hạng; 1 chỉ tiêu tăng điểm giảm thứ hạng; 1 chỉ tiêu giảm điểm, tăng thứ hạng và 5 chỉ tiêu giảm điểm, giảm thứ hạng. Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Điện Biên, nguyên nhân của việc chỉ số tiếp cận đất đai tăng điểm nhưng giảm thứ hạng do chỉ số này có mức tăng điểm không bằng mức tăng của các tỉnh, thành khác dẫn đến giảm thứ bậc trong bảng xếp hạng.

Thời gian qua, tại hầu hết các hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh Điện Biên với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đại diện các doanh nghiệp đều nêu khó khăn về tiếp cận đất đai để đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điện Biên: Cần nhìn thẳng để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Ảnh 3.

Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn là dự án đầu tiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên được chấp thuận chủ trương đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Khu sản xuất của Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Trao đổi về thực trạng và giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, ông Nguyễn Ðăng Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: Sở đã triển khai nhiều giải pháp để việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp được thuận tiện hơn, như: Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các giao dịch về đất đai, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 

Thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất để tạo tính ổn định; tăng cường đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chủ sử dụng đất và các địa phương... Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên sửa đổi bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, nhất là những tiêu chí bị giảm điểm trong năm 2019.

Điện Biên: Cần nhìn thẳng để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Ảnh 4.

Thời gian qua, tại hầu hết các hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh Điện Biên với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên, đại diện các doanh nghiệp đều nêu khó khăn về tiếp cận đất đai để đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh Điện Biên năm 2019, có 4 chỉ số vừa bị giảm điểm vừa bị giảm sâu trên bảng xếp hạng, gồm: Gia nhập thị trường (giảm 0,32 điểm, giảm 10 bậc); tính minh bạch (giảm 0,1 điểm, giảm 22 bậc); chi phí không chính thức (giảm 0,48 điểm, giảm 10 bậc) và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 0,48 điểm, giảm 10 bậc). 

Ðặc biệt, chỉ số "chi phí không chính thức" chỉ đạt 4,71 điểm, xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố; trong đó chỉ tiêu "tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai" có mức giảm điểm cao nhất (giảm 43%). Bên cạnh đó, chỉ số tính minh bạch đã giảm 22 bậc, xếp thứ 27/63 (năm 2018 xếp thứ 5/63). Mặc dù số điểm giảm không nhiều nhưng thứ hạng bị giảm sâu khiến tỉnh Điện Biên bị loại ra khỏi tốp các tỉnh dẫn đầu về tính minh bạch. Ðây là những chỉ số rất cần được quan tâm và cải thiện trong thời gian tới.

Điện Biên: Cần nhìn thẳng để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Ảnh 5.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong những năm qua luôn được tỉnh Điện Biên quan tâm và triển khai quyết liệt, vì thể chỉ số CPI trong 5 năm lại đây tăng theo hàng năm. Trong ảnh: Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Điện Biên kiểm tra tiến độ triển khai Dự án trồng cây Mắc ca công nghệ cao tại xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Điện Biên, cho biết: Năm 2020, tỉnh Điện Biên phấn đấu giữ vững mục tiêu đưa chỉ số PCI của tỉnh thuộc tốp 40 - 45 cả nước. Ðể thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền hành động, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Tiếp tục phát huy và cải thiện các chỉ số đo lường chất lượng điều hành, chất lượng phục vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. 

Trong đó, chú trọng thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông". Việc cải cách thủ tục hành chính cần thống nhất từ trên xuống dưới, giảm tối đa chi phí và thời gian cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường trao đổi, đối thoại, phản biện chính sách giữa chính quyền các cấp với cộng đồng doanh nghiệp.

Vinh Duy