De Heus đẩy nhanh vùng chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh, tiên phong xuất khẩu thịt gà vào thị trường Halal

Minh Huệ Thứ năm, ngày 22/02/2024 11:12 AM (GMT+7)
Thị trường Halal có nhiều tiềm năng về xuất khẩu thịt gà nhưng cũng là thị trường khó tính, bởi những nước này thường yêu cầu ngặt nghèo về việc đảm bảo phúc lợi động vật trong quá trình chăn nuôi cũng như giết mổ, chế biến.
Bình luận 0

Làm việc với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) vào chiều 21/2 về việc xây dựng các giải pháp xuất khẩu thịt gà, các sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm sang các nước Hồi giáo (thị trường Halal), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao và tin tưởng De Heus sẽ là doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu thịt gà sang thị trường này.

De Heus đẩy nhanh vùng chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh, tiên phong xuất khẩu thịt gà vào thị trường Halal- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với Tập đoàn De Heus và các thành viên trong chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu.

Theo ông Phùng Đức Tiến, thị trường Halal có nhiều tiềm năng về xuất khẩu thịt gà nhưng cũng là thị trường khó tính, bởi những nước này thường yêu cầu ngặt nghèo về việc đảm bảo phúc lợi động vật trong quá trình chăn nuôi cũng như giết mổ, chế biến. Bên cạnh đó, các quy định về chuồng trại, mật độ chăn nuôi, các giải pháp thú y phòng bệnh, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cũng là những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm để tiến sâu vào thị trường Halal nhiều tiềm năng.

Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được đánh giá là phù hợp với thị trường Halal, Việt Nam có lợi thể vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn như Indonesia, Malaysia... Tuy nhiên, xuất khẩu nông lâm, thủy sản Việt Nam sang thị trường Halal toàn cầu còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, mới chủ yếu là các sản phẩm thô và sơ chế, với 8 mặt hàng xuất khẩu chính là bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê, hàng rau quả, hạt tiêu, chè.

Tại buổi làm việc, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Châu Á Tập đoàn De Heus cho biết, doanh nghiệp rất mong muốn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn từ phía các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc thực hiện các quy định thú y, Luật An toàn thực phẩm, tiêu chuẩn Halal của các nước hướng tới xuất khẩu, cũng như hỗ trợ thông tin về các nước chấp nhận thịt gà xuất khẩu từ Việt Nam, các chương trình chứng nhận Halal...

De Heus đẩy nhanh vùng chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh, tiên phong xuất khẩu thịt gà vào thị trường Halal- Ảnh 2.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus (Hà Lan) bày tỏ quyết tâm xây dựng chuỗi thịt gà an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu, cũng như mong muốn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn từ phía các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Để phục vụ thị trường xuất khẩu, năm 2023, Cục Thú y, Sở NNPTNT các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An và Công ty TNHH De Heus đã cùng ký thỏa thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, giai đoạn 2023 - 2028. Theo đó, De Heus đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình an toàn dịch bệnh trong chuỗi liên kết chăn nuôi theo quy định của WOAH/OIE.

Lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh. Toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và được chứng nhận HACCP, GlobalGAP, ISO 22000, Halal.

De Heus đẩy nhanh vùng chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh, tiên phong xuất khẩu thịt gà vào thị trường Halal- Ảnh 3.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn phát biểu tại buổi làm việc.

Halal theo tiếng Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp". Các doanh nghiệp khi đáp ứng đẩy đủ các yêu cầu, phù hợp với các chuẩn mực, giá trị và thiêng luật của đạo Hồi (theo Kinh Qua'ran và luật Shariah) trong sản xuất sẽ được cấp phép để có thể kinh doanh hoặc xuất khẩu các sản phẩm dành cho người Hồi giáo.

Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai thế giới với hơn 2 tỷ người theo đạo (tương đương với 15% dân số toàn cầu). Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028 nhờ tăng trưởng quy mô dân số Hồi giáo, mức chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực và triển vọng tăng trưởng trong tương lai với tốc độ khoảng 6-8%/năm. 

Có sự khác biệt giữa thịt đạt tiêu chuẩn Halal và thịt bình thường, với 5 dấu hiệu sau: Một là người giết mổ thịt phải nói trước từ Allah (nghĩa là Chúa trời). Hai là động vật phải được giết mổ ở khe cổ họng với dụng cụ được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo. Ba là động vật phải còn sống trước khi giết mổ. Bốn là thịt Halal không dính máu. Sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra. Năm là động vật không được cho ăn bởi những thức ăn làm từ động vật khác.

Các động vật như bò, dê, cừu, nai, gà, chim, vịt,… nếu được giết mổ theo đúng nghi thức Hồi giáo trên thì mới đạt chuẩn Halal.

Để được nhập khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo, thực phẩm phải có chứng nhận Halal. Giấy chứng nhận Halal yêu cầu sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal và đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tín hiệu vui là một số thị trường Halal đã chủ động tìm khách hàng cung cấp từ Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Ai Cập sẵn sàng hợp tác để nhập khẩu thực phẩm Halal. Ai Cập cũng có chương trình hỗ trợ cho các chuyên gia của Việt Nam để đào tạo một số kỹ thuật, tiêu chuẩn về việc chuẩn bị và chế biến thực phẩm Halal. 

Hiện Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Theo đó, Bộ đã có ý kiến đóng góp việc thành lập Trung tâm Halal quốc gia đặt tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) để hỗ trợ về pháp lý, thủ tục, công nhận hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam đi các thị trường Halal toàn cầu.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã và đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia làm việc với các cơ quan/tổ chức của Indonesia để trao đổi thông tin và phát triển thị trường thực phẩm Halal tại đất nước Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á này. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem