Dạy nghề cho lao động nông thôn: Nghịch lý có tiền mà không tiêu được

Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 01/10/2020 05:59 AM (GMT+7)
Mỗi năm ngân sách trung ương bố trí trung bình từ từ 6.000 - 7.000 tỷ đồng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, thực tế việc giải ngân vốn phục vụ đào tạo nghề khó khăn. Nhiều địa phương có tiền mà không tổ chức dạy nghề được, ảnh hưởng tới thực hiện mục tiêu của toàn giai đoạn.
Bình luận 0

Phân bổ ngân sách chỉ đạt 31%

Đây là thực tế được đưa ra trong hội nghị giao ban với các địa phương, cơ sở phía Bắc về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, tổ chức ngày 29/9 tại Hòa Bình.

Ông Đào Trọng Độ - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH) cho biết, Tổng cục phối hợp với Bộ Tài chính phân bổ kinh phí dạy nghề giai đoạn 2016-2020 là 4.200 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn rất chậm, mới đạt 48% kế hoạch năm và 31% so với cả giai đoạn 2016-2020. Theo kế hoạch, năm 2020 phân bổ số kinh phí nhiều nhất thì lại khó khăn nhất trong việc giải ngân. Cụ thể, năm nay kinh phí được phân bổ cho hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 1.475 tỷ đồng, nhưng tới nay mới giải ngân được 48%.

Dạy nghề cho lao động nông thôn: Nghịch lý có tiền mà không tiêu được  - Ảnh 1.

Lao động nông thôn ở Hòa Bình học nghề nuôi ong lấy mật. Ảnh: Minh Nguyệt

Theo ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2016-2019 có 4,9 triệu lao động được học nghề, đạt 89% kế hoạch giai đoạn. Trong đó, số lao động học nghề sơ cấp, trung cấp dưới 3 tháng là 2,85 triệu người. Tỷ lệ lao động học xong có việc làm đạt 81%. Đào tạo nghề đã thiên về chất lượng hơn là số lượng. Cùng với đó, tỷ lệ học nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cũng đã có sự thay đổi. Cụ thể có 70% lao động đã học nghề phi nông nghiệp, chỉ còn 30% học nghề nông nghiệp.

Tuy nhiên. theo ông Khánh, cũng cần phải xem xét lại xem báo cáo về tỷ lệ lao động có việc làm tại các địa phương đã chuẩn chưa. "Trong một số lần đi làm việc tại địa phương, chúng tôi cũng kết hợp thanh kiểm tra, giám sát về công tác đào tạo, đặc biệt việc đánh giá hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho lao động. Tuy nhiên, chỉ có thể kiểm tra giám sát được một ít. Việc đánh giá hiệu quả tạo việc làm cho lao động sau học nghề cần phải được thực hiện thực chất hơn" - ông Khánh nói thêm.

Nhiều địa phương chưa đạt kế hoạch

Giai đoạn 2016-2019, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ kinh phí đào tạo được 696 lớp dạy nghề theo các trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 18.567 lượt lao động. Tính đến hết năm 2019 mới đạt 50,1% mục tiêu đề ra. Kế hoạch năm 2020 sẽ đào tạo cho 6.700 lao động.

Ông Đới Văn Chinh - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình cho biết, bên cạnh những kết quả, công tác giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Ví dụ như chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Việc dạy nghề chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đại phương. Tỷ lệ học cao đẳng, trung cấp còn thấp, mới đạt 18%; một số nghề dạy chưa phát huy tác dụng trong thực tế.

Tương tự Hòa Bình, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tỉnh Hà Giang cũng chưa hoàn thành kế hoạch dạy nghề toàn giai đoạn. Ông Hoàng Minh Công - Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang cho biết, giai đoạn 2016 - 2019 toàn tỉnh đã đào tạo cho 42.280 người (trong đó mục tiêu đề ra là giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn 60.000 người, bình quân 12.000 người/năm). Trong đó lĩnh vực nông nghiệp đào tạo 36 nghề cho 22.532 người, lĩnh vực phi nông nghiệp đào tạo 26 nghề cho 19.748 người.

"Dù mục tiêu toàn giai đoạn chưa đạt được đúng như kế hoạch đề ra nhưng chất lượng đào tạo nghề đã được nâng lên đáng kể. Số lượng lao động có việc làm sau học nghề nâng lên, thậm chí tỷ lệ lao động có việc làm tốt, thu nhập cao cũng tăng lên" - ông Công nói.

Ông Đào Trọng Độ cho biết, theo kế hoạch năm 2020, Bộ LĐTBXH đặt chỉ tiêu 1,68 triệu lao động nông thôn được học nghề sơ cấp dưới 3 tháng, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo chiếm khoảng 1 triệu. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, việc đào tạo chỉ dừng ở con số trên 700.000 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp và các trình độ nghề nghiệp khác.

Ngoài những nguyên nhân khách quan do việc đào tạo nghề đã đi vào thực chất, siết quy định đào tạo gắn với tạo việc làm... thì lý do khách quan cũng là do năm nay cả nước đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Chính bởi vậy việc triển khai hoạt động đào tạo nghề bị gián đoạn, nhiều lớp học chưa thể khai giảng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem